'Thắp sáng ước mơ hoàn lương' giúp phạm nhân sống tích cực hơn******
Chiều 4.4, tại Trại giam Thanh Lâm (đóng tại xã Xuân Hòa, H.Như Xuân, Thanh Hóa), T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức chương trình "Thắp sáng ước mơ hoàn lương" năm 2024.
Tham dự chương trình có anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; anh Nguyễn Kim Quy, Phó chủ tịch Thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam; ông Vũ Huy Văn, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp văn phòng T.Ư Đảng; đại tá Vũ Trọng Chiến, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Cục C10, Bộ Công an); đại tá Nguyễn Đình Giang, Giám thị Trại giam Thanh Lâm (thuộc Cục C10, Bộ Công an); và lãnh đạo Tỉnh ủy Thanh Hóa, Tỉnh đoàn Thanh Hóa.
Tham gia chương trình có 200 phạm nhân đại diện cho gần 5.000 phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam Thanh Lâm.
"Thắp sáng ước mơ hoàn lương" là chương trình được tổ chức thường niên, do T.Ư Hội LHTN Việt Nam và Bộ Công an phối hợp, nhằm giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng.
Phát biểu khai mạc chương trình, anh Nguyễn Kim Quy, Phó chủ tịch Thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam, cho biết với truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam, với chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người một cách công bằng, bình đẳng cho mọi công dân, kể cả những người đang chấp hành hình phạt tù, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã thực thi nhiều chính sách nhân đạo về xử lý hình sự và thi hành án hình sự đối với người phạm tội, tạo điều kiện cho người phạm tội hưởng các chính sách khoan hồng, khuyến khích người phạm tội hối cải, rèn luyện trở thành người có ích, đóng góp cho xã hội.
"Với vai trò là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên Việt Nam, có chức năng đoàn kết, tập hợp, giáo dục, đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam, các cấp bộ Hội LHTN Việt Nam luôn xác định, coi việc đồng hành với thanh niên là phạm nhân, thanh niên mới ra tù là việc làm cần thiết, có ý nghĩa quan trọng. Chính vì vậy, nhiều chương trình, hoạt động dành cho các đối tượng thanh niên này đã được các cấp bộ Đoàn, Hội triển khai thực hiện trong thời gian qua, tiêu biểu là chương trình "Thắp sáng ước mơ hoàn lương" nhằm giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ thanh niên tái hòa nhập cộng đồng", anh Quy cho hay.
Anh Quy cho biết thêm, những năm qua, T.Ư Hội LHTN Việt Nam cùng với Bộ Công an đã tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả, như: tổ chức các buổi tọa đàm, tư vấn pháp luật, khám bệnh, tư vấn sức khoẻ, tặng quà, cấp phát thuốc miễn phí; giáo dục, giúp đỡ phạm nhân trong độ tuổi thanh niên tái hòa nhập cộng đồng… qua đó phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cán bộ, hội viên, trại viên trong công tác giáo dục, giúp đỡ phạm nhân cải tạo, hoàn lương.
Từ đó, giúp cho ý thức chấp hành án phạt và tham gia cải tạo của các phạm nhân được nâng cao. Các phạm nhân, thanh niên mới ra tù được tiếp xúc với môi trường lành mạnh, rèn luyện thể chất, xóa bỏ đi mặc cảm, có niềm tin, nghị lực, ý chí vươn lên, tích cực học tập, lao động cải tạo tiến bộ để sớm trở về với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
"Mỗi phạm nhân trong số chúng ta ở đây, ai cũng có hoàn cảnh, những câu chuyện sai lầm trong quá khứ. Sai lầm ấy đã phải đánh đổi bằng quãng thời gian dài cải tạo, suy ngẫm và day dứt, đối với nhiều người có thể là cả thanh xuân. Thất bại chỉ thực sự thất bại khi không chiến thắng được chính bản thân mình, khi mất niềm tin và lựa chọn buông xuôi. Do đó, thông qua chương trình "Thắp sáng ước mơ hoàn lương", T.Ư Hội LHTN Việt Nam và các đơn vị mong muốn các phạm nhân có một tinh thần lạc quan, thái độ sống tích cực, hướng các bạn đến những giá trị tốt đẹp, mong muốn các bạn trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh và đầy nghị lực hơn, sống có ước mơ, hoài bão, làm cho cuộc sống của bản thân mình trở nên ý nghĩa hơn", anh Quy nhấn mạnh.
