Quảng Nam: 120 cơ quan, hơn 5.500 hộ dân ở huyện Đại Lộc thiếu nước sạch******
Tình trạng thiếu nước xảy ra hàng tuần
Tụt áp, nước đục là những phiền phức mà người dân huyện Đại Lộc phải chịu đựng từ đầu tháng 4 này.
Khi nghe thông báo cúp nước từ nhà máy Ái Nghĩa, chị Tr.H.N. ở thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) tất bật trữ nước để dùng. Nước máy chập chờn khiến cuộc sống của gia đình chị bị đảo lộn. Lúc có lại bị đục, nước mùi tanh không thể sử dụng được.
Nhiều người dân thị trấn Ái Nghĩa, xã Đại Hiệp và Đại Nghĩa cũng bị tình trạng tương tự từ đầu tháng 4 đến nay, dù chỉ mới bước vào đầu mùa nắng nóng.
Để có nước sạch sử dụng, người dân phải dùng thiết bị lọc hay để qua đêm cho nước lắng xuống, một số người dân khác thì bơm nước giếng nhưng cực chẳng đã phải sử dụng vì nước nhiễm phèn, ô nhiễm…
Người dân rất lo lắng cho sức khỏe nếu sử dụng nguồn nước bị đục, ô nhiễm trong thời gian dài.
Ông Huỳnh Ngọc Chương - Giám đốc nhà máy nước thị trấn Ái Nghĩa - cho biết những năm trước, đến tháng 8 mới bị thiếu nước nhưng năm nay mới tháng 2 đã xảy ra tình trạng này. Tình trạng thiếu nước từ chiều thứ 6 đến chiều thứ 2 hàng tuần và rất thường xuyên.
Theo ông Chương, khi mực nước sông xuống thấp, khả năng sản xuất nước sạch của nhà máy giảm, lúc này buộc phải điều tiết nước ưu tiên cho khu vực thị trấn Ái Nghĩa và Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc Quảng Nam.
Lý do nước máy bị đục, ông Chương cho hay, trong quá trình điều tiết nước sẽ xảy ra tình trạng sốc thủy lực đường ống, do đó một số vị trí xa hoặc cuối đường ống nước sẽ bị đục. Những năm trước, tình trạng thiếu nước rất hiếm và cùng lắm chỉ một vài đợt. Tuy nhiên, năm nay tình trạng thiếu nước xảy ra hàng tuần.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, mực nước sông Vu Gia những ngày qua xuống dưới họng thu nước thô của nhà máy. Để khắc phục tạm thời, đơn vị vận hành đã thuê bơm chống hạn bơm nước thô vào nhà máy.
120 cơ quan, hơn 5.500 hộ dân thiếu nước
Ông Trương Công Trái - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp Đại Lộc (đơn vị quản lý nhà máy nước) - thừa nhận tình trạng thiếu nước thời gian qua.
Theo ông Trái, nhà máy đang cung cấp nước sạch cho 120 cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ, hơn 5.500 hộ dân (gần 19.000 nhân khẩu), với nhu cầu khoảng 8.900m3/ngày đêm.
"Tính thêm lượng nước phục vụ súc xả đường ống định kỳ, thất thoát 30%, nhu cầu tổng thể phải là 11.583m3/ngày đêm. Chưa tính đến nhu cầu sử dụng nước các dự án sản xuất kinh doanh trong Cụm công nghiệp trên địa bàn thị trấn và các xã lân cận, với nhu cầu dùng nước hiện tại, công suất nhà máy đang hoạt động sẽ không đáp ứng được", ông Trái nói.
Cũng theo ông Trái, vào mùa khô hạn, nhà máy thường xuyên thiếu hụt nước nên phải điều tiết cấp nước theo vùng, ưu tiên cho bệnh viện.
Đến khi cấp nước trở lại cho toàn mạng lưới thì xảy ra hiện tượng đục như người dân phản ánh. Ngoài ra, công suất hiện tại không đủ cung cấp cho khách hàng nên xảy ra hiện tượng tụt áp trong thời gian cao điểm.
