|
|
Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực điện tử và vi mạch bán dẫn cho Hải Phòng******
Buổi lễ nằm trong khuôn khổ chương trình phối hợp hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2024 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND TP.Hải Phòng. Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chủ trì sự kiện.
Cùng tham dự có lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, TP.Hải Phòng; GS-TS Đặng Lương Mô, cố vấn cấp cao quốc gia về vi mạch bán dẫn, Chủ tịch hội đồng khoa học - đào tạo Sun Edu; TS Lê Quốc Cường, Phó trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM; đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC); Trung tâm Đào tạo Công nghệ cao TP.HCM; Công ty CP Giáo dục Quốc tế Sun Edu và Công ty Ansys Việt Nam.
Tại sự kiện, các bên thống nhất ký thỏa thuận hợp tác với các nội dung cụ thể: Hợp tác chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn triển khai các giải pháp chuyển đổi số giáo dục và đổi mới sáng tạo trên cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm mà mỗi bên đã và đang triển khai. Hợp tác, tư vấn, phát triển, tổ chức các chương trình đào tạo mới ở trình độ đại học và sau đại học theo các hình thức đào tạo chính quy, vừa học vừa làm, từ xa. Tư vấn, đánh giá chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mỗi bên, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn, điều khiển và tự động hóa, robot, IoT, công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, còn có hợp tác triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo bồi dưỡng theo lĩnh vực chuyên môn mà các bên có thế mạnh. Phối hợp trao đổi chuyên môn, đào tạo lý thuyết gắn với thực hành thực tế thông qua các khóa đào tạo, các khóa học thực hành được giảng dạy, chia sẻ với các chuyên gia, các giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm thực tế của Sun Edu cho các kỹ sư, sinh viên, học viên nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp nguồn nhân lực chất lượng, lành nghề, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của TP.Hải Phòng.
Hợp tác triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, dự án đổi mới sáng tạo theo lĩnh vực chuyên môn của các bên. Hỗ trợ Trường Đại học Hải Phòng xây dựng chương trình đào tạo chuyển đổi năng lực cho kỹ sư, sinh viên khối ngành kỹ thuật (công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ chế tạo máy, công nghệ kỹ thuật điện điện tử, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa) để đáp ứng vị trí việc làm trong ngành vi mạch bán dẫn, cung ứng nguồn nhân lực cho TP.Hải Phòng.
Cùng với đó còn có nhiều chương trình hợp tác khác, trong đó đáng chú ý là hợp tác giới thiệu các đối tác nước ngoài để thúc đẩy hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo; hợp tác cùng tham gia và phối hợp triển khai các dự án, chương trình trong nước và quốc tế phù hợp với chức năng, nguồn lực của các bên; hợp tác triển khai các hoạt động hỗ trợ ươm tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn, điều khiển và tự động hóa, robot, IoT, công nghệ thông tin, chuyển đổi số…
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao sự hợp tác giữa các bên và tin tưởng sự hợp tác này sẽ góp phần khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh trên lĩnh vực hoạt động của mỗi bên vì sự phát triển lâu dài, bền vững và cùng có lợi. Bộ trưởng ủng hộ hợp tác trong việc chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường năng lực của mỗi bên trong các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu, phát triển các sản phẩm có tính ứng dụng cao về lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, điều khiển và tự động hóa, robot, IoT, công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho xã hội.
Tại buổi lễ, đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trao chứng nhận bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của Cadence cho Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn (Hải Phòng-ESC) - Trường Đại học Hải Phòng.
Nam bộ nắng nóng vượt lịch sử******
Đầu tuần này, câu chuyện từ quán cà phê buổi sáng tới bàn cơm trưa phần lớn đều xoay quanh chủ đề nắng nóng. Chị Nguyễn Thu Hà (ngụ Q.4, TP.HCM) nói: "Không hiểu vì sao 2 ngày cuối tuần vừa rồi nắng nóng khủng khiếp. Từ sáng sớm tới tối khuya lúc nào cũng nóng, còn từ trưa đến chiều thì cứ tưởng tượng như đang trong lò nướng bánh mì. Ở trong phòng máy lạnh để nhiệt độ 24 độ C mà vẫn không thấy mát, thật khủng khiếp. Nắng nóng tới mức không thiết tha ăn gì, chỉ thích uống thật nhiều nước, nhưng vẫn không thấy đã khát".