Phát biểu tại chương trình, đại tá Vũ Trọng Chiến, Cục phó Cục C10, cho biết chương trình "Thắp sáng ước mơ hoàn lương" đã được thực hiện ở nhiều trại giam trên cả nước, đã mang lại niềm tin cho thanh niên đang là phạm nhân có thêm niềm tin, tự tin tái hòa nhập cộng đồng, tiếp tục lao động để giúp ích cho gia đình, xã hội. Đại tá Vũ Trọng Chiến cũng đề nghị thời gian tới các trại giam tích cực phối hợp với Hội LHTN Việt Nam ở các địa phương để làm tốt hơn nữa công tác giáo dục, giúp đỡ phạm nhân là thanh niên tái hòa nhập cộng đồng.
Trong khuôn khổ chương trình, T.Ư Hội LHTN Việt Nam đã trao công trình thanh niên là hệ thống máy tập thể dục cho cán bộ, chiến sĩ và tủ sách với 500 đầu sách cho phạm nhân đang thi hành án tại Trại giam Thanh Lâm.
Đưa 2 cậu bé đạp xe "đi lạc" 500km về gia đình ở Lai Châu******Chiều 21/4, tại trụ sở Công an xã Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu), Tổ Công tác của Công an huyện Mai Châu đã bàn giao hai cháu "đi lạc" đến địa bàn cho gia đình và công an địa phương.
Công an huyện Mai Châu cho biết, hai cháu Sùng A L. và Lý A C., đều sinh năm 2009 và trú tại bản Dền Thàng B, xã Dào San, huyện Phong Thổ, được bàn giao cho gia đình an toàn, kịp thời.
"Xin được cảm ơn các cơ quan chức năng, công an các đơn vị, địa phương đã tích cực vào cuộc; cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí, cộng đồng mạng đã chia sẻ thông tin; cảm ơn tấm lòng hảo tâm của cộng đồng đã gửi cho các cháu quần áo, đồ dùng và thức ăn trong những ngày qua, góp phần giúp các cháu về được với gia đình", Công an huyện Mai Châu thông cáo.
Trước đó, ngày 18/4, một hộ dân huyện Mai Châu sinh sống ven quốc lộ 6 phát hiện 2 cháu dắt theo xe đạp và có biểu hiện đói, khát, mệt mỏi. Người dân đưa các cháu vào nhà tắm rửa, cắt tóc, thay quần áo và báo Công an huyện Mai Châu tới đón về trụ sở chăm sóc, tìm người thân cho hai cháu.
Thông qua báo chí, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng, đến đêm 19/4, Công an huyện Mai Châu đã liên lạc được với người thân, gia đình hai cháu.
Gia đình cho biết, hai cháu đã bỏ nhà đi từ ngày 29/3, đến thời điểm Công an huyện Mai Châu phát hiện đã đi được 21 ngày. Từ nơi thường trú đến nơi phát hiện hai cháu bé khoảng 500km.
Thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu******Từ ngày 1.7, thu nhập của người lao động sẽ được tăng lên khi một loạt quyết định về lương sẽ chính thức có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa thu nhập tính thuế của người lao động cũng sẽ tăng. Theo dự thảo của Bộ LĐ-TB-XH, mức lương tối thiểu đối với người lao động tăng 6% so với mức hiện hành, tương ứng tăng từ 200.000 - 280.000 đồng tùy vùng.
