|
|
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Indonesia đi dạo, ăn phở ở Hà Nội******
Bà Retno Marsudi đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam - Indonesia trong hai ngày 24-25/4, theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Trước khi đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam - Indonesia, hai Bộ trưởng đã dạo bộ tại Hồ Gươm trong tiết trời mát mẻ và dễ chịu ngay sau cơn mưa buổi sáng.
Hai Bộ trưởng đã trao đổi về quan hệ hai nước cũng như bàn thảo các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Indonesia không ngừng phát triển mạnh mẽ, sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi đánh giá cao mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước nói chung, giữa hai Bộ Ngoại giao nói riêng. Đặc biệt là những tình cảm gắn bó giữa hai Bộ Ngoại giao đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn giới thiệu về lịch sử văn hóa của Thủ đô, đặc biệt là Bắc Bộ Phủ (tòa nhà Nhà khách Chính phủ hiện nay), truyền thuyết về Hồ Gươm, Đền Ngọc Sơn...
Bộ trưởng Retno Marsudi dành những lời khen ngợi trước danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp của Hà Nội, công tác bảo tồn di tích cũng như việc giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp của thủ đô.
Sau khi đi dạo, hai Bộ trưởng và các thành viên trong đoàn đã dùng phở bò và cà phê đen tại Hà Nội, là những món ăn sáng quen thuộc của người dân.
Bà Retno Marsudi dành lời khen ngợi ẩm thực của Việt Nam rất đa dạng và ngon, trong đó, món phở đã trở thành món ăn được nhiều bạn bè quốc tế biết đến và muốn thưởng thức.
Đến 9h, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đón Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam - Indonesia tại Nhà khách Chính phủ.
'Cô tiên' ở TP.HCM làm phép màu những cuộc đoàn tụ Pháp******
"Cô tiên" nói trên chính là chị Nguyễn Hải Uyên (37 tuổi, ngụ TP.HCM), người gần 1 năm qua vẫn miệt mài trên hành trình giúp đỡ, hỗ trợ các trường hợp người nước ngoài mong muốn tìm thân nhân ở Việt Nam hoàn toàn miễn phí.
Quê Sóc Trăng, chị Uyên có nhiều năm sống tại Pháp và Bờ Biển Ngà. 9.2020, chị trở về Việt Nam, sau đó làm điều dưỡng tại một trung tâm xét nghiệm tư nhân ở TP.Thủ Đức, TP.HCM.
Có vốn tiếng Pháp tích lũy từ nhiều năm ở nước ngoài, chị Uyên không muốn nó bị "mai một" dần, nên vẫn tìm cách thực hành, trau dồi ngôn ngữ này mỗi ngày thông qua nhiều cách khác nhau, không chỉ thông qua giao tiếp hằng ngày, phim ảnh mà còn nhận thêm công việc phiên dịch.
Chị vẫn nhớ như in ngày 30.4.2023, chị nhận làm phiên dịch cho một chàng trai người Pháp (gốc Việt) và gia đình về Việt Nam tìm lại cha mẹ ruột. Cô gái không ngờ rằng đây chính là duyên nợ gắn kết chị với những hành trình hỗ trợ các trường hợp đoàn tụ xuyên biên giới như hiện tại.
Chương mới trọn vẹn của cô gái Pháp gốc Việt tìm cha mẹ ruột sau 30 năm
"Bạn người Pháp này tên Matis, được cả gia đình cha mẹ nuôi ủng hộ, mong tìm lại cha mẹ ruột ở Việt Nam. Mình đã về Lagi, Bình Thuận để phiên dịch cho cậu với những bảo mẫu năm xưa đã chăm sóc Matis ở trại trẻ mồ côi, cũng như hỗ trợ cậu ấy hỏi han chính quyền địa phương các thông tin để tìm”, chị nhớ lại.