Còn anh Trần Văn Sơn (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) kể ngày nào anh cũng đi làm về qua khu vực cầu vượt Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh). Có nhiều ngày vào lúc 4 - 5 giờ chiều mà bảng quảng cáo nơi này vẫn hiển thị nhiệt độ 35 - 36 độ C, có ngày đến 37 - 38 độ C. "Tôi cũng thật sự tò mò nếu như vậy thì lúc giữa trưa, nhiệt độ thực tế ở khu vực này và TP.HCM sẽ là bao nhiêu?", anh Sơn thắc mắc.
Khảo sát nhiều tài xế taxi công nghệ được biết vào những ngày cao điểm nắng nóng như vừa qua, nhiệt độ ngoài trời tại TP.HCM theo thông báo của xe thường dao động từ 42 - 43 độ C. Những khu vực nắng nóng gay gắt nhất là trung tâm thành phố như Q.1, Q.3 và Q.4, khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất và một số nơi ở Q.Tân Bình, Q.Tân Phú…
Thời tiết TP.HCM, Nam bộ nắng nóng ngoài trời hầm hập trên 40 độ kéo dài bao lâu?
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mấy ngày qua nắng nóng gay gắt xuất hiện ở Đông Nam bộ với mức nhiệt nhiều nơi lên 38 - 39 độ C. Mức nhiệt cao nhất là 39,2 độ C ở Đồng Phú (Bình Phước). Đây là mức nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trong mùa khô năm 2024. Nhiều địa phương khác ghi nhận tình trạng nắng nóng đặc biệt gay gắt như: Trị An (Đồng Nai) là 38,4 độ C, Tà Lài (Đồng Nai) 38,3 độ C, Phước Long (Bình Phước) 38,2 độ C… Tại Tây nguyên, nhiệt độ cao nhất ghi nhận tại Ayunpa (Gia Lai) là 38,2 độ C. Ở ĐBSCL, nhiệt độ cao nhất 37,5 độ C là tại Vĩnh Long.
Giải thích về hiện tượng nắng nóng hiện nay, Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, cho biết: Mức nhiệt độ khí tượng hiện nay đã rất gần với mốc nhiệt độ lịch sử ở Nam bộ năm 1998, nhiệt độ cao nhất là 41 độ C ở Bình Phước, còn tại TP.HCM lên đến 39,6 độ C. "Đây là điều tôi cũng đã dự báo từ đầu mùa khô năm nay. Mùa nắng nóng năm nay vẫn còn kéo dài đến đầu tháng 5. Trong những đợt nắng nóng sắp tới, một số nơi có thể đạt mức lịch sử như năm 1998", bà Lan nói và lưu ý năm nay nhiệt độ ngoài trời hay nhiệt độ cảm nhận thực tế cao hơn hẳn năm 1998. Cảm giác nắng nóng và oi bức hơn, thời gian nắng nóng trong 1 ngày kéo dài hơn và số ngày nắng nóng gay gắt trong tháng cũng nhiều hơn. Nguyên nhân là do mức độ bê tông hóa cao, số lượng phương tiện giao thông nhiều hơn, lượng máy lạnh được sử dụng cũng tăng mạnh.
Bà Lan khuyến cáo: Bên cạnh nắng nóng, cường độ bức xạ của tia cực tím cũng gia tăng, ngoài ra mức độ ô nhiễm bụi mịn trong không khí cao. Những yếu tố đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là các đối tượng nhạy cảm như người lớn tuổi và trẻ em, người lao động tay chân và làm việc ngoài trời. Người dân cần uống bù nước, ăn nhiều rau quả để bù nước, tăng sức đề kháng. Hạn chế tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao vì có thể đối mặt với tình trạng kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt.
Theo tài liệu của Tổng cục Khí tượng thủy văn, năm 1998 tuy không phải là năm xảy ra thiên tai nguy hiểm nhất nước ta nhưng diễn biến thuộc loại phức tạp nhất, nhiều loại thiên tai nhất và nhiều kiểu cực trị đối nghịch nhau trên các vùng.
