|
|
Dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu quên doanh nghiệp bán lẻ?******
Trong kinh doanh xăng dầu, có 3 tầng nấc gồm: doanh nghiệp đầu mối (sản xuất và nhập khẩu), doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ. Một số doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, điều bất hợp lý là doanh nghiệp đầu mối tạo nguồn (cấp 1) có cả hệ thống phân phối (cấp 2) và chuỗi cửa hàng bán lẻ (cấp 3). Thương nhân phân phối cũng có hệ thống cửa hàng bán lẻ và đại lý (cửa hàng bán lẻ ngoài hệ thống - cấp 3).
Trong khi đó, cấp đại lý (doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu- cấp 3) chỉ có quyền bán lẻ tại các cửa hàng. Theo dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối được quyền định cả giá bán buôn và giá bán lẻ, còn thương nhân phân phối được quyền ra giá bán lẻ cho hệ thống. Như vậy, giá bán lẻ của doanh nghiệp bán lẻ sẽ được doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp phân phối định đoạt. Trong khi lực lượng đưa từng lít xăng, dầu đến tận tay người tiêu dùng là doanh nghiệp bán lẻ lại không có quyền gì.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty xăng dầu Hải Âu Phát (Lâm Đồng), nhận xét: Dự thảo vẫn đang lúng túng trong các quy định về phân quyền, chi phí, giá cả… Cụ thể, trao toàn bộ quyền quyết định giá cho đầu mối là không khách quan, dễ gây lũng đoạn thị trường và không đảm bảo tính tự do thương mại. "Theo tôi, cần thực hiện đúng 3 mức chi phí và giá bán: mức chi phí và giá bán buôn ở cấp 1 do đầu mối định đoạt; chi phí và giá bán buôn cấp 2 do phân phối định đoạt; chi phí và giá bán lẻ ở cấp 3 do doanh nghiệp bán lẻ định đoạt. Ngoài ra, việc mua bán xăng dầu số lượng lớn không qua trụ bơm phải do doanh nghiệp bán lẻ thực hiện. Thay vì chỉ cho doanh nghiệp đầu mối và phân phối thực hiện. Doanh nghiệp bán lẻ có khách hàng thương mại lớn, lại là đầu ra cuối cùng trong chuỗi phân phối, nhưng không được bán sỉ là điều vô lý. Nghị định nên phân tách rõ ràng 3 cấp về chi phí và cấp nào chịu trách nhiệm ở cấp đó thì thị trường mới ổn định được", ông Thắng nhấn mạnh.
Việc không có chế tài về quyền định giá và nghĩa vụ bán hàng như nghị định mới sẽ khiến doanh nghiệp đầu mối với quyền hạn tự ra giá bán buôn và bán lẻ, là hình thức có lợi chỉ cho doanh nghiệp cấp 1 và nguy cơ "ép" doanh nghiệp bán lẻ rất cao. Từ đó, dễ diễn lại tình trạng gián đoạn nguồn cung khi giá thế giới tăng vọt, hoặc chiết khấu 0 đồng…
Lãnh đạo một DN bán lẻ xăng dầu dẫn chứng, năm 2022, khi giá thế giới tăng mạnh, các điều chỉnh về phí chưa kịp sửa đổi, cập nhật, nhưng báo cáo cuối năm, doanh nghiệp đầu mối lớn, có tính chi phối thị trường vẫn báo lãi lớn trong khi loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa đều lỗ te tua. "Điều này chứng tỏ phần chi phí trong bán hàng của khâu bán lẻ đã bị các tầng nấc trên trong hệ thống phân phối lấy hết, triệt tiêu hoàn toàn chi phí tối thiểu về cho bán lẻ. Trong khi đó, quy định tại Thông tư 103, chi phí kinh doanh định mức bao gồm cả bán buôn và bán lẻ", vị này nói