Dù hành trình đó tới nay vẫn chưa có kết quả, nhưng đã mang đến cho chị Uyên cảm xúc đặc biệt, để cô gái quê miền Tây quyết định sẽ hỗ trợ cho những người nước ngoài có mong muốn tìm người thân ở Việt Nam. Đó không chỉ là cách để vốn tiếng Pháp của chị không bị lãng phí, mà còn giúp cho chị Uyên tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống của mình.
Từ đây, chị Hải Uyên "nằm vùng" trong những hội nhóm cộng đồng người nói tiếng Pháp, biết được nhiều câu chuyện tìm lại người thân, gia đình Việt Nam. Những trường hợp ở TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận, chị đều ngỏ ý mong được giúp đỡ.
Hỗ trợ nhiều trường hợp người nước ngoài khác nhau tìm lại gốc gác, đa phần là những đứa trẻ bị cha mẹ ruột bỏ đi từ thuở mới lọt lòng vì nhiều lý do, nhiều trường hợp có kết quả, nhiều trường hợp "bít đường", nhưng câu chuyện nào cũng để lại cho chị Uyên những ấn tượng sâu sắc.
Nhớ nhất, với chị Uyên chính là trường hợp đầu tiên mình hỗ trợ tìm lại được thân nhân, sau nhiều tháng ròng hỏi thăm tin tức. Đó là câu chuyện của Maxim, một chàng trai người Pháp có mong muốn tìm lại gia đình Việt Nam.
Chị kể mình đã dành nhiều thời gian trao đổi với vợ chồng Maxim để biết được thông tin. Chị dành thời gian dài để dò la địa chỉ của gia đình Maxim ở Việt Nam. Cuối cùng, nhờ sự hỗ trợ, "mách nước" của những người tốt bụng, cũng có kết quả khi tìm được dì của chàng trai Pháp ở TP.HCM.
Ngay trong khoảnh khắc có kết quả xét nghiệm ADN, mình đã vỡ òa, nhảy lên ôm bạn bè, đồng nghiệp. Lúc đó, mình thấy hạnh phúc như thể chính mình đã được đoàn tụ cùng người thân ruột thịt của mình vậy. Sau đó, mình đã kết nối Maxim với gia đình ở Việt Nam, và họ vẫn giữ liên lạc với nhau tới thời điểm hiện tại. Chính trường hợp đầu tiên thành công đó đã tiếp thêm cho mình sức mạnh, động lực để tiếp tục hỗ trợ thêm những trường hợp khác
Chị Nguyễn Hải Uyên, ngụ TP.HCMBận rộn với công việc làm điều dưỡng, nhiều lần, chị Uyên phải… xin nghỉ phép để tìm kiếm thông tin cho những trường hợp mình đang theo dõi. Chị nói mình mất thời gian, công sức, thậm chí là tiền bạc, nhưng điều chị nhận lại nhiều nhất chính là niềm hạnh phúc khi được mang lại niềm vui đoàn tụ cho những trái tim không quên nguồn cội, tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Với chị, đó, là điều vô giá!
Cô gái Pháp gốc Việt tìm cha mẹ ruột sau 30 năm: ‘Tôi sợ sau này sẽ quá trễ’
Hành trình tạo nên những phép màu đoàn tụ mà chị Uyên đang làm không hề đơn độc, bởi luôn có gia đình vài những người bạn thân luôn dõi theo và động viên. Chị tâm sự mỗi lần đi tìm một trường hợp nào đó, cha mẹ hay em trai ở quê luôn quan tâm chị, hỏi thăm về kết quả của cuộc tìm kiếm.
“Con giúp ai được thì là một điều tốt, là điều mà tôi luôn tự hào về Uyên. Tôi vẫn cầu nguyện cho hành trình của con suôn sẻ và có kết quả mong muốn", bà Nguyễn Thị Viện (62 tuổi), mẹ chị Uyên tâm sự.
Tôi không có từ nào để diễn tả hết niềm hạnh phúc đoàn tụ của mình cũng như sự biết ơn với chị Uyên. May mắn vì tôi đã gặp được chị Uyên và những người Việt tốt bụng, các bạn đã giúp tôi tìm thực hiện được ước mơ của mình! Tôi sẽ trở lại Việt Nam một ngày sớm nhất!
