Ký kết các thỏa thuận thương mại cho chuỗi dự án Lô B******
Tham dự buổi lễ, về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có Chủ tịch HĐTV Lê Mạnh Hùng; Tổng giám đốc Lê Ngọc Sơn cùng đại diện lãnh đạo tập đoàn và các đơn vị thành viên, chi nhánh, ban quản lý dự án.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Ngô Sơn Hải - Phó tổng giám đốc.
Về phía Công ty MOECO có ông Harada Hidenori - Tổng giám đốc.
Về phía Tập đoàn Mitsui có ông Maruyama Yasuchika - Giám đốc Khối Phát triển Năng lượng Bền vững.
Về phía Tổng Công ty thăm dò và khai thác Dầu khí Thái Lan (PTTEP) có ông Piya Sukhumpanumet - Phó tổng giám đốc.
Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn có quy mô rất lớn tại Việt Nam, bao gồm nhiều dự án thành phần (dự án phát triển thượng nguồn, dự án đường ống và các dự án nhà máy điện ở hạ nguồn), với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư (từ các đối tác nước ngoài Nhật Bản và Thái Lan như MOECO, PTTEP, Marubeni đến các nhà đầu tư Việt Nam như Petrovietnam, PVEP, PV GAS, EVNGENCO2, WTO). Quy mô đầu tư toàn chuỗi dự án lên tới gần 12 tỉ USD. Lô B, 48/95 và 52/97 (gọi tắt là Lô B) nằm ở khu vực ngoài khơi phía Tây Nam Việt Nam, thuộc khu vực vùng trũng Bể Malay - Thổ Chu vùng thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Cà Mau khoảng 300 km, cách Trung tâm Điện lực Ô Môn khoảng 400 km, với độ sâu nước biển khoảng 77 mét.
Toàn bộ nguồn khí Lô B khai thác sẽ được vận chuyển bằng đường ống về khu vực quận Ô Môn, TP.Cần Thơ cung cấp khí cho các Nhà máy điện Ô Môn I, Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV (với tổng công suất khoảng 3.810 MW), ngoài ra còn có thể cấp bù khí cho khu vực Cà Mau. Trong giai đoạn bình ổn, Lô B sẽ cung cấp cho các nhà máy điện mỗi năm khoảng 5,06 tỉ m³ khí để sản xuất khoảng 22 tỉ kWh điện đáp ứng một phần nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Việc ký kết thành công các thỏa thuận cho Chuỗi dự án Khí Điện Lô B góp phần đảm bảo tiến độ chung cho toàn chuỗi dự án. Đồng thời, chuỗi dự án sẽ là nguồn lực quan trọng, là bước đệm để hỗ trợ thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 với mục tiêu giảm phát thải carbon để ứng phó biến đổi khí hậu, và Quy hoạch điện VIII được xây dựng hướng tới một hệ thống năng lượng "xanh hơn", "sạch hơn", phù hợp với xu thế toàn cầu về chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ.
Các thỏa thuận được ký kết gồm:
1. Hợp đồng mua bán khí (GSPA) Lô B với các điều khoản cam kết mua bán khí Lô B giữa Chủ mỏ, gồm các Bên Bán là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí, Công ty MOECO (Nhật Bản), Công ty PTTEP (Thái Lan), với Bên Mua (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Lượng khí Lô B mỗi năm được các Bên cam kết giao nhận khoảng 5,06 tỉ m³ trong Giai đoạn bình ổn.
2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê các Chủ vận chuyển (gồm các Bên: Tổng Công ty Khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty MOECO, Công ty PTTEP), theo các điều khoản, điều kiện cam kết trong Hợp đồng vận chuyển khí (GTA) Lô B, nhằm vận chuyển toàn bộ lượng khí Lô B (khoảng 5,06 tỉ m³/năm) về bờ, qua trạm tiếp bờ tại Kiên Giang và tuyến đường ống trên đất liền từ Kiên Giang về Ô Môn (Cần Thơ).