Đối chiếu những ghi chép lịch sử với thực tế năm 2024 có thể thấy nhiều điểm tương đồng hiện tại.
Cụ thể, theo tài liệu trên, nền nhiệt độ trên phạm vi cả nước đều cao hơn trung bình nhiều năm. Tình trạng này kéo dài liên tục từ tháng 11.1997 đến hết năm 1998. Cũng là trường hợp duy nhất trong dãy số liệu quan trắc được ở nước ta trong hơn 100 năm qua, đã xảy ra hiện tượng nắng nóng "trái mùa" ở nhiều nơi, nhiệt độ trung bình tháng có nơi cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 1,5 - 2,5 độ C.
Báo cáo mới đây từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Trong tháng 3, khu vực miền Đông Nam bộ liên tục xảy ra nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Trong đó, ngày 26 - 27.3 nắng nóng xuất hiện diện rộng và lan sang cả khu vực Tây Nam bộ. Đặc biệt, trong tháng 3 có đến 13 lần nhiệt độ cao nhất, vượt lịch sử. Chẳng hạn, ngày 5.3 tại Hà Tĩnh ghi nhận mức nhiệt tới 39,4 độ C trong khi vào tháng 3.2023 là 38,5 độ C.
Đáng kể nhất là ngày 26.3 cùng lúc có đến 4 địa phương ghi nhận mức nóng lịch sử mới. Cụ thể, tại Đắk Nông là 37,1 độ C trong khi mức nóng lịch sử là 36,5 độ C ghi nhận được từ năm 2016. Tại Cát Tiên (Lâm Đồng) là 37,8 độ C, mức cũ 37,5 độ C cũng năm 2016. Tại Phước Long (Bình Phước) nhiệt độ 38,8 độ C trong khi mức lịch sử 38,3 độ C vào năm 1998. Thổ Chu là 36,1 độ C, còn mức lịch sử là 36 độ C vào năm 2022.
Còn theo tính toán của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong tháng 3 có đến 26 trạm đo khắp Nam bộ ghi nhận mức nhiệt độ trung bình tháng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, Phước Long (Bình Phước) có mức nhiệt trung bình tháng 3 cao hơn đến 1,8 độ C so với trung bình nhiều năm. Hay tại Châu Đốc (An Giang), nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm là 1,6 độ C.
Một đặc điểm khác là tình trạng nắng nóng đến sớm và kéo dài nhiều ngày liền. Năm 1998, ở Nam bộ từ cuối tháng 1 đã xảy ra một vài ngày nắng nóng, nhiệt độ một số nơi đạt 35 - 37 độ C, tại TP.HCM lên tới 37,4 độ C vào ngày 28.1. Đợt nắng nóng trên diện rộng ở Nam bộ kéo dài từ đầu tháng 3 đến hết tháng 4. Nắng nóng xảy ra mạnh nhất ở khu vực miền Đông sau đó lan sang các tỉnh miền Tây. Toàn bộ khu vực này, nắng nóng kéo dài suốt 3 tháng, chỉ xen kẽ một vài ngày nhiệt độ về dưới mức 35 độ C. Đây là hiện tượng hiếm thấy ở Nam bộ. Trong tháng 3, nhiệt độ cao nhất tại TP.HCM là 39,4 độ C và Đồng Phú (Bình Phước) 40,6 độ C cùng được ghi nhận vào ngày 29.3.
Tình trạng tương tự cũng lặp lại vào năm 2024, nắng nóng và nắng nóng gay gắt cũng bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 1 (trước Tết Nguyên đán). Từ đầu tháng 2 đã xảy ra nắng nóng diện rộng và ghi nhận mức nhiệt độ cao lịch sử đến 38 độ C ở Biên Hòa (Đồng Nai). Đến đầu tháng 3 ghi nhận mức nhiệt cao nhất đến 38,5 độ C và bước sang đầu tháng 4 vượt 39 độ C.
