|
|
Quốc hội chuẩn bị họp 2 đợt, xem xét nhiều nội dung quan trọng******
Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến xem xét 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 16 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Đồng thời, có 20 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.
Có ý kiến đề nghị giảm thời gian chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội từ 2,5 ngày xuống còn 2 ngày, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị giữ nguyên 2,5 ngày dành cho hoạt động này, bởi như vậy là phù hợp.
Ngoài các phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp theo thông lệ, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp nội dung: Giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Ngoài ra, Tổng Thư ký đề xuất bố trí truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phiên thảo luận ở hội trường về một số dự án luật, báo cáo có tác động lớn, được cử tri và Nhân dân quan tâm
Theo ông Bùi Văn Cường, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26 ngày. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 20/5, bế mạc vào sáng 27/6.
Các đại biểu sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 diễn ra trong 17 ngày (20/5-8/6) và đợt 2 là 9 ngày (17/6-27/6).
Từ phía Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định Chính phủ đã quan tâm, chuẩn bị từ sớm, từ xa trong việc xây dựng luật. Ngay sau kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội, Thủ tướng có 10 văn bản chỉ đạo yêu cầu chuẩn bị các nội dung này.
Theo ông Khái, so với kỳ họp trước, Chính phủ có chuyển động tốt hơn để hồ sơ được chuẩn bị đảm bảo chất lượng và kịp thời.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết khối lượng công việc trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7 là rất lớn. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật và 3 dự thảo Nghị quyết chứa quy phạm pháp luật; cho ý kiến lần đầu với 11 dự án luật và nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước...
Lưu ý một số nội dung đến nay vẫn chưa có tờ trình, báo cáo và hồ sơ kèm theo, ông Huệ đề nghị các cơ quan báo cáo làm rõ tiến độ, sớm gửi hồ sơ để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu.
"Tình trạng gửi chậm tài liệu, kỳ họp vừa rồi đại biểu than phiền nhiều. Nên nội dung nào đã có ý kiến của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kết luận rồi, cần đôn đốc, cái nào có trước gửi trước và gửi càng sớm càng tốt", ông Huệ nói.
Lấy lại vỉa hè cho người đi bộ: Có dẹp được hàng rong, quán nhậu?******
Buổi tối, quán sinh tố trên đường Hoàng Diệu đoạn giao Vĩnh Khánh (Q.4, TP.HCM) đông nghẹt khách. Phần vỉa hè ngay dưới chân chung cư H1 rộng gần 10 m nhưng bàn ghế nhựa bày kín lối. Gần 2 m phía sát đường là hàng xe máy xếp ngay ngắn, là xe của khách tới ăn sinh tố. Quán sinh tố chỉ thuê một căn shop house nhỏ của chung cư H1 nhưng phục vụ khách trên phần vỉa hè trải tới 3 - 4 căn, chỉ chừa một lối nhỏ ở giữa dành cho cư dân. Sống ở chung cư H1 đã hơn một thập niên, thường xuyên đi bộ trên đường Hoàng Diệu, cô Minh Hồng cho biết trước đây khu vực này rất thoáng đãng. Phía trước chung cư là mấy tiệm vàng, phòng khám nha khoa nên buổi sáng chỉ có một phần nhỏ vỉa hè được trưng dụng làm chỗ đậu tạm xe cho khách, buổi tối gần như chỉ có người đi bộ và một vài cư dân kê ghế ngồi hóng mát, trò chuyện.
"Quán sinh tố này mới mở khoảng 2 năm trở lại đây thôi. Lúc đầu cũng chỉ là 1 quán nhỏ với ít bàn ghế bày ra, dần dà cứ tối đến là đông nghẹt, chiếm nguyên cái vỉa hè to tướng. Đâu phải chỉ một quán, thấy khách đông nên người ta thi nhau mở thêm mấy quán nữa, rồi thêm mấy xe bánh tráng trộn, cá viên chiên… vây kín hết phần vỉa hè quanh chung cư này. Giờ đến cư dân chạy xe vào cổng chung cư còn khó chứ đừng nói đến mấy bà già đi bộ thể dục như tôi. Mấy tháng trước, bà bạn tôi phải đi dưới lòng đường bị một xe máy va quệt, may chỉ bị thương nhẹ nhưng từ đó đến nay không dám đi nữa," cô Hồng than.