Nguyên nhân do hệ thống đường ống nước sạch lắp đặt từ năm 2001 đến nay chưa được cải tạo thay thế, van thao tác thiếu, lắp đặt không đồng bộ, đường kính ống nhỏ.
Bên cạnh đó, từ cuối tháng 3 đầu tháng 4, các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia vận hành xả nước với lưu lượng ít hơn quy định khiến mực nước sông Vu Gia xuống thấp hơn cao độ của tuyến ống nước thô, do đó nhà máy nước không thể hoạt động…
"Nhà máy nước đã đầu tư hơn 20 năm, công nghệ lạc hậu, cùng với đó là nguồn nước đầu vào phụ thuộc thủy điện. Nếu thủy điện xả mới có nước, nếu thủy điện đóng, dưới này nước bị hụt. Lúc này, phải thuê bơm đưa nước thô vào nhà máy xử lý", ông Trái giải thích.
Để nhà máy nước hoạt động ổn định, theo ông Trái cần phải nâng cấp, cải tạo hệ thống với kinh phí 20 tỷ đồng, kinh phí đầu tư mới khoảng 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn để thực hiện huyện đang khó khăn nên chưa thể triển khai.
Liên quan đến khắc phục sự cố thiếu hụt nguồn nước thô phục vụ sản xuất, cung cấp nước sạch cho nhà máy nước thị trấn Ái Nghĩa, ngày 16/4, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị UBND huyện Đại Lộc chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách huyện, chỉ đạo đơn vị quản lý, vận hành nhà máy tiếp tục thuê máy móc, thiết bị để bơm nước thô từ sông Vu Gia vào hố thu của nhà máy để xử lý, cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các chủ hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia tổ chức vận hành hồ chứa tuân thủ quy trình vận hành theo quy định, đảm bảo nhu cầu sử dụng nước ở hạ du…
Công bố kết luận thanh tra bảo hiểm nhân thọ Dai******Trả lời câu hỏi của Thanh Niêntại họp báo thường kỳ quý 1/2024 của Bộ Tài chính chiều nay 29.3 về tiến độ công bố kết luận thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho biết đơn vị đã hoàn thành việc thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm năm 2023.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã công bố công khai kết luận thanh tra của Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam trên website của cục ngày 2.2.
“Ngoài công khai trên cổng thông tin cơ quan quản lý, chúng tôi công khai qua cuộc họp với thành phần gồm người ký quyết định thanh tra, cá nhân, tổ chức liên quan. Chúng tôi phát hiện sai phạm của doanh nghiệp bảo hiểm liên quan ban hành quy chế, kiểm soát, giám sát đại lý; quản lý và sử dụng đại lý sai phạm; hạch toán, kế toán có sai sót”, bà Phương nói.
Lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết thêm, đơn vị đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính. Vấn đề liên quan xử lý thuế, cục phối hợp với cục thuế thực hiện.
Nội dung tiến độ công bố kết luận thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm còn lại không được bà Phương hồi đáp.
Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính chiều 19.1, trả lời câu hỏi của Thanh Niên về tình hình cụ thể thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2023 và kế hoạch thanh tra năm 2024, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Doãn Thanh Tuấn cho biết, về thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2023, đến thời điểm đó đã hoàn thành thanh tra 8/10 doanh nghiệp.
Dự kiến, việc thanh tra các doanh nghiệp sẽ kết thúc trước tết Nguyên đán 2024. "Sau khi ban hành kết luận thanh tra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ công bố thông tin đầy đủ", ông Tuấn nói.
Từ thời điểm trước tết Nguyên đán 2024 đến nay,Thanh Niên đã nhiều lần liên hệ đại diện Cục Giám sát, quản lý bảo hiểm để cập nhật về tiến độ công bố các kết luận thanh tra bảo hiểm nhưng chưa nhận được phản hồi cụ thể, rõ ràng.
