|
|
Thủ tướng: "Tránh tiêu cực, tham nhũng và xin******
Yêu cầu này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra khi chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3, ngày 25/3.
Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về: Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (sửa đổi); Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.
Các đại biểu cũng thảo luận về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội, TPHCM và tỉnh Nghệ An.
Cùng với cho ý kiến vào từng nội dung các dự thảo xây dựng luật, nghị quyết, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các thành viên Chính phủ, nhất là các bộ, ngành chủ trì xây dựng, rà soát lại nội dung các dự thảo luật, nghị quyết nhằm bảo đảm tính phù hợp và thể chế hóa tối đa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về vấn đề liên quan.
Ông nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp giữa các luật, nghị quyết với các luật, quy định đã ban hành, tránh xung đột, mâu thuẫn. "Đặc biệt, các luật, nghị quyết phải khai thác tối đa nguồn lực của đất nước; tránh lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, tránh xin - cho", người đứng đầu Chính phủ lưu ý.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành khi xây dựng luật phải làm rõ những nội dung cần bãi bỏ, cần bổ sung, hoàn thiện hoặc các nội dung mới.
Ông quán triệt luật phải được xây dựng theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm các thủ tục hành chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng có tác động; đặc biệt phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong quá trình xây dựng luật, nghị quyết.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bố trí nguồn lực, cơ sở vật chất cho công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế.
Trước đó, cho ý kiến vào dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (sửa đổi), Chính phủ thảo luận về việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế; giải pháp, thiết kế phòng cháy, chữa cháy đối với công trình cải tạo; trách nhiệm thẩm tra, thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy…
Tại dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, các thành viên Chính phủ làm rõ tính chất, vai trò của các loại quy hoạch đô thị và nông thôn; phân loại đô thị gắn với quy mô, tính chất đô thị; mở rộng đối tượng lập quy hoạch không gian ngầm; phân cấp, phân quyền trong quy hoạch đô thị và nông thôn…
Về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Chính phủ thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau như phạm vi điều chỉnh đối với quản lý hoạt động chế biến khoáng sản; phân cấp, phân quyền quản lý khoáng sản; phân nhóm khoáng sản và phân cấp trong cấp phép khai thác khoáng sản; quy định về việc Nhà nước đầu tư khai thác các khoáng sản chiến lược, quan trọng, có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn.
Đối với Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm giao một số phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại thành phố Hà Nội, TPHCM và tỉnh Nghệ An thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp, các đại biểu cho rằng việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết là hết sức cần thiết.
Việc này nhằm phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp của cơ quan Nhà nước.
Các thành viên Chính phủ cho rằng Nghị quyết cần quy định cụ thể các tiêu chí để lựa chọn các phòng tư pháp tham gia thí điểm; trình tự, thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị phối hợp tra cứu xác minh thông tin để cấp phiếu lý lịch tư pháp…
Về Đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi), các thành viên Chính phủ cho rằng, việc sửa đổi Luật nêu trên là hết sức cần thiết nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.
Tỷ phú Singapore muốn đầu tư dự án điện gió 5.500 tỷ đồng ở Bình Định******
Ngày 30/3, tỷ phú Cyril Dissescou, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nexif Ratch Energy SE Asia Pte. Ltd (Singapore) đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định về việc khảo sát để thực hiện dự án điện gió ở địa bàn tỉnh này.
Ông Cyril Dissescou, đề xuất UBND tỉnh Bình Định hợp tác một số dự án về lĩnh vực năng lượng, nhiệt điện, kí ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án điện gió tại Bình Định.
Cùng với Tập đoàn Nexif Ratch Energy, tỉnh Bình Định cũng cho 1 doanh nghiệp khác có trụ sở tại Hà Nội cùng khảo sát dự án điện gió tại địa bàn.
Chính quyền Bình Định đã thống nhất vị trí khảo sát các dự án tại xã Canh Liên, huyện Vân Canh (Bình Định).
Trước đó, Tỉnh ủy Bình Định thống nhất chủ trương cho phép nhà đầu tư khảo sát, lắp đặt cột đo gió, để nghiên cứu đầu tư các dự án điện gió trên địa bàn. Trong đó, lãnh đạo tỉnh Bình Định đặc biệt lưu ý không khảo sát tại khu rừng đặc dụng.