Được mệnh danh là "thiên đường ẩm thực", các tuyến đường Vĩnh Khánh, Hoàng Diệu, Đoàn Văn Bơ, Tôn Đản và rất nhiều tuyến đường, con hẻm ở Q.4 bị quán sinh tố, nước ép, ốc, quán nhậu, cơm tấm lấn chiếm hầu như toàn bộ vỉa hè, thậm chí cả lòng đường. Người đi bộ không có lối đi, phải xuống lòng đường; xe cộ thì chen chúc nhau, rất dễ va chạm. Đặc biệt, khi những quán hàng này đóng cửa để lại những vỉa hè bẩn thỉu, nhếch nhác, bốc mùi dầu mỡ, nước thải.
Sau khi UBND TP có những động thái quyết liệt quy hoạch lại vỉa hè, khoảng gần một tuần nay, quán sinh tố tại ngã tư Hoàng Diệu - Vĩnh Khánh đã được thu gọn lại. Một phần phía trước vẫn để xe máy nhưng bàn ghế đã bị đẩy lùi vào bên trong, chừa khoảng gần 2 m đường cho người đi bộ. Tuy nhiên, một số tuyến đường vẫn giữ nguyên hiện trạng bị lấn chiếm, dường như chưa được "động" tới.
Không chỉ khu vực Q.4, tình trạng các quán nhậu, hàng rong bít hết vỉa hè, lòng đường diễn ra ở hầu hết các tuyến đường khắp TP.HCM. Ngay cả vùng trung tâm Q.1 tại đường Đề Thám, Cống Quỳnh, Lê Thánh Tôn... các khu vực tập trung nhiều du khách quốc tế thường xuyên đi bộ cũng không thoát cảnh giành nhau vỉa hè với hàng quán, xe cộ. Dù chính quyền các quận, huyện cũng nhiều lần tổ chức chiến dịch ra quân, xử lý nhưng sau khi rút đi thì tình trạng lấn chiếm lại diễn ra. Cũng có trường hợp, cơ quan chức năng xử lý địa điểm vi phạm này nhưng bỏ qua địa điểm kia khiến công tác xử lý không nghiêm, càng thêm tâm lý chống đối từ phía hộ kinh doanh.
Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã trình UBND TP về rà soát hiện trạng hạ tầng giao thông đường bộ để xây dựng đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố. Theo đó, những trường hợp sử dụng tạm thời một phần hè phố phải đóng phí như: Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng; điểm lắp đặt các công trình tạm, các trụ quảng cáo tạm; tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội); điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa… Rất nhiều chủ quán chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh bày tỏ ủng hộ phương án quy hoạch này để được quản lý một cách chính quy, ổn định, công bằng, tránh được cảnh phải "đóng hụi" hằng tháng.
Ngày 22.2, Văn phòng UBND Q.1, TP.HCM thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Q.1 Lê Đức Thanh liên quan đến chấn chỉnh trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và phát triển kinh tế đêm. Trong đó yêu cầu các đơn vị như trật tự đô thị, công an phường, chính quyền địa phương cần phối hợp đồng bộ, quyết liệt xử lý tình trạng vi phạm trật tự đô thị, trật tự giao thông trên địa bàn. Cấp ủy, ban điều hành khu phố, ban công tác mặt trận cũng tham gia vừa vận động tuyên truyền, vừa giám sát các trường hợp vi phạm. Người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự đô thị nhưng không có sự chuyển biến sẽ không được xem xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Riêng P.Bến Nghé và P.Nguyễn Thái Bình, đến ngày 30.4 phải tạo sự chuyển biến về tình trạng buôn bán hàng rong, xe đẩy tay tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng. Công an Q.1 chỉ đạo Đội CSGT và công an 10 phường tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng dừng, đỗ xe không đúng quy định, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, đối phó với việc xử lý của cơ quan chức năng.Sỹ Đông
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM, nhận định sử dụng vỉa hè đa chức năng sẽ hài hòa nhu cầu của nhiều đối tượng, đồng thời tạo cảnh quan sống động cho tuyến đường, làm nên sức sống và tạo nét văn hóa độc đáo cho thành phố. Đơn cử, trưng bày hàng hóa hay bàn ăn trên vỉa hè là nhu cầu của các cửa hàng mặt tiền. Việc trưng bày hàng hóa, biển quảng cáo trên vỉa hè trong trường hợp không cản trở người đi bộ sẽ giúp cửa hàng tiếp cận khách hàng tốt hơn, giúp tăng doanh thu. Ở châu Âu có những con phố hẹp, đường rộng, thông thoáng có tổ chức hàng ăn vỉa hè. Ở VN, tại các tuyến phố có vỉa hè rộng từ 4 - 5 m có thể dành khoảng một nửa cho người đi bộ, phần còn lại cho phép người dân thuê lại để tổ chức dịch vụ kinh doanh, trông giữ xe. Người được cấp phép kinh doanh phải có trách nhiệm giữ gìn khu vực được giao, nếu lấn chiếm, sai phạm xử thật nghiêm và rút lại quyền kinh doanh.