Kim Hoa Gouguet, Người Pháp gốc ViệtChị Uyên cũng xúc động bởi mỗi trường hợp được đăng lên mạng xã hội để tìm kiếm hoặc chị đi trực tiếp để tìm, đều nhận được sự giúp đỡ hết sức, hết lòng từ những người xa lạ. Chính nhờ sự hỗ trợ đó, nhiều lần đã giúp chị Uyên có được kết quả trên hành trình tìm kiếm của mình. Chị vô cùng trân trọng.
Những trường hợp tìm kiếm của chị Uyên, nhiều lần được Báo Thanh Niênđăng tải đã tạo nên những hiệu ứng tích cực. Nữ điều dưỡng cho biết sau mỗi bài báo được đăng tải, thông qua sức ảnh hưởng, lan tỏa của Báo Thanh Niên, chị nhận được nhiều thông tin hữu ích hơn, hành trình tìm kiếm của chị cũng trở nên thuận lợi hơn rất nhiều, thậm chí còn thấy được kỳ tích và phép màu.
Gần đây nhất, là câu chuyện về cô gái Pháp gốc Việt Kim Hoa Gouguet tìm được cha mẹ, anh em ruột ở Bình Dương chỉ sau 2 giờ câu chuyện được đăng lên báo, khiến chị Uyên và cô gái Pháp vô cùng bất ngờ. Chị hy vọng Báo Thanh Niênsẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ chị trên hành trình này, bởi nó vẫn còn được tiếp tục…
Đề xuất học sinh, sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần liệu có khả thi?******
Trong dự thảo này cũng nêu, học sinh, sinh viên được trả tiền làm thêm giờ theo thỏa thuận với người sử dụng lao động căn cứ trên thời gian thực tế làm, khối lượng và chất lượng công việc...
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phòng Truyền thông và công tác sinh viên, Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi TP.HCM, cho biết ủng hộ đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
"Thực tế cho thấy nhiều sinh viên sa đà vào việc làm thêm mà lơ là việc học. Có những trường hợp sinh viên mệt mỏi khi đến giảng đường, không thể tiếp thu bài giảng vì dành quá nhiều thời gian để làm thêm ban đêm với các công việc ở: bar, pub, bida, quán nhậu… Vì lẽ đó, đề xuất này sẽ khống chế được thời gian làm thêm của sinh viên, giúp các bạn có thể dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ học tập hơn", tiến sĩ Sơn nói.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội một tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, cũng cho rằng thời gian qua có nhiều vụ việc sinh viên sập bẫy lừa "việc nhẹ lương cao", bị chèn ép khi đi làm thêm, nhận mức lương bèo bọt không tương xứng với công sức bỏ ra, thậm chí không được trả tiền công… "Thế nên nếu đề xuất này đi vào thực tiễn, sẽ có thể giúp bảo vệ quyền lợi chính sách của sinh viên khi đi làm thêm", vị này cho biết.
Luật sư Nguyễn Hải Long, Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh, nhìn nhận hiện nay có nhiều học sinh, sinh viên tranh thủ thời gian rảnh để đi làm thêm nhằm có thu nhập và kinh nghiệm, kỹ năng sống.
"Nhu cầu làm thêm của học sinh, sinh viên là rất lớn. Tuy nhiên, vì thiếu những hiểu biết về pháp luật nên họ không ký kết hợp đồng lao động, bỏ qua các điều kiện, vấn đề quản lý lao động… Để rồi khi có tranh chấp, tai nạn xảy ra, học sinh, sinh viên thường chịu những thiệt thòi… Chính vì thế, khi Dự thảo luật Việc làm (sửa đổi) được triển khai áp dụng thì người sử dụng lao động (tức nơi tuyển dụng) phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Khi đó, người lao động (là học sinh, sinh viên) được đảm bảo quyền lợi một cách tốt hơn như hiện nay. Nếu người sử dụng lao động sai phạm, cơ quan chức năng có thể dựa vào luật để kịp thời chấn chỉnh, xử lý".