Bên cạnh đó, tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Dự kiến, kể từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hằng năm khoảng 7%. Lương tăng sẽ là niềm vui nhưng niềm vui này lại không trọn vẹn khi quy định về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lại đứng yên, đồng nghĩa với việc một số người khi được tăng lương lại phải đóng thuế cao hơn.
Chị K.T (Q.3, TP.HCM) kể lại kỳ tăng lương tháng 7.2023 của chị được thêm hơn 700.000 đồng do lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chưa kịp mừng thì nhận thông tin bị trừ thuế TNCN hơn 36.000 đồng do mức lương đã tăng lên gần 11,8 triệu đồng/tháng, thuộc ngưỡng phải chịu thuế.
"Nghe lương tăng cũng vui nhưng không nhiều mà bỗng dưng trở thành người phải nộp thuế TNCN. Đợt này thì tăng lương tối thiểu, lương của công chức và trong đó chồng mình thuộc đối tượng điều chỉnh. Do chưa biết mức tăng nên cũng không biết thế nào, có thể bị rơi vào trường hợp giống mình vì đã gần ngưỡng mức đóng thuế. Phải chi ngưỡng giảm trừ gia cảnh (GTGC) được nâng theo lương thì đỡ hơn, vì mức lương tăng cũng không cao và vẫn chưa đủ chi tiêu khi giá hàng hóa còn tăng cao hơn nhiều", chị K.T chia sẻ.
Kế toán trưởng một doanh nghiệp tại TP.HCM nói với cách tính lương thay đổi vào đầu tháng 7, người lao động sẽ có mức tăng thu nhập từ vài trăm lên vài triệu đồng mỗi tháng. Điều này đồng nghĩa số thuế TNCN phải nộp cũng tăng theo.
Tiền thưởng tết có phải đóng thuế thu nhập và bảo hiểm xã hội không?
Thời gian qua, lương cơ sở, lương tối thiểu đã được Chính phủ tăng nhiều lần nhằm đảm bảo đời sống của người dân. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, lương tối thiểu vùng đã trải qua 8 lần điều chỉnh với mức tăng từ 5,5 - 15% mỗi năm. Đồng thời mức đề xuất mới tăng khoảng 11% so với năm 2013 và tăng 12,2% so với năm 2020. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người của người lao động tăng qua các năm.
Theo công bố của Bộ Tài chính trước đây thì vào năm 2021, thu nhập bình quân đầu người là 4,2 triệu đồng/tháng, đến 2023 ước đạt 4,95 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 280.000 đồng/người/tháng, tương ứng với tăng 5,9% so với thu nhập bình quân năm 2022. Như vậy, 3 năm trước, mức GTGC trong tính thuế TNCN là 11 triệu đồng/tháng, bằng hơn 2,6 lần so với thu nhập bình quân đầu người thì đến nay khi thu nhập bình quân tăng mà mức GTGC giữ nguyên nên chỉ còn 2,3 lần.
Thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội đã kiến nghị cần phải sửa đổi thuế TNCN khi nhiều quy định đã lạc hậu. Mới nhất, trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18.3 vừa qua, nhiều đại biểu phản ánh mức GTGT cho người nộp thuế TNCN hiện nay không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận vừa qua đã có nhiều cơ quan báo chí nêu mức GTGC của thuế TNCN không còn phù hợp với điều kiện hiện nay khi thời giá ngày một cao. Với những người phụ thuộc, nuôi con nhỏ thì thu nhập thành thị không đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, theo kế hoạch, sắp tới trong năm 2025 Bộ Tài chính mới bắt đầu sửa luật Thuế TNCN. Lúc đó mới xây dựng lại yếu tố về GTGC trình Chính phủ, Chính phủ trình với Thường vụ Quốc hội. Dự kiến sau khi Quốc hội ban hành quy định sửa đổi thì đến năm 2026, các quy định hiện tại mới được thay đổi.