Ngay chiều nay 29.3, khi truy cập vào website của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, phần "Thông báo" cũng chỉ hiển thị thông báo cũ nhất là ngày 23.2. Khi tìm kiếm ở các chuyên mục khác như "Hệ thống văn bản" hay "Tin quản lý, giám sát" hoặc gõ từ khóa tìm kiếm "bảo hiểm Dai-ichi" cũng chưa tìm ra kết luận thanh tra.
Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 18.3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Việt Nam có 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thì 2 doanh nghiệp trong nước, còn lại là doanh nghiệp liên doanh và nước ngoài. Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã thanh tra 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu qua kênh ngân hàng.
"Doanh thu qua kênh ngân hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm này rất lớn, chiếm 96,83% trong tổng doanh thu. Đến thời điểm hiện tại, bộ đã lưu hành 5 kết luận đối với 5 công ty bảo hiểm; đang thực hiện trình thủ tục để ban hành 3 kết luận và 2 kết luận đang triển khai", ông Phớc thông tin.
Cũng theo người đứng đầu ngành tài chính, đến nay, bộ này đã thanh tra được 10 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; kế hoạch sắp tới sẽ tiếp tục thanh tra 7 doanh nghiệp bảo hiểm nữa. "Như vậy, sắp tới sẽ lần lượt thanh tra hết các công ty bảo hiểm", ông Phớc nói.
Ngoài thanh tra theo kế hoạch, bộ sẽ thanh tra đột xuất dựa trên đơn thư khiếu nại hay đơn thư tố cáo của người tham gia bảo hiểm… để giải quyết quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm. Đồng thời, chấn chỉnh, xử lý sai phạm, bảo đảm các công ty bảo hiểm khi hoạt động phải bình đẳng và tuân thủ pháp luật, thể hiện sự công bằng, minh bạch trên thị trường bảo hiểm.
Được biết, năm 2024, Bộ Tài chính sẽ tiến hành thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó, 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Đoàn thanh tra sẽ thực hiện thanh tra theo kế hoạch được thông qua.
Liên quan tới việc thực hiện kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gồm Prudential, Sun Life, BIDV Metlife, MB Ageas mà Bộ Tài chính công bố ngày 30.6.2023, theo Bộ Tài chính, cơ bản các doanh nghiệp chấp hành.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2023 thị trường bảo hiểm nhân thọ gặp khó khăn, chỉ khai thác được 1,9 triệu hợp đồng, giảm 43,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường ước đạt 28.179 tỉ đồng, giảm 44,5%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường hơn 157.000 tỉ đồng, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường hơn 57.000 tỉ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư bất động sản, dòng sản phẩm nào là triển vọng?******Ăn, mặc, học hành và ở là bốn nỗi lo suốt cuộc đời mỗi con người. Nếu như ăn, mặc, học hành sẽ theo nhu cầu của mỗi người, thì an cư lạc nghiệp lại là điều mà bất kỳ ai cũng cần. Tuy vậy, việc sở hữu một ngôi nhà ở các đô thị như TP.HCM ngày càng là nỗi lo.
So với 8 năm về trước, giá một căn hộ ở tại TP.HCM gần như đã tăng 100%. Nhìn quanh mặt bằng giá nhà trên thị trường có thể thấy rõ điều này, như căn hộ gần khu vực Gigamall, đường Phạm Văn Đồng có giá sang nhượng trên thị trường hiện nay cũng đang tầm 50 triệu đồng/m², tương đương hơn 3,5 tỉ đồng/căn cho căn 72m², trong khi các căn hộ này ở thời điểm mở bán chỉ tầm 1,7 tỉ đồng.
Cũng dọc theo trục đường Phạm Văn Đồng đi xa hơn về hướng cầu vượt Linh Xuân thì giá các căn hộ cũ ở đây cũng đã thiết lập mặt bằng giá mới qua mỗi năm. Đơn cử như một dự án ở khu vực đường Linh Đông, mặc dù chưa được cấp sổ hồng nhưng giá giao dịch các căn hộ ở đây cũng đã tăng gấp đôi so với trước kia.