ĐBSCL còn 2 đợt mặn xâm nhập sâu
Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan cho biết: Hiện tại các tỉnh ĐBSCL đang đối mặt với đợt triều cường đầu tháng 3 âm lịch (từ thứ hai đến thứ năm tuần này). Đây là một đợt mặn xâm nhập sâu với cường độ khá mạnh. Tiếp theo sẽ còn một đợt triều cường rằm tháng 3 âm lịch. Đợt này, do tình trạng nắng nóng kéo dài, thiếu nước nên mặn còn xâm nhập sâu và mạnh hơn; có thể là đợt mặn xâm nhập cao nhất trong năm nay. Nắng nóng, xâm nhập mặn sâu làm cho tình trạng khô hạn, thiếu nước càng gay gắt hơn từ nay đến đầu tháng 5. Đối với miền Trung, mùa nắng nóng chỉ mới bắt đầu và sẽ kéo dài đến hết tháng 8.
TPHCM kêu gọi đầu tư 11 dự án PPP có vị trí đắc địa******
Chiều 17/4, UBND TP Thủ Đức tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư các dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) và trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Buổi thảo luận có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nhằm để TP Thủ Đức mời gọi, xét duyệt và lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị quyết 98.
Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Mai Hữu Quyết cho biết việc triển khai các dự án PPP gặp nhiều trở ngại. Gần 10 năm qua, chưa dự án mới nào ở TPHCM được triển khai.
Hiện, Nghị quyết 98 cho phép thành phố áp dụng một số cơ chế đặc thù, mở ra cơ hội để địa phương thu hút thêm nguồn lực, đáp ứng nhu cầu, giảm lệ thuộc đầu tư công.
"Đây là điều kiện thuận lợi khi các doanh nghiệp tham gia", lãnh đạo TP Thủ Đức nói.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cũng cho biết trong điều kiện ngân sách hạn chế, việc huy động nguồn lực khác rất quan trọng. Theo ông, hình thức đầu tư PPP sẽ là cách tiếp cận sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng của địa phương, nhất là ở lĩnh vực giáo dục, y tế, thể thao, vốn đang bị hạn chế về đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Thủ Đức, cho biết trong địa phương có 11 dự án đang kêu gọi đầu tư.
Trong đó có 3 công trình đã được HĐND TPHCM đồng ý chủ trương đầu tư. Gồm dự án trường học, xây trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tổng mức đầu tư khoảng 418 tỷ đồng.
8 công trình khác thuộc lĩnh vực giáo dục, văn hóa - thể thao cũng được địa phương giới thiệu với các nhà đầu tư để xem xét khả năng tham gia. Tổng vốn các dự án hơn 1.600 tỷ đồng, đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND TPHCM.
Ba dự án trường học sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.
Cụ thể gồm: Trường Tiểu học và Mầm non tiêu chuẩn quốc tế TP Thủ Đức, ở phường Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư 101 tỷ đồng; Trường THCS, THPT và Mầm non chuẩn quốc tế TP Thủ Đức, ở phường Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư 155 tỷ đồng và Trường THCS, THPT và Mầm non chuẩn quốc tế TP Thủ Đức, ở phường Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư 162 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, UBND TP Thủ Đức đã rà soát và trình UBND TP.HCM để trình HĐND TP chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án, trong đó có 3 dự án giáo dục, trung tâm rèn luyện thể chất.
Bao gồm: Trường liên cấp tiểu học - THCS ở khu đô thị Nam Rạch Chiếc, An Phú, TP Thủ Đức; Trường liên cấp tiểu học - THCS ở đường số 4 Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức; Trung tâm rèn luyện thể chất, phường Vũ Tông Phan, phường An Phú, TP Thủ Đức.
Một số dự án lĩnh vực thể thao văn hóa: Xây dựng trung tâm đào tạo, huấn luyện và thi đấu tennis TP Thủ Đức; Xây dựng trung tâm đào tạo, huấn luyện và thi đấu bóng đá TP Thủ Đức; Khu phức hợp thể thao và giải trí dưới nước; Nhà thi đấu đa năng Thủ Thiêm; Trung tâm thể dục thể thao TP Thủ Đức...