Luật Thuế TNCN được ban hành vào năm 2007 và áp dụng từ đầu năm 2009. Lần sửa luật gần nhất là vào cuối năm 2012, đến nay đã 12 năm. Trong đó, vào đầu tháng 7.2020, do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật này có hiệu lực nên Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.
Thế nhưng, sau gần 4 năm, giá cả thực tế đã tăng cao trong khi thu nhập lại giảm nên nhiều người làm công ăn lương tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM dù đang đóng thuế TNCN nhưng lại càng phải thắt lưng buộc bụng. Hay nói cách khác, những người lao động đang phải đóng thuế ở bậc 1, bậc 2 hiện nay chỉ ở mức đủ sống mà thôi. Để dễ hình dung hãy so sánh, giá mỗi lít xăng RON 95 vào giữa tháng 7.2020 chỉ 15.370 đồng/lít thì nay là 24.284 đồng/lít, tăng gần 9.000 đồng/lít, tương đương gần 60%. Xăng tăng thì hàng hóa thiết yếu cũng tăng theo dù ít hay nhiều.
Điều này khiến nhiều gia đình phải chắt bóp chi tiêu dù họ vẫn đang thuộc nhóm phải đóng thuế TNCN. Chị Ngọc Ánh (Q.Tân Bình, TP.HCM) lấy ví dụ một tô phở ở TP.HCM trước năm 2020 chỉ khoảng 30.000 - 35.000 đồng thì nay đã lên 55.000 - 60.000 đồng; tiền gửi xe máy khoảng 2.000 - 5.000 đồng/chiếc hiện nay hầu hết lên 5.000 - 10.000 đồng. Hay con gái lớn của chị vào Trường ĐH Ngoại thương năm 2017 đóng học phí 18 triệu đồng/năm thì đến nay con thứ hai đang học năm nhất đã đóng 25 triệu đồng/năm. Hai vợ chồng chị làm ở một doanh nghiệp tư nhân, sau khi khấu trừ GTGC cho hai con vẫn thuộc diện đóng thuế TNCN ở bậc 2. Từ sau đại dịch Covid-19 đến nay công ty cũng khó khăn, đã 3 lần phải giảm lương nên thuế TNCN cũng giảm xuống chỉ còn đóng ở bậc 1.
"Tất cả mọi chi phí đều tăng, từ bó rau, chai dầu ăn, nước mắm… hay chỉ là ổ bánh mì ăn sáng. Vậy mức GTGC cho một người phụ thuộc hiện 4,4 triệu đồng/tháng làm sao đủ? Ngay cả một em bé đang học tiểu học dù đã được miễn học phí nhưng tiền bán trú, mua đồng phục, học thêm ngoại ngữ, các môn ngoại khóa tối thiểu cũng lên đến 6 - 7 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể chi phí khám chữa bệnh, giải trí tối thiểu cho gia đình. Mang tiếng có thu nhập đóng thuế nhưng có khi hết tháng không còn tiền, không thể tích lũy được gì nữa", chị Ngọc Ánh nói.
Ngoài mức GTGC, hàng loạt quy định khác cũng đã quá lạc hậu. Chẳng hạn, người có thu nhập 1 triệu đồng/tháng vẫn không được tính là người phụ thuộc; thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng phải đóng thuế... trong khi mức này là thấp hơn cả hộ nghèo mà Chính phủ quy định.
TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT, nhận định việc mới chỉ điều chỉnh tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng mà chưa điều chỉnh đồng thời quy định thuế TNCN là chưa có sự đồng bộ và làm giảm ý nghĩa của chính sách tăng lương. Bởi lẽ, thu nhập thực tế của người làm công ăn lương có thể sẽ không tăng hoặc tăng không đáng kể, khi mà họ có thể "đột nhiên" trở thành đối tượng chịu thuế TNCN và bị khấu trừ một khoản ngay sau điều chỉnh tăng lương.