Luật sư Long cũng cho rằng tại nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Úc… cũng đã có những quy định cụ thể để giới hạn thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên, du học sinh và được ủng hộ, đồng tình. "Thế nên, đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là hoàn toàn khả thi trong thời gian tới", luật sư Long nói.
Cũng trong Dự thảo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.
Tuy nhiên, đại diện một số Trường ĐH tại TP.HCM "than khó" về vấn đề này. Hiệu trưởng một trường đại học tại Q.5, TP.HCM, cho biết: "Bên cạnh những sinh viên tìm việc làm thêm do Phòng Công tác chính trị và học sinh, sinh viên cung cấp, thì cũng có nhiều trường hợp tự tìm việc qua mạng xã hội mà không báo về khoa, trường. Từ đó, trường không thể kiểm soát thực hư. Những điều này dẫn đến việc không thể quản lý một cách chặt chẽ".
Đại diện Phòng Công tác sinh viên một trường đại học ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cũng nói: "Rất khó để quản lý giờ làm thêm của sinh viên. Nếu sinh viên làm thêm 48 giờ/tuần mà báo 20 giờ/tuần thì trường cũng không thể biết được thời gian chính xác. Thực tế, có những sinh viên muốn làm thêm thật nhiều để kiếm thu nhập. Ở mỗi trường có hàng ngàn, thậm chí chục ngàn sinh viên. Nên theo tôi, việc quản lý, giám sát giờ làm thêm của sinh viên là không thể".
Vị này cho rằng: "Quan trọng là ý thức của sinh viên. Sinh viên cần biết "cân đo đong đếm" thời gian để làm thêm không ảnh hưởng đến kết quả học tập. Ngoài ra, tôi khuyến khích sinh viên nên đi làm thêm những công việc liên quan đến ngành học. Chứ đừng học quản trị nhà hàng khách sạn mà đi làm thêm bằng việc chạy xe ôm công nghệ. Hoặc học tài chính ngân hàng nhưng đi phụ bán cà phê, quán ăn…".
Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phòng Truyền thông và công tác sinh viên, Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi TP.HCM, thì khuyên: "Sinh viên ở độ tuổi đã trưởng thành, nên cần chủ động sắp xếp thời gian biểu một cách hợp lý giữa làm thêm và đảm bảo hoàn thành tốt việc học tập tại trường. Cần nhớ, nhiệm vụ chính của sinh viên chính là học tập".
Anh Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM, nhìn nhận việc học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động được làm thêm nhưng không quá 20 giờ/tuần, nghĩa là khoảng 3 giờ/ngày là có thể đảm bảo được việc học, đồng thời kiếm thêm thu nhập cũng như được trải nghiệm thực tế trong thời gian rảnh.
"Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ doanh nghiệp thì cũng có hạn chế. Bởi lẽ hiện nay, các công ty thường phân ca từ 4 – 8 giờ/ngày, tức từ 24 - 48 giờ/tuần (hoặc 28 - 56 giờ/tuần nếu làm cả 7 ngày). Để tháo gỡ tình trạng so le này, rất cần sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc bố trí thời gian cho học sinh, sinh viên làm thêm. Doanh nghiệp làm được điều đó thì rất tốt", anh Sang nói.
Cùng quan điểm, chuyên gia tâm lý Vũ Nhật Thịnh, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, TP.HCM, cho rằng các doanh nghiệp cần ủng hộ đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đó, các đơn vị tuyển dụng nên tuyển lao động làm việc bán thời gian một cách hợp lý. Cần phân bổ lại thời gian để học sinh, sinh viên có thể ứng tuyển làm thêm dưới 3 giờ/ngày, tức đảm bảo được không quá 20 giờ/tuần. Và các trường nên tổ chức những buổi trò chuyện với học sinh, sinh viên. Qua đó, giúp các bạn hiểu được lợi ích khi làm thêm, đồng thời nhìn ra những hệ lụy nếu dành quá nhiều thời gian cho việc kiếm tiền, chểnh mảng việc học.