Nắng nóng gia tăng gay gắt, Thủ tướng yêu cầu ứng phó khẩn******
Ngày 1/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Chỉ thị số 11 yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Dẫn dự báo của cơ quan chuyên môn về nguy cơ nắng nóng nhiều đợt và gay gắt tại nhiều vùng trên cả nước trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, lên kế hoạch ứng phó phù hợp với các kịch bản nguồn nước của địa phương.
Đồng thời, địa phương cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt.
Trường hợp xảy ra thiếu nước, không bảo đảm cung cấp đủ cho nhu cầu sử dụng, đơn vị liên quan phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và nhu cầu thiết yếu khác.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu vận hành hiệu quả hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.
Đối với khu vực như Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo địa phương không để người dân thiếu nước sinh hoạt; huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân khi cần thiết.
Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương chủ động nạo vét kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước, kết hợp tận thu vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu lãnh đạo địa phương bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; ưu tiên bố trí kinh phí để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình phục vụ cấp nước, kiểm soát nguồn nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan và địa phương rà soát, đánh giá ảnh hưởng của tình trạng hạ thấp mực nước trên các tuyến sông liên tỉnh đến khả năng lấy nước của công trình thủy lợi để có giải pháp khắc phục, bảo đảm hoạt động của công trình thủy lợi.
Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các chủ hồ thủy điện chủ động phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng phương án vận hành hồ chứa thủy điện.
Theo đó, các đơn vị cần huy động điện phù hợp từ nhà máy thủy điện để bảo đảm nước sinh hoạt, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng nước khác, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn nước cho phát điện.
Thủ tướng đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với đơn vị chuyên môn kịp thời tổng hợp, tìm nguồn, đề xuất Thủ tướng xem xét, hỗ trợ kinh phí để thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo quy định.
Chỉ thị nêu rõ do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm đến nay, lượng mưa ở nhiều vùng trên cả nước bị thiếu hụt, nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở một số địa phương, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên.
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, thời gian tới, nhiệt độ tiếp tục xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt trong mùa hè. Nắng nóng khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn cùng kỳ các năm.
Cùng với đó, mùa lũ ở Bắc Bộ ít có khả năng đến sớm, dòng chảy đến hồ chứa lớn trên sông Đà có thể thiếu hụt 30-40% so với trung bình. Các địa phương đứng trước nguy cơ tiếp tục nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là ở Trung Bộ và Nam Bộ.
Michelin Guide gọi cà phê sữa đá là 'viên ngọc', cà phê trứng là 'tuyệt tác'******
Theo Michelin Guide, được người Pháp giới thiệu vào giữa thế kỷ 19, cà phê ở Việt Nam đã vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử, trở thành di sản ẩm thực Việt Nam. Ngày nay, cụm từ "đi uống cà phê" không chỉ bao hàm hành động thưởng thức một tách cà phê mà còn là tình bạn thân thiết khi gặp gỡ bạn bè hay trao đổi công việc.
"Ở Việt Nam, cà phê không chỉ đơn thuần là đồ uống mà còn là một nghi lễ xã hội", Michelin Guide nhận định.
Cẩm nang Michelin cho biết cà phê sữa đá của Việt Nam là một "viên ngọc thực sự" trong số các món cà phê Việt Nam. Thức uống cổ điển này được làm bằng cách để cà phê xay từ từ nhỏ giọt qua bộ lọc vào ly chứa đầy sữa đặc và đá.
Sự hòa quyện của các hương vị, giữa vị đắng của cà phê với vị ngọt đậm đà của sữa đặc chính là điều khiến cà phê sữa đá gây ấn tượng với người yêu cà phê.
"Bắt nguồn từ những con phố nhộn nhịp của TP, thức uống mang tính biểu tượng này đã đi từ các quán ven đường để tìm chỗ đứng trong thực đơn của các địa điểm 5 sao. Ngày nay, cà phê sữa đá đã trở thành món uống chủ yếu của các nhà hàng Việt Nam trên toàn thế giới", Michelin Guide nói thêm.
Được chế tác bởi những người Hoa sống ở khu phố Tàu Sài Gòn vào đầu thế kỷ 20, bạc xỉu nổi lên như một minh chứng cho nền văn hóa phong phú của Sài Gòn, pha trộn ảnh hưởng từ truyền thống Trung Quốc, Việt Nam và Pháp.