Trong khi đó, thực tế hiện nay là cứ mỗi khi nhà nước tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng thì giá cả hàng hóa và chi phí sinh hoạt lại tăng thêm một mức mới. Điều này khiến đời sống thực tế của nhiều người có thể khó khăn hơn so với trước khi tăng lương. Rõ ràng, càng kéo dài thời điểm sửa luật thuế TNCN thì sẽ càng kéo dài bất cập này. Do đó, ông cho rằng Chính phủ có thể xem xét áp dụng sớm các chính sách kèm theo, như miễn giảm thuế TNCN khi tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng để bảo đảm thu nhập thực tế của người làm công ăn lương không bị suy giảm.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai: "Đặc biệt đề nghị sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân"
Chuyên gia về thuế, luật sư Trần Xoa (Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang) cảm thán người lao động nghe lương tăng chưa kịp mừng thì đã phải đóng thuế tăng theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Tăng 10 đồng, đóng thuế đến mấy đồng thì còn gì mà vui? Đó là chưa kể, tiền lương tăng lên, giá hàng hóa tiêu dùng cũng tăng, dẫn đến phần chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày cũng gia tăng qua các năm. Ông Trần Xoa cho rằng quy định mức GTGC hiện nay đã lạc hậu mà chờ đến năm 2025 mới sửa và qua năm 2026 mới áp dụng thì thật sự quá lâu. Việc sửa luật Thuế TNCN là sửa tổng thể, liên quan đến nhiều quy định khác nhau còn riêng mức GTGC đã lạc hậu, tồn tại từ nhiều năm và các cơ quan bộ ngành ai cũng thấy thì nên sửa ngay chứ không nên chờ.
"Ngay từ đầu năm, trong Nghị quyết 20 sau phiên họp thường kỳ tháng 1, Chính phủ cũng đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức GTGC trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân. Nếu lấn cấn về quy định tại luật Thuế TNCN là lạm phát (CPI) tăng 20% mới điều chỉnh mức GTGC thì đừng dựa vào sự bất hợp lý này. Bởi chỉ số CPI tính tổng thể trên 752 mặt hàng hóa, dịch vụ khác nhau, phục vụ cho quản lý vĩ mô. Trong khi đó, người lao động chỉ chịu tác động biến động giá ở vài chục mặt hàng hóa, dịch vụ, biến động mạnh hơn chỉ số CPI", ông Trần Xoa nói.
Chuyên gia này dẫn chứng thêm năm 2020, chỉ số CPI tăng hơn 20% nên mức GTGC mặc nhiên được điều chỉnh theo quy định còn trong bối cảnh hiện nay, để kích cầu tiêu dùng, cũng nên điều chỉnh lại mức GTGC. Người dân có tiền thì mới có thể chi tiêu được.
"Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người của lao động VN tăng qua các năm nên cơ sở đề xuất mức GTGC sắp tới là 18 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế (2,5 lần thu nhập bình quân đầu người). Tuy nhiên, mức này tăng cao hơn hiện nay 7 triệu đồng/tháng nên khả năng tác động số thu ngân sách. Do đó, có thể điều chỉnh tăng lên 15 - 16 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế, còn người phụ thuộc chiếm 40%, tương ứng khoảng 6 triệu đồng/tháng. Mức này được duy trì cho đến thời điểm sửa luật Thuế TNCN. Năm nào số thu thuế TNCN cũng góp phần tăng thu cho ngân sách.
Trong đó có đến 70% là thu nhập từ người làm công ăn lương. Do đó, mức GTGC cần được nghiên cứu điều chỉnh sớm để có thể trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới đây và áp dụng từ ngày 1.7 cùng với chính sách tiền lương nhằm chia sẻ với người lao động làm công ăn lương", luật sư Trần Xoa kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tú, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho rằng với biểu thuế lũy tiến từng phần của sắc thuế TNCN thì "thuyền lên, nước lên", thu nhập càng tăng thì số thuế phải đóng cũng lên theo. Mức GTGC không thay đổi thì việc tăng lương cũng không như kỳ vọng.
