|
|
Hàng xa xỉ cạnh tranh tìm kiếm mặt bằng ở TP.HCM******
Theo dữ liệu của Statista, trong năm 2023, lĩnh vực hàng hóa xa xỉ tại thị trường Việt Nam ghi nhận tổng mức doanh thu đạt 957,22 triệu USD chủ yếu đến từ nước hoa, mỹ phẩm cao cấp, thời trang, sản phẩm làm từ da cũng như đồng hồ và trang sức xa xỉ. Dự kiến, ngành hàng này sẽ thu về 992,20 triệu USD vào năm 2024.
Đơn vị này đánh giá thị trường Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định ở phân khúc xa xỉ phẩm, dự kiến 3,1%/năm. Sự phát triển của tầng lớp trung lưu và thu nhập khả dụng ngày càng tăng ở Việt Nam đã dẫn đến nhu cầu về hàng xa xỉ tăng vọt.
Statista cũng cho biết thị trường các sản phẩm xa xỉ trong thời gian qua đang chứng kiến sự chuyển dịch đáng kể sang bán hàng trực tuyến, dự kiến chiếm 8,6% tổng doanh thu vào năm 2024 song hơn 90% còn lại vẫn tại các cửa hàng.
Đánh giá trên cũng tương đồng với Báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2024 của Savills khi ghi nhận một số thương hiệu xa xỉ quốc tế gia nhập thị trường trong những tháng đầu năm như Fendi, Cartier, Loewe… Savills nhận định, ngành bán lẻ khu vực đang có những dấu hiệu phục hồi, với giá thuê mặt bằng tăng và tăng trưởng tích cực nhờ triển vọng kinh tế mạnh mẽ, doanh số bán lẻ tăng và du lịch phục hồi. Các nhà bán lẻ F&B, thể thao và mỹ phẩm dẫn đầu về hoạt động cho thuê trên toàn khu vực trong nửa cuối năm 2023. Các nhà bán lẻ trong lĩnh vực ngoài trời cũng mở rộng, trong khi các thương hiệu giải trí và hoạt động chiếm nhiều không gian hơn trong các trung tâm mua sắm.
Ở lĩnh vực xa xỉ, các thương hiệu xa xỉ khác đang đầu tư vào các cửa hàng ý tưởng và các cơ sở bán lẻ mang tính trải nghiệm hơn. Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý cấp cao Dịch vụ cho thuê bán lẻ Savills TP.HCM cho biết, các thương hiệu cao cấp hiện nay đa số tìm kiếm mặt bằng tại các khu vực trung tâm đã tập trung nhiều thương hiệu. "Tuy nhiên, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại các khu vực luxury cluster hiện hữu đang khan hiếm, dẫn đến tình trạng cạnh tranh cao giữa các thương hiệu", bà Quyên nói.
Theo ghi nhận của Báo Thanh Niên, xu hướng tìm kiếm mặt bằng co cụm tại khu trung tâm quận 1 trên các trục đường, vị trí chính đã phản ánh yếu tố "buôn có bạn, bán có phường" cao trong ngành bán lẻ. Các thương hiệu có xu hướng lựa chọn mặt bằng tại những khu vực có nhiều thương hiệu khác cùng phân khúc để hưởng lợi từ hiệu ứng đám đông và thu hút khách hàng.
Ngoài ra, việc phát triển các dự án mới tại khu vực ngoài trung tâm quận 1 để đáp ứng nhu cầu mặt bằng bán lẻ xa xỉ là một thách thức lớn. Các dự án mới cần có thời gian để xây dựng danh tiếng và thu hút khách hàng. Trong khi các thương hiệu thường ưu tiên lựa chọn những khu vực đã có sẵn lượng khách hàng nhất định.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, hoạt động diễn ra ổn định, mức độ lấp đầy không đổi theo quý, đạt 92%. Các chủ nhà đã loại bỏ chương trình giảm giá thuê. Trong quý vừa qua, các giao dịch thuê đạt tổng 1.688m2sàn. Lượng tiêu thụ lớn nằm ở khu vực ngoại thành đạt 2.040m2sàn chủ yếu đến từ khách thuê F&B và một số tòa nhà đã chuyển đổi công năng từ văn phòng sang bán lẻ.