Theo đó, các nhà đầu tư sẽ khảo sát và lắp đặt 3 cột đo gió tại địa bàn các xã Canh Liên, Canh Hòa và Canh Thuận (huyện Vân Canh), với diện tích khảo sát tiềm năng gió trên 5.800ha.
Thời gian khảo sát là 18 tháng kể từ ngày chấp thuận chủ trương. Việc thực hiện hồ sơ, thủ tục lắp đặt cột đo gió cần đảm bảo trình tự, tuân thủ đúng pháp luật nhà nước.
Dự án nhà máy điện gió Nexif Ratch Vân Canh - Bình Định do tập đoàn của tỷ phú Cyril Dissescou dự kiến đặt tại xã Canh Liên, công suất 150MW. Diện tích khảo sát gió hơn 1.300ha, sản lượng điện ước tính trên 433 MWh/năm, tổng vốn đầu tư dự kiến 5.500 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu 20%, 80% vốn vay quốc tế).
Trước đó, ngày 29/3, tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị Xúc tiến đầu tư với sự có mặt của 14 tỷ phú đến từ các nước: Thái Lan, Israel, Hàn Quốc, Thụy Điển, Singapore, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)…
Tại hội nghị này, 9 tỷ phú đã ký kết ghi nhớ đầu tư nhiều dự án lớn. Trong đó, tỷ phú Peter Palanugool, Chủ tịch Tập đoàn Bangkok Assay Office, Thái Lan, đã ký kết ghi nhớ đầu tư tại Bình Định 10 dự án liên quan đến logistics, công nghệ, phần mềm và trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp, y tế, giáo dục, ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế và điều trị bệnh hiểm nghèo, xử lý nước biển thành nước ngọt tại đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn).
Chiều 30/3, tỉnh Bình Định sẽ tiếp, làm việc với các tỷ phú Thái Lan và UAE để tiếp tục thương thảo để thực hiện các dự án, ý tưởng đầu tư.
CSGT sẽ 'bồi dưỡng' kiến thức cho tài xế nếu giấy phép lái xe trừ hết điểm******
Từ 26 - 28.3, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thảo luận về một số dự án luật, trong đó có luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nội dung đang nhận được nhiều quan tâm, đó là trừ điểm giấy phép lái xe.
Dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dành riêng điều 57 để quy định về điểm và trừ điểm giấy phép lái xe.
Theo đó, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm. Điểm này được lưu trên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử, dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của tài xế.
Mỗi khi vi phạm, tài xế sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe tương ứng. Hành vi vi phạm nào bị trừ điểm, trừ bao nhiêu, quy trình, thủ tục trừ điểm… sẽ do Chính phủ quy định chi tiết.
Đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe, tài xế sẽ được hưởng lợi?
Vẫn theo dự thảo, giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất.
Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, tài xế phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng CSGT tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an. Nếu kết quả đạt yêu cầu, tài xế được phục hồi đủ 12 điểm.
Để tránh trường hợp "giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, tài xế báo mất rồi cấp lại", dự thảo luật nêu rõ: giấy phép lái xe mới đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của giấy phép lái xe trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng.
Trong báo cáo gửi trước hội nghị, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh (cơ quan thẩm tra) nhận định, trừ điểm giấy phép lái xe là biện pháp quản lý nhà nước nhân văn hơn so với tước giấy phép lái xe như hiện nay.
Mỗi năm, cơ quan chức năng tước hơn 500.000 giấy phép lái xe. Khi bị tước, tài xế không được phép điều khiển phương tiện, tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày.
Chưa kể, việc tước giấy phép lái xe đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến lấy, dẫn đến tồn đọng, lãng phí nguồn lực quản lý.
Với quy định trừ điểm, nếu giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, tài xế tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống.
Đáng chú ý, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, nếu giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, tài xế phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc kiểm tra sẽ do lực lượng CSGT tổ chức, chứ không phải kỳ thi sát hạch cấp giấy phép lái xe (theo chương trình đào tạo của Bộ GTVT - PV).
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia bày tỏ sự ủng hộ đối với quy định về điểm và trừ điểm giấy phép xe. Tuy vậy, các ý kiến cho rằng cần xây dựng quy định sao cho chặt chẽ, minh bạch, nhân văn nhưng cũng tránh "nhờn luật".