"Quả thật không thể "ép" học sinh, sinh viên ký cam kết đi làm thêm không quá 20 giờ/tuần. Các trường không có chức năng làm việc này. Thay vào đó, rất cần sự trung thực của học sinh, sinh viên", ông Thịnh nói.
Bác sĩ Hoàng Anh Quân, làm việc tại Phòng khám Bệnh viện ĐH Y dược 1, Q.10, TP.HCM, cho rằng khi học sinh, sinh viên mải mê làm thêm có thể kiếm thu nhập cao nhưng cũng vô tình "bán sức khỏe". Bởi nếu làm thêm trong thời gian 8 giờ/ngày, tức từ 48 - 56 giờ/tuần, thêm vào đó là phải đến trường, học bài, ôn thi… dễ dẫn đến tình trạng thiếu ngủ, kiệt sức, căng thẳng, kém minh mẫn...
Vì thế, bác sĩ Quân cho rằng làm thêm không quá 20 giờ/tuần là hợp lý, giúp đảm bảo hiệu suất công việc, học tập, thư giãn, ngủ nghỉ, giữ gìn sức khỏe. Bác sĩ Quân cũng khuyên cần chế độ ngủ đủ giấc từ 6 - 8 giờ/ngày, có chế độ ăn uống hợp lý…
Trước đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, một số doanh nghiệp cũng đã có động thái đồng tình.
Chẳng hạn, chị Trần Thị Diệu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Skill Media, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết sẽ suy nghĩ để thay đổi thời gian hợp lý nhằm giúp sinh viên đang làm thêm tại công ty cũng như các cửa hàng mà chị đang quản lý có thể đảm bảo không quá 20 giờ/tuần.
"Hiện nay, mỗi ca làm thường 6 giờ/ngày. Theo đó, mỗi tuần sẽ khoảng 36 – 42 giờ/tuần. Tôi sẽ điều chỉnh cho phù hợp bằng cách rút ngắn thời gian mỗi ca làm xuống 3 giờ/ngày", chị Hiền nói.(còn tiếp)
Kỳ tới: Làm thêm không quá 20 giờ/tuần, học sinh, sinh viên nói gì?
'Bóng đá Việt Nam cần có thời kỳ chuyển giao'******
Cụ thể, HLV Philippe Troussier chia sẻ: "Bóng đá VN chưa có đủ số lượng cầu thủ cần thiết để đạt những mục tiêu xa hơn. Tôi nghĩ một tập thể mạnh cần phải có những cá nhân tốt. Các cầu thủ cần phải đạt được những tiêu chí về mặt thể hình, kỹ thuật, kinh nghiệm và tư duy chơi bóng. Ở đội tuyển VN, chúng ta chỉ có hai người hội tụ đủ những yếu tố trên, đó là Bùi Hoàng Việt Anh và Nguyễn Hoàng Đức. Tôi nghĩ họ đủ khả năng để chơi bóng đỉnh cao ở châu Âu. Tuy nhiên, chúng ta không còn ai đạt được đẳng cấp như vậy. Có những cầu thủ sở hữu kỹ năng chơi bóng tốt như Phan Tuấn Tài, Nguyễn Thái Sơn hay Nguyễn Đình Bắc, thì họ lại quá nhỏ bé và thiếu kinh nghiệm chơi bóng. Ở chiều ngược lại, Indonesia có đến 20 cầu thủ đẳng cấp hàng đầu. Nếu chúng ta có 20 Hoàng Đức hay 20 Việt Anh, bóng đá VN có thể dự World Cup".
HLV Philippe Troussier để lại những gì cho bóng đá Việt Nam?