3. Hợp đồng đấu nối, vận hành và dịch vụ (TOSA) giữa Các Chủ mỏ (gồm các Bên là Petrovietnam, PVEP, MOECO, PTTEP) và Chủ Vận chuyển (gồm các Bên: PV GAS, Petrovietnam, MOECO, PTTEP). Đây là hợp đồng dịch vụ để đấu nối các trang thiết bị của Chủ vận chuyển với giàn khai thác khí Lô B và Chủ mỏ sẽ có trách nhiệm cung cấp dịch vụ liên quan để hỗ trợ Chủ vận chuyển trong suốt thời hạn hợp đồng.
4. Lượng khí Lô B sau khi về đến bờ, sẽ được Petrovietnam phân bổ và cung cấp cho các Nhà máy điện tại khu vực Ô Môn. Hợp đồng bán khí Lô B giữa Bên Bán (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) với Bên Mua (Tổng Công ty Phát điện 2 - EVNGENCO2) sẽ cung cấp một phần khí Lô B cho Nhà máy điện Ô Môn I, với lượng khí mỗi năm khoảng 1,265 tỉ m³ trong Giai đoạn bình ổn.
Để việc triển khai chuỗi dự án được đồng bộ, đạt các mục tiêu, kế hoạch đặt ra, những khó khăn, thách thức mà Petrovietnam và các bên liên quan phải đối diện còn rất lớn. Đó là điểm nghẽn trong các cơ chế chính sách huy động, vận hành hệ thống điện cho các nhà máy điện tiêu thụ khí Lô B; là các vấn đề liên quan đến nguồn vốn ODA sẽ được sử dụng cho dự án nhà máy điện Ô Môn III; là sự tối ưu, rút ngắn thủ tục phê duyệt để tiến độ dự án nhà máy điện Ô Môn IV để đáp ứng yêu cầu của chuỗi dự án; hay là việc đàm phán và ký kết thỏa thuận mua bán điện của các Nhà máy điện sử dụng khí Lô B.
Theo Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn, là một bên tham gia vào chuỗi dự án, Petrovietnam luôn coi việc đưa Dự án Lô B vào khai thác là nhiệm vụ rất quan trọng và cần được thực hiện thành công. Việc phát triển Dự án Lô B sẽ đóng góp một nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam bộ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Petrovietnam sẽ tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất triển khai các hạng mục công việc trong chuỗi dự án theo đúng tinh thần chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, đảm bảo đồng bộ về tiến độ giữa các khâu, các dự án thành phần để đảm bảo hiệu quả kinh tế của chuỗi dự án, phấn đấu có dòng khí đầu tiên của dự án trong thời gian sớm nhất.
Sáng 29.3, Công ty CP đầu tư Landcom (chủ đầu tư) khởi công xây dựng các khối nhà ở thấp tầng thuộc dự án Khu nhà ở và dịch vụ Tuyên Sơn ven sông Hàn (P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Đây là dự án đã kéo dài 8 năm qua trên khu đất vàng ven sông Hàn, khởi động từ năm 2017 nhưng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về vấn đề đất đai, dẫn đến thủ tục kéo dài.
Nguyên nhân khiến dự án kéo dài như việc chuyển đổi từ khu thể thao thành khu đô thị, việc chuyển nhượng dự án, các điều kiện về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy định về xây nhà liền kề…
UBND TP.Đà Nẵng cũng như chính quyền Q.Hải Châu đã nỗ lực tháo gỡ để tiếp tục triển khai dự án.
Dự án được UBND TP.Đà Nẵng chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 3353/QĐ-UBND ngày 30.7.2019, điều chỉnh đầu tư lần đầu tại Quyết định số 2432/QĐ-UBND ngày 6.11.2023.
Ngày 14.3, Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng xác nhận hạng mục đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng thuộc Dự án khu nhà ở và dịch vụ Tuyên Sơn đủ điều kiện khởi công xây dựng tại văn bản số 1679/SXD-CPXD.
Tổng diện tích thực hiện dự án khoảng 3,6 ha đất vàng ven sông Hàn, bao gồm 156 căn nhà liền kề và 63 căn biệt thự. Tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ quý 2 năm 2024 đến quý 4 năm 2025.
Tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp đầu năm 2024, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết năm 2023 thành phố đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và chủ trương đầu tư cho trên 40 dự án, qua đó khơi thông nguồn lực đầu tư gần 60.000 tỉ đồng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2024 - 2025.