Ông phân tích bất cập lớn nhất của thuế TNCN hiện nay là quy định mức GTGC bằng một số tiền cụ thể, được áp dụng trong nhiều năm liên tục. Trong khi đó, giá cả hàng hóa, dịch vụ thay đổi hằng ngày. Giá một tô phở hiện nay đã tăng lên so với cách đây 4 năm; những mặt hàng trong rổ tính CPI như ăn uống, học hành, y tế tăng lên rất nhiều; Chính sách lương cũng được thay đổi liên tục hằng năm để bù đắp cho người lao động phần nào mà GTGC lại bất động, đứng yên là quá vô lý.
Chưa kể, nếu so sánh với thuế thu nhập doanh nghiệp mới thấy người làm công ăn lương đang chịu thiệt thòi. Từ khi luật Thuế thu nhập ra đời, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32%, thuế TNCN cao nhất là 35%. Từ đó đến nay, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đã được giảm xuống 20% nhưng biểu thuế suất TNCN vẫn còn giữ mức 35%. Chính vậy không nên máy móc chờ CPI tăng lên 20% mới thay đổi mức GTGC mà Chính phủ cần sớm tăng mức này lên nhằm tránh gánh nặng thuế cho người dân.
Đây cũng là vấn đề cấp bách mà nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập mấy năm qua. Không nên trì hoãn đến năm 2025 mới đưa ra sửa đổi quy định này cùng với luật Thuế TNCN. Để làm nhanh trong năm 2024, ông Nguyễn Ngọc Tú kiến nghị Bộ Tài chính có thể đưa ra mức tăng GTGC sớm để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Nếu chờ đến năm 2025 mới đưa ra mức GTGC, qua năm 2026 mới áp dụng luật Thuế TNCN sửa đổi, bổ sung thì mức GTGC lại càng lạc hậu. Từ sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cũng cắt giảm chi phí nhiều để tồn tại, trong đó có cả lương của người lao động. Thêm vào đó, giá cả hàng thiết yếu tăng cao, nhưng thuế TNCN không có sự điều chỉnh, làm cho đời sống cá nhân có nhiều khó khăn. Với mức lương tối thiểu tăng lên, nên xem xét thực hiện GTGC theo tỷ lệ mức lương tối thiểu vùng hay hỗ trợ người lao động bằng chính sách miễn, giảm thuế TNCN như đã từng áp dụng năm 2019.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM
Thuế TNCN mục đích ban đầu chỉ đánh vào đối tượng có thu nhập cao trong xã hội. Do đó, các nhà lập pháp nên nhìn nhận đúng đối tượng chịu thuế thì mới hạn chế tình trạng lạc hậu chính sách sau khi ban hành. Đáng lưu ý, ngưỡng thu nhập chịu thuế TNCN đã được đề xuất tham khảo theo các nghiên cứu cũng có thể sẽ trở lên lạc hậu ở thời điểm hiện tại nếu như chậm ban hành chính sách.
TS - luật sư Châu Huy Quang
Sau khi rà soát và tổng hợp báo cáo từ các bộ, ngành, Bộ Tư pháp cho biết có 22 điều trong luật Thuế TNCN cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Trong đó chủ yếu liên quan đến thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập, thuế suất, mức GTGC và các nhóm vấn đề mang tính kỹ thuật khác. Chẳng hạn, biểu thuế lũy tiến từng phần hiện gồm 7 bậc với các mức thuế suất từ 5 - 25%. Qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, có thể nghiên cứu để cắt giảm từ 7 xuống còn 5 bậc thuế; cùng với việc xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đề xuất mức GTGC cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng…
Xe tải đâm vào ô tô đầu kéo đang dừng đỗ trên cao tốc Cam Lộ******
Ngày 30/3, Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết khoảng 13h40 cùng ngày, tại km62+680 cao tốc Cam Lộ - La Sơn (thuộc địa phận phường Hương Vân, thị xã Hương Trà), xe tải mang biển kiểm soát 29H-794.58 (chưa xác định danh tính lái xe) lưu thông hướng bắc - nam, va chạm với ô tô đầu kéo mang biển kiểm soát 43C-003.58 (chưa xác định danh tính tài xế) kéo theo rơ mooc 43R-00179 đang dừng đỗ trên đường.