Từ đó có thể nói rằng, người mua nhà với khoản tài chính mỏng và muốn ở gần các quận nội thành TP.HCM là chỉ có thể lựa chọn các dự án cũ đã đi vào khai thác khá lâu, chấp nhận pháp lý chưa hoàn thiện, không có nhiều tiện ích, còn để sở hữu được căn hộ trong những dự án mới, không gian tiện ích cao cấp, phong phú đảm bảo mọi nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, gần các dịch vụ tiện ích chung của khu vực thì chỉ có sản phẩm giá cao.
Như đánh giá của TP.HCM đến năm 2030, thành phố vẫn không giải quyết được nhà cho đối tượng người thu nhập thấp. Cụ thể, phát triển tối đa nguồn cung nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 thì TP.HCM cũng chỉ đáp ứng được 17,8% nhu cầu của người dân.
Ngay với thị trường Bình Dương, địa phương vốn còn quỹ đất ở lớn, nhưng giá nhà ở cũng đã khác biệt rõ rệt so với những năm trước đây. Một số dự án căn hộ tại TP.Dĩ An có vị trí liền kề TP.Thủ Đức (TP.HCM) cũng đang giao dịch với giá gấp đôi so với thời điểm dự án mở bán. Với các chi phí xây dựng và thuế đất tăng cao, nên các dự án mới đưa ra thị trường sau này không thể xây dựng mức giá thấp.
Theo số liệu báo cáo thị trường từ Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS), năm 2023 nguồn cung nhà ở vẫn rất khan hiếm. Tổng nguồn cung đạt khoảng 55.329 sản phẩm, tăng 14% so với tổng lượng sản phẩm chào bán năm 2022 và chỉ bằng 32% so với năm 2018. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường ngày càng mất cân đối, thiếu vắng hẳn sản phẩm nhà ở thương mại giá bình dân. Tỷ trọng nguồn cung trên tổng nguồn cung căn hộ mở bán cũng liên tục tụt giảm, từ mức 30% vào năm 2019 còn 6% năm 2023. Phân khúc căn hộ trung cấp cũng bắt đầu khan hiếm tại 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP.HCM). Tại thị trường phía Nam, nguồn cung ở mức 40 triệu đồng/m² gần như chỉ có ở tỉnh thành xung quanh như Bình Dương, Đồng Nai.
Các chuyên gia dự báo trong ngắn hạn, nguồn cung vẫn khó có thể bật tăng do số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới rất ít và đang ngày càng có xu hướng sụt giảm, đặc biệt là phân khúc bình dân, trung cấp. Sự mất cân đối về nguồn cung tại thị trường TP.HCM ngày càng lộ rõ. Chi phí phát triển dự án bị đẩy lên cao dẫn đến hầu hết sản phẩm đưa ra thị trường chủ yếu tập trung ở phân khúc cao cấp và hạng sang.
Như ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường, nguồn cung căn hộ tại thị trường TP.HCM tiếp tục sụt giảm sâu, trong khi nhu cầu ở thực vẫn luôn ở mức cao. Theo dữ liệu mới đây của Nhà Tốt, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM quý 1/2024 đã giảm 43% so với quý 4/2023.
Diễn biến thị trường nhà ở tại đô thị như vậy cho thấy người dân nên sớm có tính toán để thực hiện sở hữu nhà để tránh "bão giá nhà" diễn tiến theo thời gian. Thời điểm này, người chưa có nhà, có thể suy nghĩ đến việc mua nhà, người đã có nhà và có nguồn tiền nhàn rỗi có thể nghĩ thêm việc tích lũy tài sản.
Những dự án có khoảng cách trung tâm TP.HCM trong bán kính di chuyển tầm 30 phút như các căn hộ tháp Bcons City sẽ là lựa chọn tối ưu.
Tháp căn hộ Bcons City có nhiều điểm cộng để người mua nhà chọn lựa. Đó là, tháp tích hợp trung tâm tiện ích của quần thể khu phức hợp dự án Bcons City gồm tổ hợp trung tâm thương mại, hội nghị; vị trí ngay mặt tiền đường Thống Nhất, là tuyến đường trung tâm tiện ích của khu vực, là giao thông trọng yếu kết nối giữa trung tâm TP.Dĩ An và Làng đại học, TP.Thủ Đức; mức giá lại vừa tầm với người trẻ mua nhà.