Góp ý cho dự thảo, ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai - nói, để đảm bảo công bằng, nên quy định doanh nghiệp đầu mối phải bảo đảm nguồn nhập khẩu theo phân giao. Bên cạnh đó, để tạo thế cạnh tranh, các đầu mối lớn chỉ bán cho các đơn vị bán lẻ trong hệ thống, không được ký bán cho doanh nghiệp bán lẻ bên ngoài. Nếu muốn bán cho đơn vị ngoài hệ thống thì phải qua thương nhân phân phối (cấp 2) bán về cho doanh nghiệp bán lẻ, nếu không sẽ xảy ra tình trạng chuyển giá. Ngoài ra, ông Phụng cũng đề xuất Bộ Công thương cần rà soát lại hệ thống doanh nghiệp đầu mối. Bởi trong thời gian qua, qua kết luận của Thanh tra Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đầu mối đã có những sai phạm kéo dài về quản lý Quỹ bình ổn giá, về tạo nguồn, cung ứng…
"Thị trường xăng dầu cần có sự sắp xếp lại trên cơ sở rà soát, thanh lọc các doanh nghiệp yếu kém, tay không "bắt giặc" lâu nay do không đủ năng lực. Đặc biệt, cần rà soát lại doanh nghiệp phân phối là sân sau của đầu mối. Khi chưa rà soát, lại tiếp tục giao cho đầu mối một quyền quá lớn, e rằng thị trường xăng dầu khó ổn định, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng như kỳ vọng", ông Văn Tấn Phụng chia sẻ và đề xuất cho các thương nhân phân phối mua hàng trực tiếp từ nhà máy sản xuất trong nước, không nên bắt buộc phải mua qua đầu mối, nhằm giảm chi phí.
"Thương nhân phân phối không được nhập khẩu, nhưng họ có kho, tài chính, xe bồn… để có thể mua hàng trực tiếp từ nhà máy. Tại sao cứ phải để thương nhân phân phối đi đường vòng, mua qua đầu mối, trong khi kho của họ đặt ngay sát hông nhà máy lọc dầu?", ông Phụng thắc mắc.
Một số chuyên gia cho rằng, khi Tập đoàn Xăng dầu VN đang nắm hơn 50% thị phần là độc quyền, nhưng trao cho doanh nghiệp quyền định giá bán buôn và bán lẻ là không phù hợp. Thế nên, cần có sự chế tài trong việc lựa chọn ký kết hợp đồng, quyền và trách nhiệm bán hàng giữa 3 khâu: đầu mối - phân phối - bán lẻ. Các chi phí trong từng khâu cần được công khai minh bạch.
Giải cứu thành công 2 bé gái 'mất tích' ở phố đi bộ Nguyễn Huệ******
Chiều 8.4, Công an Q.1 (TP.HCM) phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức họp báo thông tin chi tiết vụ người mẹ trình báo 2 con gái bị mất tích tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu (PV01) Công an TP.HCM, cho hay sau 42 giờ tìm kiếm, công an đã giải cứu thành công 2 bé gái và bàn giao cho gia đình.
Giải cứu 2 bé gái ‘mất tích’ ở phố đi bộ Nguyễn Huệ
Đại tá Nguyễn Hải Phước, Trưởng Công an Q.1, cho biết khoảng 16 giờ ngày 6.4, Công an Q.1 tiếp nhận thông tin của chị N.T.C (ngụ Q.7) trình báo về việc có hai con gái 7 tuổi và 3 tuổi bị thất lạc ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Lập tức, các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc xác minh thông tin. Thời điểm này, trên mạng xã hội cũng đưa tin vụ việc.
Trước tình hình trên, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Công an TP.HCM, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM phối hợp Công an Q.1 truy tìm tung tích 2 bé trong thời gian sớm nhất.
Trung tá Trần Quốc Dũng, Phó trưởng PC02, thông tin quá trình giải cứu, PC02 phối hợp Công an Q.1 điều động khoảng 200 cán bộ vào cuộc truy xét, làm rõ vụ việc.
Khoảng 4 giờ 30 sáng ngày 8.4, công an xác định được tung tích của nghi phạm có liên quan là Phạm Huỳnh Nhật Vy (21 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh). Công an xác định nơi Vy bắt cóc, giữ 2 bé và trú ngụ.
Do phải đảm bảo an toàn cho con tin nên công an tiến hành khoanh vùng, rà soát. Đến 10 giờ cùng ngày thì phối hợp Công an Q.Bình Thạnh ập vào kiểm tra căn hộ và giải cứu thành công 2 bé. Tại căn hộ, 2 bé gái sợ hãi và hốt hoảng. Hiện công an đang đấu tranh làm rõ hành vi các nghi phạm liên quan.