Các thương hiệu mở rộng chiếm 67% tổng lượng giao dịch và những giao dịch vượt quá 1.000m2sàn chiếm 8% giao dịch. Thời trang chiếm 50% giao dịch, tiếp theo là F&B với 20% thị phần và sức khỏe & sắc đẹp chiếm 15% thị phần.
Thị trường bán lẻ TP.HCM đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhờ vào nhiều yếu tố tích cực, bao gồm triển vọng thu nhập và dân số gia tăng, các dự án bán lẻ liên tục cải thiện chất lượng và sự phát triển kinh tế.
Thị trường khu vực cũng đang có những động lực thúc đẩy tăng trưởng tích cực. Tăng trưởng GDP của châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ đạt gần 4% trong năm nay, cao hơn gấp đôi so với dự báo của Mỹ và vượt xa hiệu quả hoạt động chậm chạp của Khu vực đồng euro. Trong khi Việt Nam cùng Malaysia và Philippines đang trên đà đạt mức tăng trưởng hơn 6% trong năm nay.
Cà Mau: Trong 3 tháng, 90 đảng viên bị kỷ luật******
Ngày 31.3, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, trong 3 tháng đầu năm 2024, tỉnh Cà Mau có 90 đảng viên bị cấp ủy, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp và chi bộ kỷ luật; trong đó có 8 đảng ủy viên và 10 chi ủy viên.
Cụ thể, trong số 90 đảng viên bị kỷ luật có 9 đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ; 33 đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; 47 đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách và 1 đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức cách chức.
Cũng trong 3 tháng đầu năm 2024, UBKT các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 7 tổ chức đảng cùng 11 đảng viên. Qua kiểm tra, kết luận 7 tổ chức đảng và 11 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm.
Ngoài ra, cấp ủy, UBKT các cấp của tỉnh Cà Mau tổ chức giám sát thường xuyên 435 tổ chức đảng (26 ban thường vụ cấp ủy huyện, 13 UBKT cấp huyện, 43 đảng ủy cơ sở, 353 chi bộ) và 140 đảng viên. Qua giám sát cho thấy, các tổ chức đảng, đảng viên thực hiện khá tốt nội dung giám sát; tuy nhiên còn mặt hạn chế đã được góp ý trực tiếp để rút kinh nghiệm.
Cả nước nắng nóng dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương******
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết ngày 16/4, nắng nóng có xu hướng giảm nhẹ ở Tây Bắc Bộ nhưng gia tăng mạnh tại Nam Bộ. Nhiều nơi đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất trên 39 độ C, bao gồm: Biên Hòa (Đồng Nai) 39,2 độ C, Thủ Dầu Một (Bình Dương) 39,9 độ C, Đồng Phú (Bình Phước) 40 độ C...
Mức nhiệt trên là rất cao so với các khu vực Nam Bộ, đặc biệt khi khu vực đã ở cuối mùa khô. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong nhiều ngày tới.
Ngày 17/4, nắng nóng tiếp diễn ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình với nhiệt độ cao nhất 36-38 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Đồng thời vùng áp thấp nóng phía tây mở rộng vùng ảnh hưởng ra cả khu vực Lào Cai, Yên Bái, từ Thanh Hóa đến Phú Yên và Tây Nguyên. Các địa phương này ghi nhận mức nhiệt cao 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C. Độ ẩm thấp nhất 40-45%.
Trong khi đó, Hà Nội và các tỉnh, thành phố Đông Bắc Bộ cũng gia tăng nền nhiệt đáng kể trong hôm nay. Độ ẩm giảm, nắng mạnh hơn gây cảm giác oi bức. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 32-34 độ C.