Giai đoạn này là dịp mua nhà rất thuận lợi. Người mua đang được các chủ đầu tư hỗ trợ nhiều chính sách thanh toán linh hoạt, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, song song đó là mức lãi suất cũng đã giảm về mức thấp.
Sự cố VNDirect: Hacker tấn công lỗ hổng 'zero day'******
Sau hơn 2 ngày xảy ra sự cố, đến nay, hệ thống của Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect (VNDirect) vẫn chưa truy cập được.
Chia sẻ với báo chí hôm nay 26.3, ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc VNDirect, cho biết hệ thống công ty bị tấn công bởi một nhóm tấn công chuyên nghiệp, làm mã hóa tất cả dữ liệu của công ty.
Sự cố được khắc phục theo 2 bước và hiện công ty đã giải mã các dữ liệu bị mã hóa, tiếp tục bước tiếp theo là khắc phục hệ thống.
"Chúng tôi đang bắt đầu quá trình khắc phục hệ thống để có thể kết nối và giao dịch trở lại. Dự kiến sẽ mất thêm một thời gian nữa vì đây là một hình thức tấn công dù phổ biến nhưng tương đối phức tạp, cần thời gian", ông Long nói.
Từ sự cố của VNDirect, trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng Quốc gia Việt Nam, phân tích: "Với kinh nghiệm của mình, tôi đoán gần như đó chắc chắn là lỗ hổng liên quan đến phần mềm, có nghĩa là lỗ hổng theo tính chất "zero day". Đây là lỗ hổng nhà sản xuất chưa biết. Hacker bằng cách nào đó đã tìm ra và khai thác vào".
Đánh giá VNDriect là một công ty lớn ở Việt Nam, chắc chắn quy trình vận hành đã được chuẩn hóa, ông Sơn nhấn mạnh thêm: "Việc một hacker có thể đi sâu vào hệ thống như vậy chỉ có thể giải thích là phải thông qua một lỗ hổng chưa ai biết. Với kiểu tấn công "zero day", tất cả hệ thống trên thế giới đều có thể bị tấn công".
Giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng Quốc gia Việt Nam nhận định, trong trường hợp sự cố của VNDirect, hệ thống dự phòng cũng đã bị tấn công chứ không phải chỉ hệ thống chính.
Khi đưa vào vận hành một dịch vụ, đương nhiên đơn vị nào cũng sẽ phải tính đến việc dự phòng; có thể tại thời điểm đó chưa tính hết các khả năng dẫn tới hệ thống dự phòng bị tấn công đồng thời. "Đây có thể nói là thảm họa kép. Trường hợp này, tôi nghĩ thời gian khắc phục lâu do hệ thống dự phòng đã bị tấn công", ông Sơn nhấn mạnh.
Vị này cũng chia sẻ, hệ thống của các công ty chứng khoán và các tổ chức tài chính đều có sự đầu tư, quy trình vận hành ở trên mặt bằng chung về an ninh mạng tại Việt Nam.
Thống kê trên thế giới cho thấy, các tổ chức tài chính luôn là đích ngắm của các hacker, vì khi tấn công vào các tổ chức tài chính, hacker sẽ thu được rất nhiều tiền. Đơn giản bởi dữ liệu rất nhiều và trong đó có cả các tài sản.
Rõ ràng, các công ty chứng khoán dù có trang bị về công nghệ cũng như điều kiện về an ninh tốt hơn mặt bằng nhưng vẫn xảy ra các sự cố. Điều đó đặt ra yêu cầu các công ty chứng khoán và tổ chức tài chính cần có mức cao cấp về an ninh mạng mới có thể đảm bảo được.
Liên quan tới khía cạnh chính sách bảo đảm quyền lợi cho khách hàng sau khi khắc phục sự cố, Tổng giám đốc VNDirect khẳng định về mặt nguyên tắc, toàn bộ quyền lợi của khách hàng được bảo đảm. Đồng thời, sau quá trình khắc phục, công ty sẽ có những chính sách để bảo đảm thêm quyền lợi, giúp khách hàng có thể khắc phục được hậu quả của những ngày không giao dịch.