Đến chiều 8.4, hai bé gái đã được bàn giao cho gia đình trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, khoảng 20 giờ ngày 3.4, chị N.T.C (27 tuổi, ngụ Q.7) cùng 4 con đứng bán kẹo trên đường Đồng Khởi (P.Bến Nghé). Lát sau, chị C. đi gặp một người quen, cách nơi các bé đứng khoảng 100 m. Hai con gái là N.K.T.M (7 tuổi) và L.H.T.L (3 tuổi) tách ra cùng nhau đi bán kẹo. Còn bé gái 10 tuổi thì chăm em gái 9 tháng tuổi.
Khoảng 30 phút sau, chị C. đợi nhưng không thấy 2 con gái M. và L. quay lại. Chị C. chạy khắp nơi tìm kiếm nhưng cũng không gặp 2 bé.
Một số người cho chị C. hay, họ thấy bé M. dắt bé L. đi vệ sinh ở phố đi bộ Nguyễn Huệ nhưng chị C. đến tìm cũng không thấy tung tích 2 con. Thời điểm này, bé M. mặc đồ màu đen, bé L. mặc đồ đỏ chấm bi. Ngay sau đó, chị C. đến Công an P.Bến Nghé trình báo tin 2 con mất tích.
Xem nhanh 20h ngày 8.4: Tìm thấy nghi phạm 21 tuổi dẫn dụ 2 bé gái | Nam Em lại bị mời làm việc
Hàng chục nghìn người về Waterpoint ngắm pháo hoa, du xuân đầu năm mới******
Đây là lần thứ 2 khu đô thị Waterpoint được lựa chọn làm điểm bắn pháo hoa Giao thừa của huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Màn bắn pháo hoa năm nay diễn ra trong vòng 15 phút, tại phân khu Central Park - phân khu ở vị trí trung tâm khu đô thị Waterpoint với tầm ngắm đảm bảo.
Màn trình diễn pháo hoa đón Giao thừa Tết Nguyên đán tại khu đô thị Waterpoint
Màn bắn pháo hoa Giao thừa cũng là điểm nhấn trong chuỗi sự kiện Giao Xuân 2024, lấy cảm hứng từ sự chuyển giao khi đông qua xuân đến, gắn liền với hình ảnh của Waterpoint - khu đô thị tọa lạc nơi giao điểm nối mạch phồn vinh giữa TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Chào đón du khách tham quan, trải nghiệm Giao Xuân là hình ảnh muôn hoa khoe sắc dọc theo lối vào khu đô thị cùng các tiểu cảnh độc đáo được làm từ chất liệu quen thuộc như tre, cói, câu đối đỏ, hoa cúc, hoa mai… Phiên chợ Giao Xuân quy tụ các gian hàng ẩm thực, bày bán đặc sản vùng miền. Bên cạnh đó là các hoạt động mang đậm dấu ấn Tết xưa như ông Đồ cho chữ, dựng cây nêu, trò chơi dân gian…
Chuỗi sự kiện Giao Xuân 2024 sẽ diễn ra đến hết ngày 14.02 (mùng 5 Tết Nguyên đán), mở cửa tự do.
"Vì một nền thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập"******
Ngày 29/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành thủy sản và 10 năm ngày ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam.
Dẫn câu ngạn ngữ: "Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh trọng trách gìn giữ, bảo vệ, phát triển bền vững vùng nước vùng biển rộng lớn của quê hương luôn có sự đóng góp, chung sức, chung lòng của ngành thủy sản, lực lượng kiểm ngư, cùng bà con ngư dân, cộng đồng doanh nghiệp, người dân gắn bó với ngành nghề thủy sản…
Ghi nhớ lời gửi gắm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ", 65 năm qua, ngành thủy sản vững bước phát triển nhanh, toàn diện và ổn định, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng của đất nước, đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc.
Năm 2024 đánh dấu hành trình 10 năm lực lượng Kiểm ngư Việt Nam bắt đầu hoạt động, tích cực hỗ trợ ngư dân trên biển, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, với bao công việc quan trọng, ý nghĩa.
