Thừa Thiên Huế không đồng ý cấm xe cỡ lớn lên cao tốc Cam Lộ******
Quốc lộ 1A tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao
Ngày 1/4, Cục Đường bộ Việt Nam đã có quyết định phân luồng lại giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Theo đó, từ 6h ngày 4/4, xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm và xe tải từ 6 trục trở lên (gọi tắt là xe cỡ lớn) sẽ không đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Theo thông báo của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn), sau khi phân luồng, các phương tiện nói trên sẽ lưu thông trên quốc lộ 1A và các đường khác.
Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trước khi Cục Đường bộ Việt Nam ban hành quyết định, đơn vị đã có công văn góp ý phương án phân luồng giao thông trên đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Theo công văn, tỉnh Thừa Thiên Huế không đồng ý với phương án phân luồng cho xe cỡ lớn lưu thông xuống quốc lộ 1A.
Thừa Thiên Huế đề nghị đơn vị quản lý tuyến khẩn trương khắc phục các nội dung đoàn khảo sát liên ngành đã kiến nghị để khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiệu lực, hiệu quả, góp phần đảm bảo tốt trật tự an toàn giao thông.
Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị bổ sung hệ thống an toàn giao thông và tổ chức giao thông trên tuyến cho phù hợp.
Theo lý giải của Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế, quốc lộ 1A đi qua địa bàn có chiều dài 113,3km với quy mô 4 làn xe, trong đó có làn hỗn hợp. Vào giờ cao điểm, người và lưu lượng phương tiện ở các khu công nghiệp, khu dân cư trung tâm huyện, thị, thành phố tham gia giao thông lớn.
Đồng thời, dọc quốc lộ 1A qua tỉnh Thừa Thiên Huế có 2 bệnh viện, 8 chợ, 5 thị trấn, 216 đường nhánh đấu nối với quốc lộ 1A nên lưu lượng phương tiện, người đi bộ tại các vị trí này là rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao.
Đặc biệt có 46 trường học tiếp giáp dọc quốc lộ 1A nên lượng học sinh khi đến trường và khi tan trường nhiều, nhất là đối tượng học sinh từ 16 đến dưới 18 tuổi được đi xe dưới 50cc, nhưng chưa được đào tạo, hướng dẫn khi tham gia giao thông để bảo đảm an toàn.
Số liệu chưa được đo đếm, quy đổi đầy đủ
Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, số lượng phương tiện ô tô, mô tô, xe máy, xe đạp lưu thông trên quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh thực tế còn rất nhiều. Số liệu chưa được đo đếm, quy đổi đầy đủ, do Công ty Cổ phần tư vấn Trường Sơn chỉ thu thập số liệu xe tại trạm Đông Hà (Quảng Trị).
Trước đó, đơn vị tư vấn đã tiến hành đếm xe trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn và quốc lộ 1A đoạn qua 2 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị. Kết quả cho thấy, lưu lượng trung bình trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn là 9.599 xe tiêu chuẩn (PCU)/ngày đêm, chớm ngưỡng mãn tải. Lưu lượng trên quốc lộ 1A khoảng 27.000 PCU (còn dư 6.000 PCU).
Mặt khác, theo Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế, việc quy đổi mô tô, xe gắn máy với ô tô để đánh giá nguy cơ, mức độ phức tạp về trật tự an toàn giao thông còn khía cạnh chưa phù hợp.
Vì mỗi mô tô, xe gắn máy do một cá nhân điều khiển theo ý chí, ý thức chấp hành pháp luật; nhiều thành phần, độ tuổi, ý thức tham gia giao thông khác nhau, dẫn đến khi các phương tiện ô tô tải nặng, ô tô khác lưu thông tăng đột biến sẽ làm tình hình trật tự an toàn giao thông trên quốc lộ 1A phức tạp, khó lường hơn.