Vụ tai nạn khiến 1 người trên xe tải bị thương, xe bị biến dạng, hàng hóa đổ tràn xuống đường.
Sau khi vụ tai nạn giao thông xảy ra, Hạt Quản lý đường bộ La Sơn - Túy Loan đã phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Văn phòng Quản lý đường bộ II.5, chính quyền địa phương khẩn trương giải quyết để đảm bảo an toàn giao thông, điều tra nguyên nhân vụ việc.
Thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, ô tô đầu kéo mang biển kiểm soát 43C-003.58 bị hư hỏng nên dừng đỗ trên tuyến. Xe tải lưu thông cùng chiều do thiếu quan sát đã đâm vào, gây tai nạn.
Vị trí xảy ra tai nạn mặt đường êm thuận, đầy đủ các biển báo, đoạn 4 làn xe, có dải phân cách cứng ở giữa.
Thủ tướng: Việt Nam sẽ cùng ASEAN viết tiếp câu chuyện thành công******Sáng 23/4, lễ khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết bàn về tương lai và hoạch định tương lai trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh thế giới đứng trước bước ngoặt lớn, với ba xu hướng chiến lược.
Một là cạnh tranh phân tách ngày càng gay gắt với các khu vực, đặt ra những thách thức lớn với môi trường hòa bình, đoàn kết, hợp tác, phát triển ở cấp độ khu vực và toàn cầu.
Hai là xu hướng bùng nổ của các xu hướng mới, vừa mở ra cơ hội phát triển đột phá, vừa tiềm ẩn nguy cơ tụt hậu, nhất là các nước đang phát triển.
Ba là xu hướng phát triển bền vững, bao trùm và kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn… vừa là cơ hội, vừa tạo sức ép lớn, đòi hỏi phải có tư duy, cách tiệm cận mới mang tính toàn cầu, toàn diện, toàn dân, vì lợi ích lâu dài.
"Trong bối cảnh đó, sau gần 6 thập kỷ hình thành và phát triển, có thể khẳng định, chưa bao giờ ASEAN ở vị thế tốt như hiện nay và cũng chưa bao giờ khu vực phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Nhấn mạnh ASEAN là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác, phát triển, là tâm điểm của hàng loạt sáng kiến, liên kết ở khu vực nhưng cũng là trọng điểm của cạnh tranh chiến lược gay gắt, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng vai trò trọng tâm của ASEAN đang được thừa nhận rộng rãi, dù có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả.
Theo đó, ASEAN là khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới nhưng chênh lệch trình độ còn đáng kể, hợp tác, liên kết nội khối còn chưa thực sự bền chặt. Những thực tế trên đòi hỏi ASEAN cần có tầm nhìn chiến lược, toàn diện và khả năng thích ứng để nắm bắt cơ hội, hóa giải thách thức, phát triển ổn định và bền vững.
Để thực hiện mục tiêu ASEAN đang hướng đến năm 2045 với khát vọng về một cộng đồng năng động, gắn kết, tự cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thực hiện "5 tăng cường".
Thứ nhất, đoàn kết, hợp tác, thống nhất, nêu cao tinh thần độc lập, tự cường, tự chủ chiến lược của ASEAN. Đồng thời, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tôn trọng sự khác biệt, bảo đảm hài hòa lợi ích.
Thứ hai, tăng cường tin cậy chiến lược trong ASEAN trong quan hệ với các đối tác, góp phần ngăn ngừa xung đột, duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Thứ ba, tăng cường chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tạo ra động lực tăng trưởng mới cho ASEAN trong thời gian tới.