Bảng dự báo thời tiết khu vực Việt Trì (Phú Thọ) trong 3 ngày tới:
Ngày | Ngày 17/4 | Ngày 18/4 (Giỗ tổ Hùng Vương) | Ngày 19/4 |
Thời tiết | Nắng nóng | Nắng nóng | Nắng nóng |
Xác suất mưa | 30% | 30% | 10% |
Nhiệt độ | 27-35 độ C | 27-35 độ C | 28-37 độ C |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp các tập đoàn hàng đầu Trung Quốc******
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành thời gian tiếp nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc.
Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thành công và bền vững, là thông điệp được ông Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh.
Thúc đẩy hợp tác về giao thông, năng lượng
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC) Đới Hòa Căn nhấn mạnh Việt Nam hiện là một trong những thị trường quan trọng nhất châu Á.
Tập đoàn mong muốn và sẵn sàng góp phần vào sự phát triển hạ tầng của Việt Nam, trong đó có khảo sát thiết kế xây dựng đường sắt, theo lời ông Đới Hòa Căn.
Đánh giá cao quy mô, năng lực và phạm vi hoạt động trên toàn cầu của Tập đoàn, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại hai bên đã nhất trí kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới, tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là hệ thống hạ tầng quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Ông đề nghị Tập đoàn nghiên cứu, khảo sát hỗ trợ tư vấn, đề xuất để tham gia đấu thầu các dự án thuộc lĩnh vực này.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) Vương Đồng Trụ trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội chia sẻ Tập đoàn hoạt động đa ngành với lĩnh vực chủ yếu như đầu tư, xây dựng vận hành các dự án hạ tầng giao thông (cảng biển, cầu đường, sân bay…), sản xuất thiết bị công nghiệp nặng, bất động sản…
Từ năm 1996 đến nay, Tập đoàn đã thực hiện hơn 20 dự án tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và năng lượng như: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (một phần); xây dựng cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải, đang thực hiện Nhà máy điện gió tại Sóc Trăng…
Việt Nam xác định phát triển cơ sở hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Ông cho biết từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Quốc hội Việt Nam đã quyết định chủ trương đầu tư nhiều dự án trọng điểm trong lĩnh vực giao thông nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đột phá chiến lược về phát triển cơ sở hạ tầng.
Tiếp Phó Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Trung Quốc (Energy China) Lã Trạch Tường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh sự chủ động của Tập đoàn khi đưa ra đề xuất hợp tác hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách, quy hoạch phát triển mạng lưới điện Việt Nam.
Ghi nhận các đề xuất của Tập đoàn về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy điện tích năng…), phát triển điện LNG, các giải pháp phát triển xanh, phát triển ít carbon tại Việt Nam..., Chủ tịch Quốc hội khẳng định đây cũng là những lĩnh vực Việt Nam đang khuyến khích thu hút đầu tư.
Ông đề nghị lãnh đạo Tập đoàn Energy China trao đổi với các bộ, ngành, địa phương về các tiềm năng, cơ hội hợp tác mới cũng như mở rộng đầu tư các dự án năng lượng, giao thông tại Việt Nam.
Thu hút tập đoàn lớn để phát triển kinh tế số, xã hội số
Thăm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Huawei, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, công dân số, xã hội số.
Là một trong những quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP và đến năm 2030 đạt 30%. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài phát triển mạnh doanh nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ cao trong nước, Việt Nam muốn thu hút các tập đoàn lớn, trong đó có Huawei, tham gia đóng góp vào quá trình chuyển đổi số.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Do đó, Huawei có thể tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong các ngành công nghiệp như: nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghệ cao; sản xuất linh kiện điện tử, viễn thông các thế hệ 5G và cao hơn; công nghiệp phụ trợ; bán dẫn…
Chủ tịch Tập đoàn Huawei Lương Hoa nhấn mạnh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và thông minh hóa là xu thế phát triển chung.
Ông khẳng định Huawei sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực hợp tác với Việt Nam như xây dựng mạng 5G, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin…
Với doanh thu gần 100 tỷ USD, Huawei trở thành một trong những Tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu, với nhiều phát minh và bằng sáng chế vượt trội, đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao.