Ngoài ra, quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Huế (dài 36km) chỉ có 2 làn xe, giao thông hỗn hợp, không có dải phân cách cứng, không được tổ chức giao thông như tuyến cao tốc và đã khai thác nhiều năm dẫn đến chất lượng đường xuống cấp.
Một cán bộ Cảnh sát giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trên quốc lộ 1A đoạn tránh Huế mùa này có hàng ngàn xe ben chở đất, đá, vật liệu cùng nhiều loại phương tiện khác lưu thông. Tới đây, khi xe cỡ lớn không được lên cao tốc Cam Lộ - La Sơn mà đi qua quốc lộ 1A sẽ vô cùng phức tạp, gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến.
Số liệu thống kê cho thấy đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến các ô tô tải, xe đầu kéo với mô tô, xe gắn máy trên quốc lộ 1A. Trước khi có cao tốc Cam Lộ - La Sơn, số vụ và số người chết hàng năm do tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A chiếm 48-50% tại Thừa Thiên Huế .
Sau khi cao tốc đưa vào khai thác, tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế giảm, hiện nay số người chết còn chiếm 18-20%.
Trong khi đó, cao tốc Cam Lộ - La Sơn sau khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả, lượng phương tiện tham gia là rất lớn và không ngừng gia tăng, góp phần chia sẻ, giảm tải cho quốc lộ 1A cả về lưu lượng lẫn số vụ tai nạn từ 30-50%.
Về 2 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đầu năm 2024 trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn làm 5 người chết, Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định: ngoài lý do hạ tầng chưa hoàn chỉnh, nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp vẫn do ý thức của người tham gia giao thông.
Tìm thấy người phụ nữ mất tích sau khi đến Cục Sở hữu trí tuệ******Liên quan vụ người phụ nữ Hà Nội mất tích sau khi đến Cục Sở hữu trí tuệ, Công an TP Hà Nội cho biết gia đình đã tìm thấy chị Nguyễn Thị Phương T. (29 tuổi) vào chiều ngày 1/4.
Theo gia đình, chị T. có vấn đề về tâm lý, bị trầm cảm một thời gian dài.
Trước đó, Công an phường Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) nhận được đơn trình báo mất tích của gia đình chị T..
Chị T. đi khỏi nhà từ sáng 29/3. Chiều 29/3, chị T. đến Cục Sở hữu trí tuệ (ở số 386 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân).
Theo đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, khoảng 19h ngày 29/3, chị T. "xông" vào trụ sở Cục và bị lực lượng bảo vệ mời ra ngoài vì đã hết giờ làm việc. Sau đó, nhân viên bảo vệ phát hiện điện thoại của chị T. rơi tại địa điểm trên.
Khi người nhà chị T. gọi vào điện thoại này, bảo vệ đã nghe và thông báo sự việc. Gia đình đã đến Cục nhận lại điện thoại của chị T.
Phòng giao dịch ngân hàng bốc cháy giữa đêm khuya******Sáng 6/4, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn (Công an tỉnh Quảng Trị) cho biết khoảng 1h cùng ngày, lực lượng của đơn vị đã dập tắt đám cháy xảy ra tại một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn thị xã Quảng Trị.
Vụ hỏa hoạn xảy ra vào đêm khuya ngày 5/4, tại phòng giao dịch chi nhánh một ngân hàng, đóng tại thị xã Quảng Trị. Ngọn lửa bốc lên rồi nhanh chóng bao trùm tầng 1 tòa nhà.
Nhận tin báo, lực lượng chức năng đã điều động 3 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường triển khai công tác chữa cháy, ngăn cháy lan ra các hộ xung quanh.
Vụ hỏa hoạn sau đó được khống chế, không gây thiệt hại về người. Các thiệt hại khác và nguyên nhân đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Đoàn tàu du lịch Huế******
Ông Trần Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức chạy hằng ngày 2 đoàn tàu du lịch giữa ga Huế đến ga Đà Nẵng và ngược lại, theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.