Theo Michelin Guide, vì vị đắng đậm đà của cà phê đen và cà phê sữa là thách thức đối với phụ nữ và trẻ em vốn không quen với hương vị của nó nên người Hoa đã nghĩ ra một giải pháp sáng tạo. Họ sửa đổi công thức cà phê sữa truyền thống, điều chỉnh tỷ lệ cà phê và sữa để ngon miệng hơn.
"Vào những năm 1940, khi giá đường và sữa tăng vọt, ông Giảng, người sáng lập quán cà phê Giảng ở Hà Nội, đã chuyển sang dùng lòng đỏ trứng, lấy cảm hứng từ những trải nghiệm của ông tại khách sạn Metropole và sức hấp dẫn của cà phê cappuccino", Michelin nói về nguồn gốc của loại cà phê này.
Michelin nhận định chính sự thay thế khéo léo này đã tạo ra một loại kem vàng trên nền cà phê đậm đà, đan xen một chút đắng với vị béo mịn của trứng, được làm ngọt một cách tinh tế bằng mật ong.
Được phục vụ trong những chiếc cốc nhỏ, Michelin Guide đánh giá cà phê trứng của Việt Nam mang đến trải nghiệm đầy cảm giác. Với sự cân bằng của các thành phần, đây là một loại thức uống đầy mê hoặc và quyến rũ.
Cà phê muối, theo Michelin Guide là sự hòa quyện giữa truyền thống cà phê lâu đời với sự sáng tạo của thế kỷ 21. Theo đó, cà phê này có nguồn gốc từ cố đô Huế, sự pha trộn sáng tạo này kết hợp hạt cà phê Robusta với một chút muối, tạo nên sự cân bằng tinh tế giữa đắng và ngọt.
"Được phục vụ theo từng lớp, với sữa đặc ở đáy, cà phê ở giữa và lớp kem bên trên, cà phê muối Việt Nam là một cuộc phiêu lưu ẩm thực độc đáo. Nó kết hợp các vị mặn, ngọt, đắng hòa quyện với nhau một cách hài hòa. Khi khuấy tất cả lại với nhau, vị mặn sẽ làm nổi bật hương vị đậm đà của cà phê đồng thời làm dịu đi vị đắng và tăng thêm vị ngọt, béo ngậy của sữa", Michelin Guide mô tả.
Pha chế cà phê này, theo Michelin Guide chứng tỏ tình yêu của người Việt Nam với các món ngon từ dừa. Cách pha hấp dẫn, hòa quyện giữa hương thơm đậm đà và vị đắng của cà phê nguyên chất với vị ngọt ngào, béo ngậy của nước cốt dừa và sữa đặc, tạo nên một bản giao hưởng hương vị làm say đắm các giác quan.
Pha chế một tách cà phê dừa bao gồm một quá trình tỉ mỉ. Đầu tiên, nước cốt dừa được trộn với sữa đặc và đá viên cho đến khi đạt được độ mịn mượt như nhung. Trong khi đó, cà phê đen được lắc mạnh trong chai cho đến khi hình thành bọt màu nâu nhạt trên bề mặt.
Cuối cùng, cà phê được rót một cách tinh tế vào cốc thủy tinh, sau đó là hỗn hợp nước cốt dừa cô đặc chảy chậm rãi, duyên dáng, tạo nên một loại đồ uống có hương vị tuyệt đẹp và hấp dẫn về mặt thị giác. "Với mỗi ngụm, cà phê dừa đưa người uống đến một thiên đường nhiệt đới…", cẩm nang mô tả.
Mang đến một nét mới mẻ cho văn hóa cà phê của Việt Nam, cà phê cold brew (cà phê được ngâm lạnh thay vì pha bằng nước sôi) đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của thực khách tại các thành phố nhộn nhịp như TP.HCM và Hà Nội.
Sáng tạo này áp dụng phương pháp pha lạnh truyền thống, giúp cà phê Arabica 100% hòa quyện với hương vị sống động của trái cây hoặc nước trái cây, chẳng hạn như cam, vải thiều hoặc mơ, nâng trải nghiệm với loại thức uống này lên một tầm cao mới.