Trong khi đó, ông Sơn đưa ra khuyến cáo, ngay khi hệ thống hoạt động trở lại, người dùng cần đổi mật khẩu để đảm bảo tài khoản vẫn trong kiểm soát của mình...
Theo VNDirect, sự cố hệ thống giao dịch trực tuyến của công ty này phát sinh lúc 10 giờ ngày 24.3 tại DC Fornix Duy Tân. Hệ thống đã bị tấn công bởi tổ chức hacker quốc tế. Hệ thống bị tấn công hạ tầng ảo hóa dẫn đến toàn bộ nền tảng giao dịch của công ty tạm thời không đăng nhập được.
Cuối giờ sáng 25.3, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về việc tạm thời ngắt kết nối giao dịch của VNDirect tới HNX từ ngày 25.3 cho đến khi VNDirect khắc phục được hoàn toàn sự cố.
Chiều 25.3, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng cho biết đã tạm thời ngắt kết nối giao dịch của VNDirect với HOSE kể từ ngày 25.3 cho đến khi công ty này khắc phục được hoàn toàn sự cố.
Đêm muộn 25.3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn cảnh báo bảo mật hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu công ty đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dự phòng hoạt động an toàn và liên tục theo quy định tại khoản 10 điều 89 luật Chứng khoán 2019.
Bên cạnh đó, chủ động rà soát, kiểm tra ngay các phương án bảo mật cho hệ thống công nghệ thông tin của công ty, đặc biệt là hệ thống giao dịch chứng khoán và các hệ thống có kết nối mạng internet để kịp thời khắc phục các lỗ hổng bảo mật (nếu có)…
Sẽ "tuýt còi" quy chế tổ chức họp báo của Cần Thơ******Sáng 19/4, theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, ông Hồng Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa chủ trì cuộc họp liên quan đến tính pháp lý của Quyết định số 798/2024 của UBND TP Cần Thơ về việc ban hành quy chế tổ chức họp báo của UBND TP Cần Thơ.
Cuộc họp có đại diện của Cục Báo chí và Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông), đại diện UBND TP Cần Thơ và một đơn vị xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp.
Theo kết luận cuộc họp, các quy định tại quy chế là các quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi TP Cần Thơ.
"Việc ban hành văn bản hành chính nhưng có chứa quy phạm pháp luật là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015", cuộc họp kết luận.
Hơn nữa, việc quy chế trên yêu cầu "Cơ quan, Văn phòng đại diện báo chí, phóng viên thường trú khi tham dự họp báo phải đúng thành phần được mời; trang phục, tác phong lịch sự và gửi câu hỏi về Sở Thông tin và Truyền thông trước thời gian diễn ra họp báo ít nhất 3 ngày" là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Cụ thể, Luật Báo chí và Nghị định số 09/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước không đặt ra giới hạn thời gian cơ quan, phóng viên báo chí phải gửi câu hỏi trước thời gian diễn ra họp báo.
Ngoài ra, đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật dẫn khoản 7 Điều 22 Luật Báo chí năm 2016 quy định: "Hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; đúng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm do cơ quan báo chí giao và tuân thủ quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan".
Do vậy, ở góc độ pháp lý, nội dung tại khoản 4 Điều 9 Quy chế tổ chức họp báo của UBND TP Cần Thơ (nội dung câu hỏi phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác) là phù hợp với quy định tại khoản 7 Điều 22 Luật Báo chí. Tuy nhiên, cách diễn đạt trong quy chế của Cần Thơ dễ dẫn đến cách hiểu thiếu thống nhất trong quá trình thực hiện.
Lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định sẽ ban hành kết luận cuộc họp nói trên bằng văn bản theo đúng thẩm quyền được Chính phủ giao.
Tại cuộc họp, đại diện UBND TP Cần Thơ cam kết sẽ khẩn trương rà soát, xử lý Quyết định số 798/2024, bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản liên quan.