Thủ tướng yêu cầu huy động tối đa nguồn lực khắc phục sạt lở hầm Bãi Gió******
Ngày 14/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành công điện của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an toàn, thông suốt trong quá trình khai thác đối với vận tải đường sắt tuyến Hà Nội - TPHCM.
Công điện gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch UBND các tỉnh Phú yên, Khánh Hòa.
Nội dung Công điện nêu: hầm Bãi Gió được xây dựng trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM từ thời Pháp với tuổi thọ hơn 100 năm, việc có nguy cơ xảy ra sạt lở hầm đã được nhận định, dự báo, đánh giá từ trước.
Vào lúc 12h45 ngày 12/4 trong quá trình thi công hầm Bãi Gió xảy ra hiện tượng sạt lở đất đá trên đỉnh hầm làm ách tắc vận tải đường sắt.
Sau khi xảy ra sự cố, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 85 (chủ đầu tư), các nhà thầu thi công và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp, huy động các nguồn lực thi công xuyên đêm để khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, do hầm Bãi Gió xuống cấp nghiêm trọng, điều kiện địa chất phức tạp, mặt bằng thi công hạn chế, đến nay mới khắc phục được vị trí sạt lở đầu tiên, chưa khắc phục xong vị trí sạt lở thứ 2.
Để đảm bảo an toàn, thông suốt trong quá trình khai thác đối với vận tải đường sắt tuyến Hà Nội - TPHCM, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo Chủ đầu tư dự án và các cơ quan trực thuộc huy động tối đa tất cả các nguồn lực để khắc phục kịp thời sự cố sạt lở hầm Bãi Gió, khẩn trương thông tuyến trong thời gian sớm nhất; đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công, cũng như trong quá trình khắc phục sự cố.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để bảo đảm các điều kiện an toàn về phương tiện, kết cấu hạ tầng giao thông trong quá trình thực hiện chuyển tải qua đoạn ách tắc do sự cố sạt lở hầm Bãi Gió.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với chủ đầu tư dự án huy động lực lượng tại chỗ để khẩn trương khắc phục sự cố; bố trí phương tiện, cơ sở vật chất để phục vụ tốt cho nhân dân trong thời gian thực hiện chuyển tải.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch UBND các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và các cơ quan liên quan chỉ đạo các đơn vị triển khai với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đảm bảo về an toàn, tính mạng và tài sản.
Như Dân tríđã thông tin, trong 2 ngày 12 và 13/4, tại hầm Bãi gió xảy ra hiện tượng sạt lở với tổng khối lượng hơn 200m3 gây tê liệt đường sắt Bắc - Nam đoạn qua 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Do đó các tàu đi từ phía nam ra phải dừng ở ga Giã, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa; các tàu đi từ phía bắc vào phải dừng ở ga Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang đã huy động ô tô trung chuyển hành khách qua lại giữa 2 ga này.
Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh, cho biết để khắc phục sự cố sạt, lở tại hầm Bãi Gió, ngành đường sắt đã huy động hơn 200 nhân lực cùng 2 đoàn tàu công trình, 4 máy đào nhỏ cùng các trang thiết bị để gia cố vỏ hầm.
Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh bác bỏ việc sạt, lở do quá trình thi công dự án gia cố hầm Bãi Gió. Nguyên nhân do hầm Bãi Gió được xây dựng cách đây khoảng 90 năm, nên các tầng đất đá ở trên vỏ hầm lâu năm bị phong hóa rồi rơi tự do xuống phía dưới đường ray.
Ngành đường sắt đã làm việc với Cảnh sát giao thông tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, tiến hành cấm tất cả các phương tiện xe tải đi trên đường Đèo Cả nhằm giảm áp lực cho vỏ hầm.
Vì sao Sơn La, Hòa Bình hứng mưa đá khốc liệt?******
Thông tin được ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết chiều 25/4 khi trả lời báo chí về hiện tượng mưa đá khốc liệt xuất hiện tại Sơn La và Hòa Bình một ngày trước.