Thực tế cho thấy, với những lỗi vi phạm đến mức tước giấy phép xe, ngoài khoản tiền phạt, điều khiến tài xế lo lắng nhất là không thể tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông trong thời gian giấy phép xe bị tước. Vì thế, các tài xế sẽ "dè chừng" và cẩn thận hơn khi ngồi trước vô lăng.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, kiến nghị nếu tài xế bị trừ hết điểm giấy phép lái xe thì phải sau một khoảng thời gian nhất định (vài tháng chẳng hạn) mới được "kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ".
Nội dung, hình thức kiểm tra phải đảm bảo thực chất, khách quan và nghiêm túc, đủ sức răn đe để tài xế nhận thức được vi phạm và không muốn tái phạm. Nếu kiểm tra mang tính hình thức hoặc không khách quan, hiệu quả chính sách sẽ không đạt như kỳ vọng.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT (Bộ GTVT), chuyên gia giao thông đô thị, cho rằng nên tận dụng các cơ sở sát hạch giấy phép lái xe do Bộ GTVT đang quản lý, thay vì xây dựng thêm hạ tầng chỉ để phục vụ việc "kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ" sẽ dẫn tới tốn kém, lãng phí.
Quá trình trừ điểm giấy phép lái xe cũng như kiểm tra kiến thức khi giấy phép lái xe bị trừ hết điểm phải áp dụng triệt để các giải pháp công nghệ, không gây phiền hà cho người dân, hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra tiêu cực.
Giải quyết 3 "điểm nóng" về cấp phiếu lý lịch tư pháp******
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm giao một số Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội, TPHCM và tỉnh Nghệ An thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Phòng Tư pháp được phân quyền tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp), Sở Tư pháp trên môi trường điện tử để sử dụng, khai thác thông tin phục vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Trưởng phòng Tư pháp hoặc người được ủy quyền có trách nhiệm ký phiếu lý lịch tư pháp.
Dự thảo nghị quyết đề xuất việc tra cứu, xác minh thông tin về án tích có trước ngày 1/7/2010 tại cơ quan công an, tòa án và cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng.
Cụ thể, với cơ quan công an, dự thảo đề xuất trong thời hạn 5 ngày (kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của Phòng Tư pháp), công an cấp tỉnh thực hiện tra cứu thông tin về tình trạng án tích của cá nhân và gửi kết quả tra cứu cho Phòng Tư pháp.
Trường hợp phải tra cứu thông tin trong hệ thống hồ sơ, tàng thư của Bộ Công an thì thời hạn không quá 7 ngày. Việc phối hợp tra cứu thông tin với cơ quan công an được thực hiện trên môi trường điện tử.
Nếu đã tra cứu về án tích tại cơ quan công an mà vẫn chưa đủ căn cứ để kết luận hoặc nội dung về tình trạng án tích có điểm chưa rõ ràng, đầy đủ để khẳng định cá nhân có hay không có án tích, Phòng Tư pháp liên hệ với tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến cá nhân đó để tra cứu.
Trong thời hạn 5 ngày (kể từ ngày nhận được yêu cầu tra cứu, xác minh của Phòng Tư pháp), tòa án phải gửi kết quả tra cứu cho Phòng Tư pháp.
Đối với trường hợp cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người đã từng là sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, Phòng Tư pháp phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng để tra cứu.
Trong 5 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng phải thực hiện tra cứu và gửi kết quả tới Phòng Tư pháp.
Bộ Tư pháp đề xuất số lượng Phòng Tư pháp được áp dụng thí điểm ít nhất là 1/3 trong tổng số Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn Hà Nội và TPHCM; riêng tỉnh Nghệ An ít nhất có 5 Phòng Tư pháp được lựa chọn thí điểm.
Giá sầu riêng tăng mạnh, cảnh báo kiểm soát chất lượng******
Cuối tuần trước, ông Phan Hoàng Tân ở TT.Tiên Thủy (H.Châu Thành, Bến Tre) thu hoạch hơn 2 tấn sầu riêng. Đang vụ nghịch, ông bán xô cho thương lái cũng được tròn 100.000 đồng/kg. Ông Tân cho biết khoảng 2 - 3 tuần tới, ông sẽ tiếp tục thu hoạch thêm một đợt nữa với sản lượng ước tính còn cao hơn. Niềm vui như nhân đôi khi giá sầu riêng tiếp tục tăng lên 110.000 - 120.000 đồng/kg do thời tiết bất lợi, nắng nóng gay gắt nên nhiều vườn sầu riêng vụ nghịch mất mùa, năng suất thấp.