Ngoài ra, 32 dự án, khu đất khác tiếp tục thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Hiện TP.Đà Nẵng còn hơn 100 dự án, trong đó có nhiều dự án bất động sản gặp vướng mắc về pháp lý. TP.Đà Nẵng đã lên phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án, báo cáo chi tiết trình Trung ương để xin được tháo gỡ, nhằm giải phóng các dư địa phát triển cho thành phố.
Bên cạnh đó, cuối tháng 3, TP.Đà Nẵng đã lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho dự án đầu tư công, nhằm đôn đốc, xử lý hồ sơ thủ tục đầu tư, giải ngân hơn 8.800 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024.
Tổ công tác do ông Nguyễn Hà Nam, Chánh văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, làm tổ trưởng. Hai tổ phó là bà Trần Thị Thanh Tâm (Giám đốc Sở KH-ĐT) và ông Võ Tấn Hà (Phó giám đốc Sở Xây dựng).
Hà Nội cải tạo mặt tiền phố Tràng Tiền******Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đang thực hiện dự án cải tạo kiến trúc, cảnh quan, nâng cấp hạ tầng tuyến phố Tràng Tiền. Việc cải tạo được bắt đầu từ cuối năm 2023 và dự kiến hoàn thành để chào mừng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Đơn vị nhận định phố Tràng Tiền hiện có nhiều công trình xuống cấp, mặt tiền thiếu thẩm mỹ do người dân cơi nới, tự lắp biển hiệu thiếu tổ chức. Do đó, quận Hoàn Kiếm lên kế hoạch cải tạo, chỉnh trang lại toàn bộ mặt tiền của tuyến phố này.
Việc cải tạo tập trung từ ngã ba Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng đến đoạn giao với phố Nguyễn Xí. Khu vực này có khoảng 50 hộ dân chủ yếu nằm trên tầng hai. Tầng một là các cửa hiệu.
Trước khi cải tạo, đơn vị chức năng đã yêu cầu tháo dỡ các hạng mục cơi nới. Quá trình thi công, người dân được đảm bảo điều kiện để sinh hoạt bình thường, không gây xáo trộn.
Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết việc chỉnh trang mặt tiền tuyến phố này được chia làm 3 loại.
Trong đó, các công trình có ý nghĩa lịch sử sẽ được bảo tồn, giữ nguyên gốc, chỉ trùng tu và bảo dưỡng. Công trình không mang nặng yếu tố lịch sử nhưng đã xuống cấp, ảnh hưởng mỹ quan sẽ được can thiệp ở mức độ vừa phải.
Loại thứ ba là hạng mục không nằm trong hai loại trên thuộc quản lý của tư nhân, có khả năng xây mới.
Theo khảo cứu của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, Tràng Tiền xưa là phố đầu tiên của Hà Nội xây dựng theo kiểu phương Tây, nghĩa là có cống thoát nước. Phố có mặt đường rộng, nhà hai bên thẳng hàng và có vỉa hè rộng dành cho người đi bộ.
Năm 1885, phố có tên là Thợ Khảm (bao gồm Tràng Tiền và Hàng Khay) ngày nay và được đổi tên thành Paul Bert năm 1887.
Đến nay, dọc tuyến phố này có nhiều cửa hàng, cửa hiệu bày bán những sản phẩm cao cấp như quần áo, mỹ phẩm của nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới...
Doanh nghiệp xin bỏ qua lỗi, Bí thư Bạc Liêu nói "phải phạt cũng không vui"******
Tại buổi cà phê với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu diễn ra sáng 1/4, một doanh nghiệp hoạt động du lịch có tiếng ở Bạc liêu cho biết, vừa qua doanh nghiệp này làm công trình tiền chế nhà vệ sinh và mái che để phục vụ du khách. Sau đó doanh nghiệp bị chính quyền TP Bạc Liêu lập biên bản xử lý vi phạm không phép, xử phạt 240 triệu đồng.
Chủ doanh nghiệp phân trần, do tình hình kinh doanh thời gian qua khó khăn nên mong muốn tỉnh xem xét "cho qua" hoặc cho nộp phạt "trả góp".
Trả lời ý kiến của doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên doanh nghiệp hoạt động phải đúng quy định pháp luật.
"Việc xây dựng không đúng quy định hay không được phép thì nhà nước phải xử lý chứ không thể không xử người này rồi mai mốt lại xử người khác thì không công bằng", Bí thư Bạc Liêu nêu rõ.