Thứ tư, làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Thứ năm, tăng cường, huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hợp tác công - tự tạo đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực, hạ tầng và quản trị quốc gia giúp ASEAN phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng ASEAN ngày càng chủ động, tích cực hơn cùng cộng đồng quốc tế trong định hình tương lai của thế giới.
"Ngày mai bắt đầu từ hôm nay. Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa cùng các quốc gia thành viên, đối tác và bạn bè quốc tế, nhất là các đối tác ASEAN chung tay viết tiếp câu chuyện thành công, mở ra tương lai, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới, lấy con người làm trung tâm, chủ thể cho phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng nhấn mạnh.
ASEAN phải làm chủ vận mệnh của mình
Tại diễn đàn, đại diện cho Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với vai trò Chủ tịch ASEAN 2024, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhấn mạnh trong bối cảnh khu vực ASEAN tiếp tục gặp vô số thách thức phát sinh từ bối cảnh địa chính trị, địa kinh tế và tài chính ngày càng phức tạp, Lào đã xác định chủ đề của năm là "ASEAN: Tăng cường kết nối và tự cường" nhằm xây dựng một ASEAN gắn kết và kiên cường hơn.
Việc này được thực hiện thông qua các lĩnh vực ưu tiên của năm Chủ tịch, để giúp ASEAN ứng phó kịp thời với những thách thức đang nổi lên và kịp thời nắm bắt các cơ hội để củng cố Cộng đồng ASEAN, hướng tới sự phát triển nhanh chóng và bền vững của một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm.
Hướng đến tương lai ASEAN, Thủ tướng Lào nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục đề cao các nguyên tắc cơ bản, đồng thời tăng cường sự gắn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.
Đồng thời, ASEAN phải làm chủ vận mệnh của mình bằng cách nhất quán duy trì các mục tiêu cơ bản là duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác. Điều này nhằm củng cố cộng đồng và thúc đẩy khả năng cạnh tranh và vai trò của ASEAN.
Đối mặt với bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới, Thủ tướng Sonexay Siphandone cho rằng ASEAN cần tiếp tục nỗ lực tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và với các đối tác bên ngoài, bao gồm thông qua thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN và nâng cao năng lực tranh kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN.
Thủ tướng Lào cũng đề cao sự tăng cường hợp tác của ASEAN để nâng cao năng lực trong mọi lĩnh vực, bao gồm xây dựng năng lực thể chế nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức và nắm bắt các cơ hội do các xu hướng lớn mang lại trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào phát triển khoa học và công nghệ, chung tay giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu và môi trường.
Tìm thấy bé gái 11 tuổi ở Hà Nội mất tích sau khi đi xe buýt******Lúc 9h sáng 16/4, mẹ cháu N.M.K.A. (11 tuổi, ngụ phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết gia đình đã tìm thấy K.A. tại khu vực phố Kim Mã trong tình trạng sức khỏe bình thường.
Gia đình cho biết bé gái đã đi lạc, nay may mắn được trở về an toàn.
Trước đó sáng cùng ngày, Công an TP Hà Nội phát thông báo tìm một bé gái mất tích.
Theo cơ quan chức năng, ngày 15/4, Công an phường Dịch Vọng nhận thông tin của gia đình cháu N.M.K.A. về việc cháu đi khỏi nhà chưa về.
Thông tin gia đình cho biết, khoảng 17h ngày 15/4, cháu A. lên xe buýt số 32 tại điểm bắt xe dưới chân tòa nhà 302 Cầu Giấy. A. đi đến điểm cuối là bến xe Nhổn rồi đi bộ ngược về Hồ Tùng Mậu.
Khi đi, cháu A. mặc áo phông ngắn tay xanh lá, quần dài màu nâu, tóc ngang vai, đeo balo hồng.
Né lệnh trừng phạt của Mỹ, Ấn Độ sẽ dùng euro mua tên lửa S-400 do Nga sản xuất
2024-09-12 00:19:31