HLV Troussier đã nói đúng hạn chế của cầu thủ VN trên cả hai khía cạnh là thể hình và kinh nghiệm thi đấu. Về thể hình, phần lớn tuyển thủ quốc gia hiện tại không có thể trạng đủ tốt (chiều cao, khối lượng cơ bắp, sức bền) để cạnh tranh với những nền bóng đá hàng đầu. Đội tuyển Indonesia đã nhập tịch tới 11 cầu thủ tính từ tháng 6.2023 đến nay, trong đó các ngoại binh đều có chiều cao trên 1,85 m. Với dàn hảo thủ dày mình và cao lớn, Indonesia đã thắng VN trong cả 3 trận, không để lọt lưới bàn nào.
Bên cạnh thể hình, thể lực cũng là vấn đề nan giải. HLV Troussier đã phân tích, cường độ chơi bóng ở V-League hiện tại kém xa đẳng cấp hàng đầu châu Á. Ông Mauro Jeronimo, HLV đội PVF-CAND, cũng phân tích: Số phút "bóng chết" ở các trận đấu quốc nội đều rất lớn, chiếm từ 45 - 50% tổng thời lượng trận đấu. Điều đó khiến tốc độ trận đấu không cao, các cầu thủ di chuyển ít, khâu rèn luyện thể lực không đảm bảo. Để đến khi bước ra sân chơi lớn, nơi đòi hỏi cầu thủ VN phải chạy không dưới 10 km mỗi trận, đội tuyển VN nhanh chóng đuối sức. Sau cùng, với toàn bộ đội tuyển VN (không tính Công Phượng) đang chơi ở trong nước, cầu thủ VN cũng không có điều kiện tiếp cận với những nền bóng đá mạnh để bứt phá. HLV Troussier hoàn toàn đúng khi thẳng thắn nhìn vào nhược điểm này. Muốn dự World Cup, cầu thủ không thể chỉ ở trong "ao nhà".
Đội hình tối ưu của U.23 Việt Nam dự vòng chung kết U.23 châu Á 2024
HLV Troussier chưa thành công, nhưng những đánh giá của ông về đội tuyển VN đều đáng suy ngẫm: "Sẽ cần có thời kỳ chuyển giao, và chúng ta phải chấp nhận bóng đá VN đang trong giai đoạn đó. Đôi khi để vươn tới thành công, chúng ta phải chấp nhận lùi lại, đừng để tình cảnh khó khăn hiện tại làm xê dịch".
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương đồng tình khi cho rằng khâu đào tạo cầu thủ hiện tại chưa tốt, nên bóng đá VN chưa thể sản sinh đủ nhiều nhân tài cho giấc mơ World Cup. "Ông Troussier có ý đúng. Hãy nhìn vào thực tế đào tạo cầu thủ ở VN, xem chúng ta đã có chiến lược thế nào? Nhiều trung tâm, lò đào tạo chưa có cách làm bài bản, mỗi nơi lại làm một kiểu. Bóng đá VN chạy theo bề nổi thành tích, nên đào tạo trẻ đôi khi bị cuốn theo cuộc chơi này. Từ HAGL đến Viettel, PVF... các trung tâm có cải thiện, nhưng còn nhiều hạn chế. Lực lượng HLV đào tạo trẻ đang thiếu cả về số lượng và chất lượng. Muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi", ông nói.
Bình luận viên Ngô Quang Tùng đánh giá: "Đầu tư cho bóng đá trẻ cần tiến hành dài hạn, đôi khi như "đi câu", đôi lúc trúng vụ, nhưng có khi lại thất bát. Bóng đá VN chưa thể đào tạo con người ổn định, có hệ thống bài bản. Cầu thủ VN khi trưởng thành sẽ không theo một quy chuẩn cụ thể. Khi đội tuyển VN muốn điều chỉnh lối chơi, hệ thống đào tạo lại không thể phục vụ".
Đội tuyển VN đã chia tay HLV Troussier, nhưng nếu không giải quyết cốt lõi vấn đề, giấc mơ World Cup sẽ còn ở rất xa tầm với.