Để chuẩn bị cho việc vận hành 2 đoàn tàu này, Tổng công ty đang tập trung để cải tạo nội thất, đầu tư các trang thiết bị trên các toa tàu; bố trí một phần diện tích phòng đợi tàu tại ga Huế, ga Đà Nẵng.
Đồng thời, phối hợp với các công ty vận tải để đầu tư, nâng cấp thành phòng đợi tàu chất lượng cao nhằm đa dạng hóa, làm mới sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách; phù hợp với việc đầu tư nâng cấp các đoàn tàu chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, khách quốc tế và các đối tượng khách hàng khác.
Các đoàn tàu này do Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội trực tiếp quản lý và vận hành để khai thác kinh doanh vận tải, kết hợp với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành của địa phương để khai thác dịch vụ du lịch.
Cụ thể, đoàn tàu có 7 toa xe gồm: 1 toa xe công vụ phát điện, 5 toa xe AL 56 chỗ ngồi, 1 toa xe B phục vụ các hoạt động dịch vụ. Giá vé dự kiến 150.000 đồng/vé, áp dụng giá vé tháng 900.000 đồng/vé và có chính sách giảm giá cho các đối tượng chính sách… Dự kiến, đoàn tàu khai trương vào ngày 26.3 với cả 2 chiều Huế - Đà Nẵng và ngược lại.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết việc đưa vào vận hành khai thác đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng và ngược lại vừa phục vụ phát triển du lịch, vừa góp phần đảm bảo kết nối giao thông của người dân giữa 2 địa phương, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên.
Để phối hợp chuẩn bị tốt cho đoàn tàu này, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu các đơn vị liên quan của tỉnh phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đưa vào khai thác nhằm đảm bảo các dịch vụ vận chuyển phải khác biệt theo hướng dịch vụ đi tàu có trải nghiệm cung đường du lịch giữa 2 điểm đến Huế, Đà Nẵng và điểm đến du lịch Lăng Cô.
Các đơn vị, địa phương liên quan chỉnh trang cảnh quan hai bên đường tàu, nhà ga, hệ thống điện chiếu sáng, lắp mạng wifi tại các điểm chờ, kết nối phương tiện giao thông trung chuyển, các dịch vụ giải trí trên tàu...
Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam - một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành "Cà Phê Triết Đạo".
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Người Nhật đã làm được!
NgườiViệtmìnhcũnglàmđượcvàlàmtốthơn!
Thế kỷ 17 - 18, Khai sáng được xem là cuộc cách mạng tư tưởng ở châu Âu và Bắc Mỹ. Đây là thời đại mà năng lực lý trí được con người sử dụng tối đa để mở rộng kiến thức, duy trì quyền tự do cá nhân và đảm bảo hạnh phúc. Con người đã chứng minh được năng lực cải tạo thực tiễn, vươn đến cuộc sống tốt đẹp hơn khi hàng loạt thành tựu kinh tế, công nghệ, khoa học… nở rộ.
Đặc biệt, sự lạc quan về thế giới tốt đẹp hơn cùng năng lực tư duy phát triển mạnh mẽ, đã thúc đẩy các nhà tư tưởng, triết gia liên tục đặt ra những câu hỏi, thách thức những niềm tin được chấp nhận, phản biện quan điểm của nhau, để trả lời cho các vấn đề lâu đời về lối sống, đạo đức và hạnh phúc nhân loại, nhằm hướng đến mục tiêu chung xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong đó, triết gia người Đức Immanuel Kant (1724 - 1804), được xem là một trong 10 nhà tư tưởng khai sáng quan trọng đưa triết học phương Tây lên tầm cao mới. Với hệ thống triết học đồ sộ nghiên cứu con người như một chủ thể nhận thức và một chủ thể hành động, những quan điểm về đạo đức của Immanuel Kant hướng đến những giá trị chung của nhân loại, thể hiện khát vọng của con người hướng tới cái thiện, tới hạnh phúc cho mỗi cá nhân.