Dù vậy, ông Tân cũng cho biết: "Mấy hôm nay, có thông tin Trung Quốc cảnh báo chất lượng sầu riêng VN, đây là thị trường tiêu thụ chính nên tôi thấy lo lắng. Nếu có diễn biến bất lợi sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiêu thụ và giá sầu riêng nội địa. Rất mong cơ quan chức năng phối hợp với phía Trung Quốc sớm làm rõ vấn đề để bảo vệ ngành sầu riêng và để bà con yên tâm sản xuất".
Tại Tiền Giang - địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất ĐBSCL, theo ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh này, hiện nay sầu riêng vụ nghịch vẫn được thu hoạch đều và tiêu thụ ổn định. Giá sầu riêng loại 1 có thể lên đến 150.000 - 180.000 đồng/kg, tùy giống và chất lượng. Đến cuối tháng 4 mới bắt đầu vào chính vụ, nên từ nay đến đó giá có thể vẫn duy trì mức cao.
Cần kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu
"Liên quan đến những thông tin về chất lượng sầu riêng mà phía Trung Quốc mới cảnh báo, hiện chúng tôi đang triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật về điều tra nguyên nhân, tổ chức khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn; gửi báo cáo kết quả về Cục trước ngày 1.4. Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con nhà vườn nói chung cần yên tâm sản xuất, tiếp tục thực hành các quy trình sản xuất an toàn, sử dụng phân thuốc theo đúng danh mục được cơ quan chức năng cấp phép, cũng như các yêu cầu chất lượng của nhà nhập khẩu", ông Men thông tin.
Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt kim ngạch 2,3 tỉ USD thì thị trường Trung Quốc đã chiếm đến 2,1 tỉ USD. Nhờ tăng trưởng "thần tốc" của sầu riêng nên kim ngạch xuất khẩu ngành rau quả trong năm 2023 đạt con số kỷ lục 5,7 tỉ USD. Đà tăng trưởng tiếp tục kéo dài trong những tháng đầu năm 2024. Ước tính sơ bộ, chỉ trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả của VN đã đạt gần 1,25 tỉ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi thị trường sầu riêng đang tiến triển tốt, thì cuối tuần qua xuất hiện thông tin khiến nhiều người trong ngành lo lắng. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) thông báo: Nhận thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch động thực vật (Tổng cục Hải quan Trung Quốc - GACC) về việc 30 lô hàng sầu riêng VN xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc. Các lô hàng này thuộc 18 doanh nghiệp, bị phía Trung Quốc phát hiện vi phạm trong giai đoạn từ tháng 6.2023 - 1.2024.
Cục Bảo vệ thực vật đã gửi văn bản đến các Chi cục Kiểm dịch thực vật, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Sở NN-PTNT các tỉnh, các doanh nghiệp có tên trong danh sách cảnh báo yêu cầu thực hiện điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu; tổ chức khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn nhằm tránh tái diễn vi phạm; Có văn bản báo cáo kết quả thực hiện về Cục trước ngày 1.4. Cục cũng đề nghị các cơ quan quản lý địa phương giám sát doanh nghiệp trong việc thực hiện các yêu cầu nói trên, thẩm tra báo cáo về nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo và biện pháp khắc phục của doanh nghiệp.
Trả lời Thanh Niên, một chuyên gia trong ngành trồng trọt cây ăn quả nói đây là một vấn đề phức tạp. Để xác định rõ nguyên nhân từ đâu (đất, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) hay trong quá trình đóng gói cũng cần phải có thời gian và chuyên môn. Cadimi là chất bị cấm sử dụng trong phân, thuốc ở VN. Nếu có trong phân, thuốc thì từ mặt hàng nào; từ đâu ra..., rất nhiều vấn đề cần được cơ quan chức năng cũng như sự phối hợp với đối tác Trung Quốc làm rõ. "Chúng ta không nên quá lo lắng hoặc hành động vội vàng khi chưa có đủ thông tin vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành hàng tỉ USD còn rất non trẻ này", vị này nói.