"Tuy nhiên, phải có rà soát, nghiên cứu thật kỹ trên địa bàn toàn TP. Tùy từng trường hợp cụ thể, từng khu vực mới được cấp phép kinh doanh. Quan điểm chung là vỉa hè, lòng đường vẫn phải ưu tiên cho giao thông và quá trình cấp phép kinh doanh, thu phí phải tuyệt đối minh bạch. Làm gì cũng phải đặt quyền lợi của nhân dân, xã hội lên hàng đầu", PGS-TS Nguyễn Lê Ninh lưu ý.
Thượng tọa Thích Trí Chơn: 'Tâm không hại ai bản thân không lo lắng, không sân giận là bình yên'******
Theo thượng tọa Thích Trí Chơn, trong Phật giáo Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều tôn thờ và kính ngưỡng bồ tát Quán Thế Âm. Nhân ngày vía Quán Thế Âm bồ tát hôm qua (19.2 âm lịch), hình tượng và câu niệm bồ tát Quán Thế Âm nhắc nhở chúng ta nhiều điều trong cuộc sống.
Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, viện chủ tu viện Khánh An chia sẻ, bồ tát Quán Thế Âm hay còn gọi là bồ tát Quán Tự Tại.
Chúng ta thường thấy một vị bồ tát đứng 1 tay cầm nhành dương liễu, 1 tay cầm bình cam lồ biết ngay đây là bồ tát Quán Thế Âm hay với một phong thái vị bồ tát ngồi thấy y như tên của ngài - Quán Tự Tại.
Tự Tại tức là không bị ràng buộc, thong dong, thảnh thơi, nhẹ nhàng, thư thái. Vậy nên, thượng tọa Trí Chơn cho rằng, khi niệm bồ tát Quán Thế Âm để thực tập hạnh nguyện của ngài thì trước hết phải thực tập hạnh thong dong, tự tại, hạnh không ràng buộc, mọi thứ đi lui, tới đều tùy duyên thuận cảnh.
Viện chủ tu viện Khánh An phân tích, chúng ta ai cũng muốn bình an hạnh phúc mà cứ tự trói mình, đi, đứng hay ngồi làm việc cũng không tự tại. Mỗi lần chúng ta thấy bản thân đang khổ, sư thầy khuyên chúng ta hãy đặt cho mình câu hỏi bản thân đã tự tại chưa, thong dong chưa, cái gì làm cho mình khổ. Câu trả lời đó thường là vì cái mình không ưa, vì cay đắng không đáp ứng như điều mình thích làm mình khổ.
Ghé thăm tu viện mát lành tràn ngập cây xanh: nơi yêu từng ngọn cỏ, hơi thở
"Chúng ta dễ bị nhầm lẫn tâm từ bi với tình thương có điều kiện. Vậy thế nào là từ? Đơn giản lắm, không sân là từ. Khoan nói thương, quý, mến, chỉ cần tâm không sân giận thì đó chính là từ. Mình đem tình thương sự giúp đỡ của mình người kia không đáp ứng lại mình phản ứng thì không phải là từ. Tâm không sân giận mới chính là tâm từ. Còn tâm bi là động viên, an ủi, vỗ về, nội không hại bất cứ một ai đó chính là bi. Bồ tát có tâm rất lớn là đại từ, đại bi. Ngài không sân giận bất cứ ai, không hại bất cứ ai nên tâm ngài mới có khả năng trùm khắp chúng sinh", thượng tọa Trí Chơn phân tích.