Như Dân tríphản ánh trước đó, UBND TP Cần Thơ ban hành Quy chế tổ chức họp báo có hiệu lực từ tháng 4/2024.
Quy chế quy định Cần Thơ tổ chức họp báo định kỳ mỗi quý một lần hoặc họp đột xuất khi có chuyên đề, sự việc quan trọng theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP.
Quy chế của Cần Thơ yêu cầu cơ quan, văn phòng đại diện báo chí, phóng viên thường trú khi tham dự họp báo phải đúng thành phần được mời và gửi câu hỏi về Sở Thông tin và Truyền thông trước thời gian diễn ra họp báo ít nhất 3 ngày.
Nhà báo khi đặt câu hỏi bổ sung tại cuộc họp báo phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, đúng trọng tâm và phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác.
Ngay lập tức, quy chế trên gây xôn xao dư luận khi nhiều ý kiến cho rằng chưa phù hợp với Luật Báo chí.
HLV Troussier và ranh giới của sự dũng cảm******“Tôi nói với cầu thủ rằng họ cần có trách nhiệm, dám nhận trách nhiệm về mình, còn tôi không thể đá thay họ được. Bản thân cầu thủ hiểu trách nhiệm cho những hành động trên sân của mình. Tôi chỉ đưa ra những đấu pháp, chiến thuật và định hướng họ thực hiện chính xác nhất có thể”, ông Philippe Troussier chia sẻ trưa 25.3, trước thềm trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Indonesia.
HLV Troussier có phần thiếu khéo léo khi đưa ra phát biểu nhạy cảm giữa thời điểm đội tuyển Việt Nam chịu rất nhiều áp lực.
Hành trình của HLV Troussier và bóng đá Việt Nam: Triều đại thảm họa
10 trận trước đó (không tính trận đấu ngày 26.3), đội tuyển Việt Nam thua đến 9. Trận thắng trước đội tuyển Philippines cũng không thực sự thuyết phục. Người hâm mộ dễ dàng nhận ra rằng các cầu thủ có thời lượng kiểm soát bóng nhiều hơn, nhưng lại thiếu phương án “kết liễu” đối thủ.
Ở trận gặp đội tuyển Indonesia trên sân Gelora Bung Karno ngày 21.3, đoàn quân HLV Troussier chỉ có 2 cú dứt điểm, không có lần nào đưa bóng đi trúng đích. Điều đó cho thấy cách vận hành, cách sử dụng nhân sự của chiến lược gia người Pháp có vấn đề.
Đội tuyển Việt Nam có thể giữ bóng nhiều hơn, nhưng không thực sự áp đặt được đối thủ. Ngược lại, chúng ta lại bị đối phương ép ngược rất nhiều. Để rồi khi phải rơi vào trạng thái liên tục phải chống đỡ, các cầu thủ non trẻ của chúng ta mau chóng xuống sức và mắc sai lầm cá nhân.
Lối chơi chưa vận hành trơn tru, các cá nhân mắc sai lầm. Và HLV Troussier lại nói rằng "cầu thủ cần có trách nhiệm" và "bản thân tôi chỉ đưa ra những đấu pháp". Như vậy có phải là ông đang trốn tránh và đẩy trách nhiệm cho học trò?
Thông thường, khi học trò mắc sai lầm, các HLV trưởng thường phải đứng ra để bảo vệ. HLV trưởng phải chịu trách nhiệm để các cầu thủ thoải mái tâm lý. Từ đó, họ mới có màn trình diễn tốt nhất. HLV Park Hang-seo từng làm tốt điều đó.
Trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Trung Quốc ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, ông tung Thanh Bình vào sân. Sau đó, trung vệ trẻ này mắc sai lầm khiến đội tuyển Việt Nam nhận thất bại 2-3 đáng tiếc.