Ở góc độ thị trường, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), nhấn mạnh: Nếu như trước đây, Trung Quốc chỉ quan tâm đến các yếu tố bên ngoài sản phẩm như sâu bọ, nấm bệnh… thì cảnh báo mới cho thấy họ đang quan tâm nhiều hơn tới những thứ bên trong của sản phẩm. Cũng có nghĩa là thị trường Trung Quốc giờ cũng "khó tính" ngang với các thị trường EU, Nhật Bản hay Mỹ.
Trong khi đó, đây là thị trường lớn và đang phát triển rất mạnh, năm 2022 là 4 tỉ USD, đến năm 2023 lên tới gần 8 tỉ USD và dự kiến năm 2024 có thể đạt đến 10 tỉ USD. Tại thị trường này, dù kim ngạch của VN đứng thứ 2 sau Thái Lan nhưng chất lượng và giá trị đứng thứ 3 sau Malaysia và Thái Lan. Chính vì vậy, nếu chúng ta không quản lý và nâng cao được chất lượng sẽ để mất thị phần vào tay các đối thủ rất mạnh là Thái Lan và Malaysia.
Ông Nguyên cảnh báo: "Không chỉ sầu riêng mà rau quả nói chung, thị trường chính của VN vẫn là Trung Quốc. Thái Lan cũng là nước nhập khẩu rau quả của VN khá lớn nhưng họ trả giá rất rẻ (làm thương mại) và yêu cầu chất lượng chuẩn EU. Nói ra điều này để thấy rằng nếu chúng ta không nâng cao chất lượng và duy trì một cách bền vững thì sẽ không bán được hàng cho bất kỳ ai. Để tránh tình trạng này tái diễn các cơ quan chức năng cần giám sát chặt các loại phân, thuốc bảo vệ thực vật; thường xuyên cập nhật các yêu cầu thị trường để kịp thời điều chỉnh khuyến cáo người dân. Đối với bà con nông dân cần nghiêm túc tuân thủ các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, ít nhất phải chuẩn VietGAP. Chúng ta cần chăm chút chất lượng nhiều hơn nữa cho trái sầu riêng".
Tháng 10.2023, Nhật Bản buộc tiêu hủy 1,4 tấn sầu riêng nhập khẩu từ VN. Nguyên nhân là cơ quan kiểm dịch nước này phát hiện sản phẩm tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc. Nhật Bản đang áp dụng quy định kiểm dịch tất cả sầu riêng nhập khẩu từ VN. Điều này khiến các doanh nghiệp phát sinh nhiều chi phí, thời gian và ảnh hưởng khâu phân phối.
Ngày 7.2.2024, EU chính thức giám sát sản phẩm sầu riêng VN tại cửa khẩu với tần suất kiểm tra 10% lô hàng. Đây là cập nhật mới trong năm nay bên cạnh các mặt hàng khác như ớt chuông và mì ăn liền. EU là một trong những thị trường xuất khẩu sầu riêng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất của VN.
Tạm dừng khai thác 2 nút giao trên cao tốc Mai Sơn******
Ngày 23/4, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo về việc tạm dừng khai thác nút giao Thiệu Giang (xã Thiệu Giang, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) và nút giao Đồng Thắng (xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) thuộc tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45.
Theo Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa, 2 nút giao nói trên còn tồn tại một số yếu tố bất cập về an toàn giao thông, cần được sửa chữa, hoàn thiện thêm. Các chủ đầu tư đã thống nhất tạm dừng khai thác 2 nút giao, đồng thời khẩn trương hoàn thiện các hạng mục để sớm đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất.
Do đó, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa thông báo tạm dừng khai thác 2 nút giao nói trên để các tổ chức, cá nhân và người dân biết, có lịch trình tham gia giao thông phù hợp.
Trước đó ngày 19/4, 2 nút giao này mới được tạm thời đưa vào vận hành khai thác, sử dụng.
Tuy nhiên, đến ngày 22/4, nhiều tài xế bất bình trước việc nút giao Đồng Thắng và nút giao Thiệu Giang bất ngờ bị rào lại nhưng không có thông báo.
Do không thể ra vào, nhiều tài xế có ý định di chuyển từ Hà Nội về các huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa và thành phố Thanh Hóa, khi đi đến nút giao Đồng Thắng và Thiệu Giang đều phải thay đổi lịch trình, mất thời gian.