Vụ sạt lở hầm Bãi Gió: 3 phương án phân luồng sau lệnh cấm ô tô lên Đèo Cả******
Ngày 14/4, Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải) phát đi thông báo tổ chức phân luồng giao thông đoạn quốc lộ 1 qua khu vực Đèo Cả (đèo nằm giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa), do sự cố sụt lún hầm đường sắt Bãi Gió (Khánh Hòa).
Theo Khu Quản lý đường bộ III, hiện hầm đường sắt Bãi Gió trên đường sắt bắc - nam đã và đang sụt lún đất, đá từ đỉnh vòm hầm. Tuyến hầm đường sắt nằm dưới quốc lộ 1 khu vực qua Đèo Cả, do đó muốn khắc phục sự cố phải ngăn tất cả phương tiện, tránh gây áp lực xuống vỏ hầm.
Theo đó, hiện nay Cảnh sát giao thông tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đã cấm tất cả các phương tiện ô tô (trừ các phương tiện không được phép lưu thông qua hầm) đi trên đường Đèo Cả nhằm giảm áp lực cho vỏ hầm.
Đối với các phương tiện không được phép lưu thông qua hầm (xe chở hàng độc hại, hóa chất độc hại, dễ cháy, chất nổ, hàng hóa nguy hiểm, xe siêu trường siêu trọng, thô sơ…), từ chiều 14/4, phải chọn 1 trong 3 phương án thay đổi lộ trình hướng tuyến đường Trường Sơn Đông, thay vì lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa như trước đây.
Lộ trình 1: Các phương tiện đi trên tuyến quốc lộ đến ngã 3 Diêu Trì (tỉnh Bình Định), rẽ phải vào quốc lộ 19C lên đường Trường Sơn Đông. Khi đến điểm giao nhau với quốc lộ 26, rẽ trái để quay về quốc lộ 1 tiếp tục đi vào nam.
Lộ trình 2: Di chuyển trên tuyến quốc lộ 1, rẽ vào quốc lộ 25 (thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Phương tiện tiếp tục rẽ vào quốc lộ 19C hướng đường Trường Sơn Đông, khi đi đến điểm giao nhau với quốc lộ 26, rẽ trái để về quốc lộ 1 đi vào nam.
Lộ trình 3: Phương tiện di chuyển trên tuyến quốc lộ 1 sau đó rẽ vào tuyến quốc lộ 29 (thuộc địa phận thị xã Đông Hòa, Phú Yên). Phương tiện tiếp tục rẽ vào quốc lộ 19C hướng đường Trường Sơn Đông, khi đi đến điểm giao nhau với quốc lộ 26, rẽ trái để về quốc lộ 1 đi vào nam.
Các phương tiện lưu thông hướng nam - bắc thực hiện di chuyển theo chiều ngược lại.
Như Dân tríđã thông tin, trong 2 ngày 12 và 13/4, tại hầm Bãi Gió xảy ra hiện tượng sạt lở với tổng khối lượng hơn 200m3 gây tê liệt đường sắt bắc - nam đoạn qua 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Hầm Bãi Gió được xây vào năm 1930 và đưa vào sử dụng năm 1936. Trước khi xảy ra vụ sạt lở, hầm Bãi Gió được đơn vị thi công gia cố các lớp chống thấm, khung thép và phun bê tông lên vỏ hầm. Việc thi công đang được triển khai thì xảy ra sự cố sạt lở.
Hiện Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang vẫn trung chuyển hành khách giữa ga Giã (Khánh Hòa) và ga Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).
Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh, cho biết phải mất 3-4 ngày nữa sự cố sạt hầm Bãi Gió mới được khắc phục xong.
Nam sinh trường công an bất ngờ nhận được 470 triệu của giám đốc ở Hà Nội******
Một ngày đầu tháng 4, Nguyễn Văn Trọng (22 tuổi, trú thị trấn Hồ Xá, huyện vĩnh Linh, Quảng Trị, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân) bất ngờ phát hiện tài khoản nhận được một khoản tiền lớn.