Highlight Việt Nam 0-3 Indonesia: Thất bại toàn tập | Vòng loại World Cup 2026
Chiến lược gia Hàn Quốc sẵn sàng hứng chịu "búa rìu" dư luận khi phát biểu: "Tôi chịu trách nhiệm cho những quyết định thay người. Các cầu thủ cần những sai sót để trưởng thành. Tôi nhấn mạnh sai sót của cầu thủ là lỗi từ HLV".
Vì màu cờ sắc áo, các cầu thủ đương nhiên sẽ luôn chơi nhiệt huyết và cố gắng. Nhưng nếu HLV biết cách khơi dậy ngọn lửa, họ chắc chắn sẽ bùng nổ. Và lời yêu cầu học trò nhận trách nhiệm trước trận đánh lớn có lẽ không phải cách hay để làm được điều đó.
Kết quả như chúng ta đã chứng kiến. Đội tuyển Việt Nam với đội hình sắp xếp lộn xộn đã thi đấu bế tắc như "húc đầu vào tường", thiếu gắn kết và nhận thất bại 0-3 trước đội tuyển Indonesia ngay tại sân nhà Mỹ Đình đêm 26.3
Trong cả 3 lần đối đầu đội bóng xứ vạn đảo, đội tuyển Việt Nam thua cả 3, nhận 5 bàn thua và không ghi được bàn thắng nào. Ấy vậy mà HLV Troussier chưa một lần nhìn thẳng vào sự thật rằng lối chơi mà ông đang xây dựng không hiệu quả.
Trước khi nghỉ, chiến lược gia người Pháp vẫn nói về những tín hiệu tích cực: "Về chuyên môn, chúng tôi tạo ra số lượng đáng kể cơ hội, hơn 10 tình huống dứt điểm về khung thành Indonesia, nhưng thiếu hiệu quả trong xử lý bước cuối.
Nỗ lực tạo ra cơ hội như vậy không phải là may mắn, ngẫu nhiên. Các cầu thủ đã bất chấp bất lợi để duy trì ý chí và nỗ lực đến cùng, tuân thủ đấu pháp. Với tư cách là HLV, tôi nể phục các cầu thủ về tinh thần kỷ luật đó. Nhưng như tôi đã nói, cầu thủ hôm nay thi đấu thiếu hiệu quả".
HLV Troussier làm vậy có lẽ để che đậy việc ông đang áp lực và mất phương hướng. Ông đã dũng cảm để sử dụng nhiều cầu thủ trẻ. Tuy nhiên, ông lại không đủ dũng cảm để thừa nhận mình sai rằng nên trao nhiều cơ hội hơn cho nhóm cựu binh.
Ông không đủ dũng cảm để quyết định thay đổi chiến thuật, cách tiếp cận trận đấu bất chấp nhận được nhiều góp ý. Ông không đủ dũng cảm để làm mọi cách giúp đội tuyển Việt Nam chiến thắng hay vượt qua nỗi ám ảnh mang tên Park Hang-seo, dù phải thừa nhận người đồng nghiệp Hàn Quốc thường xuất hiện và lên tiếng vào những lúc nhạy cảm.
Việt Nam 0 - 3 Indonesia: CĐV hết kiên nhẫn với HLV Troussier
Đến giây phút cuối cùng, HLV Troussier cũng không có một lời xin lỗi trực tiếp đến người hâm mộ Việt Nam mà phải thông qua thông cáo báo chí của VFF. Và lúc này, việc đôi bên chia tay là hợp lý khi lần đầu tiên các khán đài sân Mỹ Đình vang rền với những tiếng hô "Troussier out!" liên tục.
Thật đáng tiếc cho một cuộc tình ngỡ là hoàn hảo khi nhìn vào mọi điều kiện ban đầu. Thực tế, những ý tưởng của HLV Philippe Troussier vẫn rất đáng tham khảo và phát triển khi nhìn những dòng máu mới đang dần cứng cáp ở đội tuyển Việt Nam. Chỉ tiếc, cách tiếp cận của ông Troussier đã khiến mọi thứ dang dở.
Xin chào ông, HLV Troussier!
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình chọnXem kết quảXem trực tiếp thể thao đỉnh cao trên FPT Play, tại https://fptplay.vn/