Theo ông Hưởng, thống kê trong 20 ngày của tháng 4, nền nhiệt tại Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến cao hơn cùng kỳ nhiều năm 2-3 độ C, có nơi cao hơn 4 độ C. Tuy nhiên trong những ngày qua, một sóng lạnh yếu di chuyển từ phía bắc xuống, tương tác với nền nhiệt cao.
Sự xung đột giữa hai khối không khí này gây ra hiện tượng mưa đá, lốc, sét và gió giật mạnh ở hầu khắp khu vực miền Bắc.
"Trong đó, trận mưa đá xảy ra chiều tối và đêm 24/4 ở huyện Vân Hồ (Sơn La) và khu vực Hòa Bình là một trong những hiện tượng khốc liệt hơn hẳn so với trung bình nhiều năm", ông Hưởng nhận định.
Theo chuyên gia, hiện tượng dông, lốc, mưa đá khó dự báo xa nhưng có thể cảnh báo qua thiết bị theo dõi như radar, mây vệ tinh. Từ đó, cơ quan khí tượng có thể cảnh báo tới người dân trước khoảng 30-60 phút.
Thời gian tới, các hiện tượng trên còn tiếp diễn do miền Bắc vẫn đang giai đoạn giao mùa, trong khi Tây Nguyên và Nam Bộ có thể chuyển sang mùa mưa vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. Các hiện tượng cực đoan trong thời gian tới nguy cơ xuất hiện nhiều và mức độ mạnh hơn so với trung bình.
Cùng ngày, trong bản tin dự báo chuyên đề về nguồn nước, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết mực nước các sông ở khu vực Bắc Bộ biến đổi chậm và ở mức thấp.
Đặc biệt, mực nước trên sông Thái Bình tại Phả Lại, trên sông Thao tại Phú Thọ đã xuống mức thấp nhất lịch sử. Nguồn nước trên các sông, hồ chứa ở Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt 30-60% so với trung bình, riêng sông Thao và sông Lô thiếu hụt 50-60%.
Tại Trung Bộ, Tây Nguyên, mực nước trên một số sông cũng xuống dưới hoặc tương đương mức lịch sử, tập trung tại Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum... Dòng chảy trên các sông thiếu hụt so với trung bình 20-40%, một số sông thiếu hụt trên 70% như trên sông Ba tại Củng Sơn, sông La Ngà tại Tà Pao.
Cơ quan khí tượng cảnh báo từ tháng 5 đến tháng 7, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc vẫn cao 1-2 độ C so với cùng kỳ.
Tình trạng hạn hán ở khu vực phía bắc Tây Nguyên tiếp diễn đến nửa đầu tháng 5, sau đó có khả năng giảm dần, còn phía nam Tây Nguyên có thể chấm dứt hạn từ giữa tháng 5.
Trong khi đó, các tỉnh khu vực phía bắc của Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ hạn hán tiếp tục ảnh hưởng trong các tháng 5-7, sau đó mới giảm dần khi vào mùa mưa "chính vụ" từ tháng 9.
Chuyên gia cảnh báo mùa hè năm nay ở Bắc Bộ và Trung Bộ nhiều khả năng ghi nhận nắng nóng nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình, có thể xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối. Đi cùng với đó là nguy cơ cao xảy ra các trận dông, lốc, mưa đá.
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, mưa dông, lốc, sét, mưa đá xảy ra từ đêm 23/4 đến ngày 24/4 tại nhiều nơi ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ gây ra nhiều thiệt hại.
Trong đó, một người ở Thanh Hóa bị thương, 4 nhà bị tốc mái, hư hỏng hoàn toàn, 242 nhà bị tốc mái, hư hỏng một phần. Về giáo dục, 19 trường học, điểm trường bị tốc mái, hư hỏng.
1.570ha lúa, hoa màu và cây ăn quả và 47ha lâm nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại. Mưa dông cũng khiến 67 cột điện bị gãy đổ, 17 thuyền dân sinh bị thiệt hại, một trạm y tế và một trụ sở cơ quan bị ảnh hưởng.
Các thiệt hại trên tập trung tại 4 tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.