Theo viện chủ tu viện Khánh An, một khi tâm không sân giận thì chúng ta sẽ thấy hạnh phúc, bình yên, tâm không hại ai thì không lo lắng, không thủ đoạn, không tranh chấp, không toan tính thiệt hơn, ngay khi đó mỗi người đã có bình yên, tự tại.
Thượng tọa phân tích: "Ở đời có ai sân giận mà hạnh phúc đâu, hại người khác thì làm sao có bình an được, hại xong sống hồi hộp không biết khi nào người ta hại lại nên phải toan tính đủ kiểu, tìm cách rào chắn. Nói là niệm bồ tát Quán Thế Âm để bồ tát gia hộ độ trì nhưng nó như một câu để nhắc lại ta thực hành tâm đại từ đại bi của bồ tát. Chỉ cần vậy thôi ta chính là bồ tát và ta chính là người cứu ta đây".
Cũng theo thượng tọa Thích Trí Chơn, trong cuộc sống có những người không tin tưởng vào đạo Phật hay bồ tát Quán Thế Âm nhưng sống hiểu được lẽ thật của cuộc đời, hiểu được chân lý, hiểu các giá trị văn hóa đạo đức nên sống tránh ác làm lành, tôn vinh những điều thiện và không chấp nhận cái ác, mỗi ngày nuôi dưỡng tâm mình thiện lành nên sống vẫn hạnh phúc.
Ở đời có ai sân giận mà hạnh phúc đâu, hại người khác thì làm sao có bình an được, hại xong sống hồi hộp không biết khi nào người ta hại lại nên phải toan tính đủ kiểu, tìm cách rào chắn. Nói là niệm bồ tát Quán Thế Âm để bồ tát gia hộ độ trì nhưng nó như một câu để nhắc lại ta thực hành tâm đại từ đại bi của bồ tát.
Thượng tọa Thích Trí ChơnTuy nhiên, cũng có những người không tin vào sự nhiệm màu của bồ tát nên sống bất chấp, hơn thua phải trái đúng sai và sống với bản năng của mình nhiều hơn, sống với lợi lạc cho chính mình. Thượng tọa cho rằng, những trường hợp như vậy cái tôi, cái ngã rất lớn, thường cho rằng mình là trung tâm của vũ trụ. Các trường hợp này có thể con đường phía trước sẽ không được bằng phẳng vì hậu quả xấu ác đang đón chờ.
Bên cạnh đó, viện chủ tu viện Khánh An cũng chỉ ra những người có niềm tin vào đạo Phật, bồ tát có 2 trường hợp: một là tin mà không học Phật, hai là tin chân chính, rõ ràng.
Trong đó, thầy Trí Chơn chia sẻ, tin mà không học Phật có thể hướng mọi người về đức tin mà thiếu nhận thức, thiếu hiểu biết, thiếu thực tập lời dạy của Đức Phật và từ đó dễ đưa chúng ta đến con đường mê tín, tin mù mờ, tin không có chí hướng, không có ngọn đuốc dẫn đường.
Còn người có niềm tin và có học Phật, hiểu Phật thì sẽ có một cái nhìn không phải bằng mắt mà bằng tất cả thân tâm này để trải nghiệm lời dạy của Đức Phật, qua đó để hiểu giáo pháp, thực tập giáo pháp.
"Đức tin là rất quan trọng với người đệ tử Phật, một khi chúng ta tin sáng suốt sẽ giúp cho gia đình, những người có quan hệ bạn bè với chúng ta đi đúng hướng, còn chỉ cần một chút mê tín dễ đi lạc đường. Cuộc sống hôm nay hiệu ứng đám đông, trào lưu về sự màu nhiệm gì đó, bồ tát quán âm ở trên mây hiện xuống, Đức Phật tỏa hào quang chấp chóa dễ làm lóa mắt chúng ta và cứ tưởng như thật. Chúng ta cần tu tập như thế nào mà hiển hiện được tâm Phật, hiển hiện được tâm bồ tát đó là chúng ta tu đúng pháp", thượng tọa Trí Chơn đưa ra lời khuyên.