"Lúc đầu em nghĩ là bố mẹ chuyển cho mình vài trăm nghìn thôi, khi kiểm tra lại mới hốt hoảng vì số tiền lên đến 470 triệu đồng", Trọng nói.
Khoảng 30 phút sau, tài khoản ngân hàng của Trọng tiếp tục nhận được thông báo cộng 10.000 đồng kèm theo nội dung "Tôi chuyển nhầm tiền vào tài khoản" kèm theo số điện thoại liên lạc.
Trọng đã kể lại toàn bộ sự việc và nhờ thầy giáo Nguyễn Ngọc Huấn, Trưởng Phòng Quản lý học viên của trường, liên hệ với người chuyển nhầm tiền và cùng xác minh, làm việc với phía ngân hàng.
Sau khi làm rõ mọi thông tin, hoàn thiện các thủ tục, Trọng đã chuyển lại toàn bộ số tiền cho người chuyển nhầm là anh Nguyễn Chí Kiên, Giám đốc một công ty xây dựng tại Hà Nội.
"Trước đây em trai của em cũng chuyển 8 triệu đồng nhầm vào một tài khoản, rồi ngậm ngùi chấp nhận mất. Em nghĩ, khi chuyển khoản nhầm số tiền lớn, chắc người ta sẽ rất hoang mang, lo lắng. Vì thế, em đã trấn an, rồi tìm cách đúng và nhanh nhất để trả số tiền", Trọng tâm sự thêm.
Biết ơn trước hành động và nghĩa cử cao đẹp của Trọng và thầy Huấn, anh Kiên đã viết thư cảm ơn gửi đến 2 người.
"Nhờ vào sự phối hợp nhiệt tình, nhanh chóng của Trọng và sự tư vấn đầy đủ của thầy Huấn trong quá trình làm việc, xác minh thông tin, chỉ sau một thời gian ngắn tôi đã nhận lại đầy đủ số tiền mà mình chuyển nhầm. Bản thân xin chân thành gửi lời cảm ơn đến Trọng và thầy Huấn", nội dung bức thư anh Kiên viết.
Từng gác lại việc học để giúp ba mẹ
Chàng sinh viên Nguyễn Văn Trọng sinh ra trong gia đình khó khăn, một tấm gương về nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong học tập, cuộc sống.
Lúc Trọng học lớp 12, bố không may mắc phải căn bệnh đa u tủy xương, phải thường xuyên nhập viện để điều trị. Một mình mẹ của Trọng phải vất vả làm việc, chăm sóc, lo viện phí cho chồng, tiền học cho các con.
Thương mẹ vất vả, sau khi học xong lớp 12, Trọng quyết định gác lại việc thi đại học để ở nhà phụ giúp mẹ việc buôn bán, chăm lo cho người em và tích góp thêm kinh phí để lo việc học tập sau này.
"Lúc đó, bản thân em từng nghĩ không đi học đại học nữa, đi làm thuê để giúp đỡ gia đình, nhưng mẹ không cho. Mẹ bảo phải học thật giỏi sau này bố mẹ mới hết vất vả, lo lắng, có cuộc sống tốt hơn", Trọng kể.
Một năm sau, với sự nỗ lực của bản thân, Trọng thi đỗ vào Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân. Ngôi trường mà từ nhỏ Trọng ước mơ, khao khát vào học.
Đối diện với hoàn cảnh khó khăn của gia đình, thương bố mẹ, bản thân Trọng luôn tự nhủ phải cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để bố mẹ an lòng, khi ra trường có thể về đóng góp cho quê hương, giúp đỡ gia đình.
Ba năm nỗ lực học tập, rèn luyện tại trường đại học, Trọng vinh dự nhận danh hiệu học viên giỏi và từng đạt nhiều giải thưởng như: Giải Nhì Olympic toán sinh viên, giải Nhì Olympic pháp luật, giải Khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường...
Nhiều lần, Nguyễn Văn Trọng còn được tuyên dương, khen thưởng với thành tích xuất sắc trong công tác đoàn, phong trào thanh niên.