Thủ tướng trao đổi với Tổng thư ký ASEAN về Myanmar và Biển Đông******
Ngày 23/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn đang có chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Việt Nam.
Trao đổi về xây dựng cộng đồng ASEAN, Thủ tướng khẳng định sau gần 6 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Ông nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường và thích ứng trong môi trường khu vực và quốc tế đầy biến động, bảo đảm xây dựng một cộng đồng phát triển nhanh, bền vững, phù hợp với xu thế của thời đại.
Cho rằng ASEAN cần thúc đẩy quan hệ đối thoại với các nước đối tác, nhất là các nước lớn, theo hướng cân bằng, đa dạng hóa, đa phương hóa, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, gia tăng điểm đồng, Thủ tướng cho biết việc này nhằm giảm thiểu bất đồng vì mục tiêu xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực, vì một ASEAN vững mạnh, độc lập, tự cường và chủ động thích ứng.
Trước những biến động phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy xử lý các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và Myanmar.
Đối với vấn đề Biển Đông, Thủ tướng khẳng định ASEAN đang có cách tiếp cận đúng đắn, duy trì vai trò nòng cốt thúc đẩy đối thoại, giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, tránh xảy ra leo thang căng thẳng, xung đột, bảo đảm hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực.
Về tình hình Myanmar, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam và các nước thành viên ASEAN luôn ủng hộ các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo của ASEAN và các đối tác tại Myanmar.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mong muốn ASEAN tiếp tục kiên định và kiên trì triển khai đồng thuận 5 điểm, hỗ trợ Myanmar - một thành viên của gia đình ASEAN.
Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam ủng hộ nước Chủ tịch ASEAN 2024 Lào và Đặc phái viên của Chủ tịch về Myanmar, cũng như Tổng Thư ký ASEAN trong thúc đẩy triển khai Đồng thuận 5 điểm, nhất là huy động hỗ trợ nhân đạo từ cộng đồng quốc tế cho người dân Myanmar, thông qua Trung tâm AHA, góp phần giúp Myanmar vượt qua giai đoạn khó khăn này.
"Hơn lúc nào hết, ASEAN cần đoàn kết, thúc đẩy cách tiếp cận sáng tạo, đột phá hơn, hỗ trợ Myanmar tìm kiếm giải pháp khả thi, bền vững, vì lợi ích của người dân Myanmar, và vì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá cao sáng kiến về Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định đây là sáng kiến quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng như của Việt Nam trong thúc đẩy hình thành một diễn đàn của riêng ASEAN về chính tương lai của ASEAN.
Diễn đàn góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm, thích ứng nhanh chóng trước những biến động về địa chính trị cũng như cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực.
Qua tiếp xúc với các đối tác, Tổng Thư ký cho biết các nước đối tác luôn bày tỏ coi trọng quan hệ và vai trò trung tâm của ASEAN, sẵn sàng hỗ trợ ASEAN triển khai các trọng tâm ưu tiên ở từng trụ cột cộng đồng, nhất là về thương mại, đầu tư, đào tạo nguồn lực, giao lưu kết nối nhân dân.
Về tình hình Myanmar, Tổng thư ký cho rằng ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy các bên liên quan tại Myanmar tăng cường tiếp xúc, đối thoại vì lợi ích của người dân Myanmar và hòa bình, ổn định khu vực.
Về vấn đề Biển Đông, ông Kao Kim Hourn hoan nghênh và đánh giá cao tư duy chiến lược và cách tiếp cận đúng đắn của Việt Nam; mong muốn các bên thúc đẩy đàm phán, hướng tới hoàn tất một COC thực chất, hiệu quả, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và vì lợi ích của ASEAN.
Nhân dịp này, Thủ tướng và Tổng Thư ký cũng trao đổi các vấn đề liên quan khác trong hợp tác ASEAN như thúc đẩy các nỗ lực của Timor Leste sớm trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN, tăng cường năng lực của Ban Thư ký ASEAN thông qua tuyển dụng cán bộ có năng lực từ các nước, trong đó có Việt Nam.