Xuất thân từ gia đình sùng đạo, tuổi thơ của Immanuel Kant tiếp nhận sự giáo dục từ các mục sư. Năm 16 tuổi, ông vào đại học Königsberg với tư cách là sinh viên thần học, thậm chí còn thuyết giảng ở một vài dịp đặc biệt. Thế nhưng, trưởng thành trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của khoa học tự nhiên, của nhận thức tư duy về tự nhiên và con người, ông bị thu hút bởi vật lý, toán học. Immanuel Kant bắt đầu nghiên cứu tác phẩm của các triết gia Gottfried Wilhelm Leibniz (1646 - 1716), Christian Wolff (1679 - 1754), Isaac Newton (1643 - 1727) và hoàn thành tác phẩm đầu tiên khi 23 tuổi.
Trải qua một vài biến cố gia đình, Immanuel Kant quyết tâm theo đuổi sự nghiệp học thuật và trở thành giảng viên đại học. Tại đây, vừa giảng dạy, ông vừa duy trì công việc nghiên cứu và sáng tạo các bài luận về chủ đề khoa học tự nhiên. Với tinh thần không ngừng cầu tiến, Kant đảm nhận giảng dạy nhiều môn khác nhau ngoài toán và vật lý, bao gồm địa lý, siêu hình học, triết học đạo đức… thu hút lượng lớn sinh viên kể cả giới học giả theo học.
Đặc biệt, kể từ năm 1770, Immanuel Kant dành toàn bộ thời gian và công sức vào nghiên cứu. Thành quả sau 11 năm là một loạt các tác phẩm vĩ đại ra đời:Phê phán lý tính thuần túy (1781);Phê phán lý tính thực tiễn(1788), Phê phán phán đoán(1790)… Tất cả thể hiện quan điểm triết học của Kant trên ba khía cạnh cơ bản của con người: Con người trong mối quan hệ với tự nhiên; con người trong mối quan hệ với con người, xã hội; con người trong mối quan hệ với chính mình.
Ảnh hưởng bởi tư duy trí tuệ của thời đại Khai sáng, Immanuel Kant nhìn nhận rằng, nhà tư tưởng phải có bước đột phá trong việc sử dụng phương pháp khoa học, không chỉ khám phá những điều mới về thế giới vật chất, mà còn cải thiện cuộc sống và tổ chức xã hội loài người. Đồng thời, ông khẳng định, mục đích quan trọng của triết học là về vận mệnh con người và nền triết học về vận mệnh con người chính là vấn đề đạo đức. Do đó, Kant đã lấy con người làm trọng tâm nghiên cứu và học thuyết đạo đức của ông luôn đề cập đến giá trị con người và nhân loại.
Kant mang khát vọng xây dựng một nguyên tắc đạo đức tối cao mang tính tuyệt đối, dựa trên lý trí và tách rời khỏi cảm tính, danh lợi, hướng tới thế giới tốt đẹp mà ông gọi là "thế giới của thiên thần". Ông đã nghiên cứu lịch sử tư tưởng nhân loại từ cổ đại đến cận đại trên tinh thần phê phán, và phát triển cấu trúc đạo đức của riêng mình trong 3 tác phẩm: Nền tảng siêu hình học đạo đức(1785), Phê phán lý tính thực tiễn(1788) và Siêu hình học đạo đức(1797).
Theo đó, Kant đã đưa ra một khái niệm hoàn toàn mới, có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực ngày nay, là "mệnh lệnh tuyệt đối". Mệnh lệnh tuyệt đối được Kant xem là chuẩn mực duy nhất và cao nhất để đánh giá hành vi đạo đức của con người. Nó yêu cầu mọi hành vi của con người phải xem người khác là mục đích, hướng tới những giá trị tích cực nhằm làm cho đời sống tốt đẹp, hạnh phúc, chứ không phải lấy người khác làm phương tiện để bản thân đạt được hạnh phúc riêng. Con người cảm thấy có bổn phận và trách nhiệm làm "đúng", làm theo "lẽ phải" dù điều đó có hay không có lợi ích cho mình.