Qua những thành tựu đạt được, ngành thủy sản, cùng với lực lượng Kiểm ngư, tự tin hướng tới những mục tiêu lớn hơn, dài hạn hơn, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia "mạnh về biển, giàu từ biển", nhất quán với quan điểm lãnh đạo của Đảng, và cũng là nguyện vọng của bà con ngư dân, toàn thể người dân.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận phía trước chúng ta là "hải trình" hướng đến mục tiêu vì một nền thủy sản "minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập", vì thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.
Phía trước chúng ta là 3 trụ cột trong chiến lược kinh tế thủy sản là giảm khai thác, tăng nuôi trồng, bảo tồn biển; cấu trúc lại ngành thủy sản dựa trên ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường...
Ông Hoan chúc ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, hiện đại trong sản xuất, tăng tốc trong xuất khẩu, nâng tầm trong hội nhập.
Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam luôn đồng hành với ngư dân; hướng tới chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; bảo vệ nguồn lợi thủy sản vì ngành thủy sản xanh, bền vững.
"Chúng ta giống như những hòn đảo giữa biển khơi, tách biệt trên bề mặt nhưng kết nối dưới tầng sâu. Chúng ta cùng nhau kết nối thành hệ sinh thái vì ngành thủy sản Việt Nam bền vững", Bộ trưởng Hoan nói.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà.
Tại đây, Bác đã căn dặn: "Biển bạc của ta do dân ta làm chủ".
Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn về tiềm năng vô tận của kinh tế biển và khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
"Ngành thủy sản đã chủ động đi trước trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu", ông Luân khẳng định.
Sau hơn 30 năm phát triển toàn diện, ngành thủy sản đã có những bứt phá vượt bậc.
Sản lượng thủy sản năm 2023 đạt hơn 9,3 triệu tấn, gấp hơn 7 lần so với năm 1995, nuôi trồng thủy sản đạt 5,5 triệu tấn, gấp hơn 5 lần so với năm 1995.
Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 31% năm 1995 lên gần 57% năm 2023.
Với sự năng động sáng tạo, vượt qua bao khó khăn thử thách, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường, kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 1 tỷ USD (năm 1999) và gần 11 tỷ USD (năm 2022), đưa Việt Nam vào vị trí số 3 trong các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Na Uy, Việt Nam)...
Lãnh đạo Nga, Trung Quốc chúc mừng sinh nhật Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng******
Trong đó có lãnh đạo các nước, các đảng của Lào, Trung Quốc, Cuba, Nga, Belarus, Dominicana.
Lãnh đạo các nước, các chính đảng chúc mừng những thành tựu to lớn, nổi bật trong phát triển, xây dựng đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; khẳng định sẽ tiếp tục cùng Tổng Bí thư thúc đẩy các mối quan hệ song phương không ngừng phát triển.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulithnhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "quan tâm sát sao và đóng góp tích cực vào việc vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, giữ gìn truyền thống tốt đẹp đó mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bìnhkhẳng định "coi trọng cao độ quan hệ Trung - Việt, sẵn sàng cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng duy trì trao đổi chiến lược, định hướng xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam đi vào chiều sâu và thực chất".
Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Diaz Canelnhấn mạnh "những cống hiến cá nhân của đồng chí Nguyễn Phú Trọng mang tính quyết định trong việc lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam".
Tổng thống Liên bang Nga V. Putinđánh giá cao những đóng góp vô giá của đồng chí Tổng Bí thư "cho sự phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt". Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga M. Mishustin và Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga D. Medvedev đặc biệt nhấn mạnh đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc củng cố quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga G. Zyuganov khẳng định "cả cuộc đời của Đồng chí Tổng Bí thư gắn liền với sự hình thành, phát triển, củng cố hàng ngũ, sự lớn mạnh và uy tín ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế".
Độc lạ 'cây đu đủ cao thẳng tắp hơn cây dừa': Chủ nhân tiết lộ bất ngờ******
Theo đó hình ảnh một cây đu đủ được mô tả là "cao hơn cây dừa", mọc thẳng tắp được một gia đình tại Bình Phước trồng đã nhận về sự quan tâm lớn của cư dân mạng, khi nhận về hàng chục ngàn lượt thích, bình luận và chia sẻ trên khắp các trang mạng xã hội.
Nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên, cho biết đây là lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy một cây đu đủ có chiều cao "khủng" như vậy. Cũng có người thắc mắc không biết vì sao người chủ có thể trồng được một cây đu đủ cao và thẳng tắp như vậy. Cũng có ý kiến cho biết họ từng thấy những cây đu đủ có chiều cao tương tự, thậm chí cao hơn.
Tài khoản Út Hòa bình luận: "Cao quá trời! Chưa bao giờ thấy cây đu đủ nào cao như vậy!", "Nhà em có trồng cây cau mà thấp hơn cây đu đủ này", nickname An Nhiên bày tỏ.
Theo tìm hiểu, chủ cây đu đủ nói trên là gia đình chị Phạm Thị Kiều Diễm (39 tuổi), ở thị trấn Đức Phong (H.Bù Đăng, Bình Phước). Chị cho biết cây đu đủ của gia đình có chiều cao khoảng 10,75 m.
Theo lời kể của chị Diễm, cây đu đủ được 4 năm tuổi, mọc lên từ hạt của quả đu đủ đã được gia đình ăn. "Bình thường, mình chăm sóc, trồng chu đáo thì cây không phát triển, nhưng với những hạt giống cứ rải quanh nhà, cây tự mọc lên, phát triển tốt vô cùng", chị kể.
Sau khi cây lớn dần, gia đình chị Diễm mới phát hiện ra đây là cây đu đủ đực, không cho quả. Tuy nhiên, vì hoa mọc nhiều, hàng xóm, bà con xung quanh cũng thường tới xin hoa và một vài bộ phận khác của cây để về làm thuốc nên gia đình giữ lại cây đu đủ này.
[CLIP]: Cây đu đủ của gia đình chị Diễm
Bất ngờ sau đó, cây đu đủ đực này ngày càng lớn, phát triển vượt trội và cứ mọc lên thẳng tắp. Cây cũng vững vàng, không bị gãy khiến cả gia đình chị vô cùng ngạc nhiên. Chị Diễm cho biết từ nhỏ tới lớn, lần đầu tiên chị trồng và cũng là lần đầu tiên thấy cây đu đủ cao đến như vậy. Trước đó, những cây đu đủ được gia đình chị trồng cao nhất từ 4 - 5 m.
Nói về chế độ chăm sóc, chị chủ nói không có bí quyết gì, chỉ thường bón tro cho cây. Chị không tưới nước thường xuyên, mỗi khi có dịp bơm nước giếng lên, chị mới tưới. Dù không cho trái, tuy nhiên gia đình chị vẫn giữ cây đu đủ vì nó có giá trị dược liệu, hy vọng có thể giúp đỡ được nhiều người dân cần dùng.
“Giờ nó cao quá, mỗi lần hái phải leo lên nóc nhà, dùng cây để lấy hoa xuống”, chị cười, cho biết.
Từ ngày cây đu đủ "nổi tiếng" trên mạng xã hội, chi Diễm nói nhiều người đã gọi cho chị hỏi thăm cũng như có người có ý định hỏi mua. Chị ngạc nhiên vì với nhiều cao này, rất khó để di chuyển cây, nếu trồng lại cây cũng khó sống.
“Mình cũng biết cây đu đủ nhà mình ngoài chiều cao thì cũng không có gì quá đặc biệt, nếu bán thì cũng không biết bán như thế nào. Nếu có duyên, thì mình bán”, chị tâm sự.
Ông Phạm Xuân Thảo (63 tuổi) là cha chị Diễm cũng cho biết ông rất ngạc nhiên khi cây đu đủ gia đình phát triển được tới chiều cao này. Hàng xóm hay có khách đến chơi nhà, điều đầu tiên ấn tượng với mọi người chính là cây đu đủ mọc lên cao vút.
Hiện chị Diễm sống ở nhà cùng 2 con và cha. Ngày thường, chị làm công việc phục vụ đám tiệc, tới mùa thì hái điều, làm nông. Những ngày qua, khi cây đu đủ gia đình được mọi người quan tâm, chị cảm thấy vui và hạnh phúc.