Ông nhấn mạnh: "Nhà nước xử phạt doanh nghiệp cũng chẳng vui sướng gì!".
Theo Bí thư Bạc Liêu, doanh nghiệp chậm nộp phạt thì phải có đơn xin nêu rõ khi nào xong, để làm sao mọi người thấy rằng mọi người đều phải chấp hành theo quy định.
Thủ tướng: Khẩn trương điều tra vụ 7 công nhân tử vong ở Yên Bái******Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 39/CĐ-TTg ngày 22/4, về vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khiến 10 người thương vong.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Yên Bái, khoảng 13h30 cùng ngày, xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng trong quá trình sửa chữa dây chuyền nghiền đá ở Nhà máy xi măng thuộc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, khiến 7 người tử vong và 3 người bị thương.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố động cơ điện của máy nghiền, dẫn đến tai nạn cho các công nhân đang trực tiếp thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa.
Ngay khi nhận được thông tin vụ tai nạn, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn đến gia đình, thân nhân người bị nạn; đồng thời chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Yên Bái trực tiếp đến hiện trường vụ tai nạn để chỉ đạo khắc phục hậu quả và thăm hỏi, hỗ trợ gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn.
Để kịp thời khắc phục hậu quả và có biện pháp ngăn chặn các vụ tai nạn tương tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẩn trương tổ chức thăm hỏi chu đáo, kịp thời hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân tử vong và làm các thủ tục liên quan đến nạn nhân tử vong; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các nạn nhân bị thương;
Đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).
Thủ tướng yêu cầu Yên Bái chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn lao động trong các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp tương tự.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Yên Bái phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Yên Bái và các cơ quan liên quan chỉ đạo doanh nghiệp rà soát kỹ các quy định, tiêu chuẩn, quy trình khai thác, chế biến khoáng sản làm xi măng, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động.
Hàng trăm người tìm đến sông Hương giải nhiệt cơn nóng bức******Những ngày cuối tháng 4, nhiệt độ trong ngày ở Thừa Thiên – Huế lên đến 39 - 40 độ C. Để giải tỏa cơn nóng, khoảng 16 giờ chiều, đã thấy rất đông người dân tìm đến sông Hương để vui chơi.
Huế lãng mạn trong nắng nóng 40 độ C: Rủ nhau đi tắm sông Hương giải nhiệt
Cầu bán nguyệt bên sông Hương, thuộc phạm vi công viên Bến Me, là một trong những điểm tắm sông lý tưởng. Bởi cây cầu được thiết kế như một bể bơi ngoài trời, phía dưới được đổ đá sỏi, đảm bảo ổn định mực nước, tạo sự an toàn cho trẻ em và người lớn tuổi.
Với những bạn trẻ, áo phao hay một chiếc SUP là lựa chọn thú vị để bơi, thả mình trong dòng nước chảy chậm rãi, êm đềm, xanh mát của sông Hương thơ mộng.
Đây là một thói quen và nét văn hóa được người dân TP.Huế duy trì nhiều năm qua. Họ đến đây để tận hưởng sự mát mẻ, trong lành do thiên nhiên ban tặng.
"Mùa hè thì không cần đi đâu xa, hồ bơi thì khá chật hẹp. Chiều nào tôi chỉ cần mang theo chiếc áo phao, đến những bến thuyền bên bờ sông để bơi", anh Bùi Xuân Thắng (21 tuổi, người dân TP.Huế), chia sẻ về thói quen lâu nay của mình.
Văn Quý Vinh (20 tuổi, sinh viên quê Quảng Nam) cho rằng người dân TP.Huế thật may mắn khi được thiên nhiên ban tặng dòng sông Hương thơ mộng, có làn nước trong xanh, dịu mát. Những ngày này, Vinh thường xuyên cùng nhóm bạn sinh viên xa nhà đến đây để đắm chìm vào dòng nước mát lạnh, như một cách để giải nhiệt cho mùa hè oi bức.
"Tắm sông Hương mang lại cho mình cảm giác thoải mái lan tỏa khắp cơ thể. Khi được ngâm mình trong dòng nước mát lạnh, bạn sẽ quên hết muộn phiền", Vinh nói.