Học thuyết đạo đức của Kant còn có giá trị lớn về mặt thực hành. Không chỉ xác lập mối liên hệ giữa đạo đức với các vấn đề xã hội như pháp quyền, tôn giáo, lịch sử, Kant còn đưa ra quan điểm vượt trội về "tự do". Theo Kant, tự do không phải là thỏa mãn sở thích cá nhân, mà phải gắn liền với những nguyên tắc đạo đức, pháp luật và trách nhiệm của cá nhân trước bản thân và cộng đồng. Tự do đòi hỏi con người không ngừng tu dưỡng, rèn luyện theo các nguyên tắc đạo đức để làm chủ chính mình trong mọi tình huống.
Lý luận về tự do của Kant có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục và phát triển nhân cách con người. Đồng thời, Kant đóng góp một bước tiến vượt thời đại, khi dự báo trong tương lai nhân quyền sẽ trở thành một trong nhiều vấn đề cốt yếu của nhân loại. Quả thật, đạo đức học của Kant đã được đưa vào Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (1948), các Hiệp ước Chính trị và Kinh tế (1966) và Tòa án Hình sự Quốc tế (2002).
Immanuel Kant không chỉ luận giải mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng, mà tiến xa hơn với các vấn đề mang tầm nhân loại. Tuy các nguyên tắc đạo đức của Kant ít đề cập đến khía cạnh giai cấp, dân tộc, nhưng lại nhấn mạnh đến giá trị chung, mang tính phổ quát toàn nhân loại, thích dụng cho mọi dân tộc, mọi thời đại. Đặc biệt, học thuyết của Kant nổi bật với ý tưởng xây dựng một nền hòa bình vĩnh cửu cho nhân loại, một nền hòa bình được xây dựng trên cơ sở liên minh của các dân tộc. Trong "Bản phác thảo triết học ngắn về Hòa bình vĩnh viễn" (1795), Kant vạch ra những điều kiện tiên quyết để tạo ra một nền hòa bình lâu dài. Đương thời, đề xuất này được đánh giá là xa rời thực tế, nhưng trong thế kỷ 20, nó nhận được nhiều sự chú ý và được xem là tiền thân của Hội Quốc Liên và Liên Hợp Quốc .
Trên hành trình xây dựng một nguyên tắc đạo đức phổ quát, nhằm hướng con người đến sự thiện tối cao và lối sống hòa bình, hạnh phúc, cà phê - thức uống thăng hoa trí tuệ được giới tri thức khai sáng yêu thích, đã luôn song hành với triết gia Immanuel Kant. Thưởng thức cà phê trở thành một nếp sinh hoạt trong lịch trình cố định hàng ngày của Kant: thức dậy, uống cà phê, viết lách, giảng bài, đi dạo.
Được xem là một nhà triết học có cuộc sống trật tự, có quy luật, Immanuel Kant đã biến "sự đồng nhất nhất định" trong lối sống của mình từ một thói quen đơn thuần thành một nguyên tắc đạo đức. Đến những ngày cuối đời, Kant vẫn gắn bó với thói quen thưởng thức cà phê và thường xuyên yêu cầu phục vụ cà phê "ngay tại chỗ". Trong tác phẩm Những ngày cuối cùng của Immanuel Kant(1827), Thomas de Quincey mô tả rằng uống cà phê là niềm vui rất quan trọng với Kant mỗi ngày, đến mức Kant phải ghi chú vào giấy để nhắc nhở phải phục vụ cà phê trong các cuộc hẹn có mặt ông sắp tới.
Có thể thấy, triết học của Immanuel Kant là triết học vì con người và cho con người. Trong đó, đạo đức học của Kant đã hướng đến những giá trị chung toàn nhân loại, mang khát vọng của con người hướng tới cái thiện và cuộc sống hạnh phúc. Đồng thời, sự song hành của cà phê trong cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại giúp tái tạo nhận thức con người và kích thích tiến bộ xã hội của Immanuel Kant, cho thấy cà phê một lần nữa gắn liền với tiến trình con người muốn vượt lên số phận để tìm kiếm hạnh phúc từ tư duy minh triết của chính mình.
CÀ PHÊ TRIẾT ĐẠO Cà phê và Sách - Công thức thịnh vượng của người Đức
Thân mời bạn đọc đón xem loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh https://bit.ly/caphetrietdao
Đón đọc kỳ sau: Cà phê - Một nghệ thuật sống
Không để người dân Tiền Giang thiếu nước sinh hoạt mùa khô, hạn******Ngày 7/4, tại Tiền Giang, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Trung ương đi kiểm tra tình hình hạn, mặn; cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng ven biển và làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, kết nối trực tuyến với tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng.
Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra việc cấp nước tại các vòi nước công cộng và đến thăm nhà một số hộ dân để tìm hiểu tình hình nước sinh hoạt trên địa bàn xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông.
Phó Thủ tướng cũng đến thăm và đôn đốc tiến độ thi công cống âu Nguyễn Tấn Thành (huyện Châu Thành, Tiền Giang).
Qua kiểm tra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của chính quyền địa phương, chủ đầu tư và các nhà thầu. Do hạn mặn đang khá gay gắt, chủ đầu tư và nhà thầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, phấn đấu rút ngắn tiến độ nhưng bảo đảm chất lượng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, về lâu dài, các địa phương phải tính toán kết nối các nhà máy cung cấp nước để đưa nước sạch về cho người dân.
Đối với các vùng dân cư thưa, địa bàn khó khăn, cần xem xét bố trí lại dân cư, kể cả khu vực sạt lở. Dân cư có tập trung mới bố trí được hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm, nước…
Vùng duyên hải, ven biển phải xem xét lại cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, thủy sản, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng và ứng dụng công nghệ thích ứng...
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết, 9/11 huyện, thành phố của tỉnh có đủ nước sinh hoạt, chỉ thiếu cục bộ ở một số xã thuộc huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông do ở cuối mạng lưới cấp nước, hoặc chưa được lắp đặt đường ống dẫn nước.
Ông Vĩnh cũng cho biết, hiện nắng nóng đang đỉnh điểm nên nhu cầu sử dụng nước tăng cao, trong khi đó nguồn nước tại các kênh, ao nội đồng đã cạn kiệt. Đa số các trạm cấp nước đang hoạt động cấp nước bình thường, một số trạm do thiếu nguồn nước thô nên đã giảm công suất sản xuất hoặc ngưng sản xuất phát nước.
Khu vực các huyện thị phía Đông thiếu hụt khoảng 25.000 m3/ngày đêm. Công ty cấp nước Tiền Giang đang thực hiện điều tiết cấp nước theo ngày, theo khu vực để đáp ứng nhu cầu dùng nước cho người dân...
Tỉnh Tiền Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng cống Trà Tân, Ba Rài để khép kín vùng dự án Bảo Định mở rộng nhằm bảo vệ khoảng 130.000ha đất sản xuất nông nghiệp cho 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.
Đồng thời, kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh để nâng cấp, mở rộng ao chứa nước. Cụ thể là nâng cấp, mở rộng ao Phú Thạnh 10ha và ao Tân Thới 6ha, với kinh phí 160 tỷ đồng để phục vụ cho người dân huyện Tân Phú Đông; nâng cấp, mở rộng ao Gia Thuận 10ha, ao Bình Thành 30ha, ao Gò Gừa 15ha, kinh phí dự kiến 300 tỷ đồng để phục vụ cho người dân huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công.
Đối mặt với gần trăm bí thư huyện ủy, bí thư tỉnh ủy hỏi hơn chục người “có gì không?”
2024-09-11 23:38:45