Chàng trai về quê nuôi trùn quế, thu hàng chục triệu đồng/tháng******
Sau khi tốt nghiệp tại một trường cao đẳng ở TP.HCM chuyên về ngành thiết kế đồ họa, Nguyễn được nhận vào làm ở một công ty với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. "Công việc này giúp tôi có đủ chi phí sinh hoạt, trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, vào năm 2021, phụ huynh sức khỏe không tốt, vườn bị bỏ bê nên mình phải dừng mọi thứ tại TP.HCM để về quê", Nguyễn kể.
Về quê, Nguyễn tập trung vào công việc trồng trọt, nuôi heo tại gia. Năm 2021, Nguyễn vô tình thấy trên mạng mô hình nuôi trùn quế đem lại thu nhập cao rồi bắt đầu học hỏi, làm theo.
"Nhà mình có nuôi heo rừng. Trong quá trình nuôi, phân heo rừng làm ảnh hưởng không ít đến môi trường. Nhiều lúc mình suy nghĩ phải làm thế nào để giải quyết được vấn đề này nhưng lại không tốn quá nhiều sức, chi phí", anh cho hay.
"Mình vô tình biết rằng trùn quế hay ăn phân, thường sống trong môi trường có nhiều chất hữu cơ đang phân hủy. Nhờ đó, trùn quế giúp giảm ô nhiễm môi trường do các loại phân chuồng như phân bò, heo gây ra. Mặt khác, phân của trùn quế là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho các loại cây trồng. Còn trùn quế làm thức ăn cho gia cầm, thủy sản rất tốt. Do đó, nuôi trùn quế theo hướng tuần hoàn không rác thải sẽ giảm nhiều thứ như chi phí đầu vào, tránh ô nhiễm môi trường", Nguyễn nói thêm.
Thế là, Hữu Nguyễn tận dụng 400 m2 đất nhà để xây dựng bể nuôi trùn quế, làm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn. "Quy trình nuôi trùn quế không cần kỹ thuật phức tạp nhưng phải chú ý đến nguồn thức ăn đầy đủ và phân phối độ ẩm vừa phải...", anh cho biết.
"Để trùn quế sinh trưởng tốt, mình xây dựng hệ thống bể xi măng dài khoảng 20 m, rộng 2 m và cao gần 50 cm. Bên trên và xung quanh dùng lưới bao phủ để che nắng, mưa và tránh gián, chuột, dế dũi phá hoại cũng như lắp hệ thống tưới nước cho các bể. Từ đó tạo được độ ẩm luôn duy trì ở mức khoảng 70 - 80%, nhiệt độ 30 - 35 độ C", Nguyễn cho hay.
"Phân chuồng được đưa vào các bể nuôi trùn quế theo dạng luống. Mình còn lót lưới bên dưới trước khi cho phân chuồng vào bể, như thế sẽ tạo được độ ẩm, thoát nước tốt nhưng không bị ngập úng. Và không quên tưới nước mỗi ngày để làm ẩm mặt luống...", anh cho biết.
Về nguồn thức ăn cho trùn quế, theo Nguyễn nếu là phân bò sữa thì cần xử lý 10 - 15 ngày là tốt nhất. Phân heo trắng thì cần xử lý vi sinh hơn 1 tháng. Còn nếu là phân của heo rừng đang nuôi thì có thể cho trùn quế ăn trực tiếp. "Vì trong thức ăn của gia súc này đã được xử lý bằng vi sinh. Sau khoảng 3 - 4 tháng, trùn quế sẽ tiêu hóa hết khối lượng phân bỏ vào và thải ra sản phẩm rất tốt cho cây trồng…", Nguyễn nói.
Hiện tại, Hữu Nguyễn cung cấp sản phẩm phân trùn quế đến các trang trại sản xuất nông sản... Thời gian tiếp theo, anh dự tính sẽ tiếp tục mở rộng diện tích để sản xuất phân bón vi sinh cung cấp cho người nông dân.
"Thời gian đầu mình gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra vì người dân ít ai biết đến tác dụng của trùn quế. Mình phải học thêm cách quảng bá, giới thiệu trùn quế trên mạng xã hội. Tự viết bài, quay video giải thích công dụng của phân trùn quế để dễ dàng tiếp cận với khách. Trung bình mỗi tháng mình cung cấp gần 20 tấn phân trùn quế với giá là 3,5 triệu đồng/tấn, thu gần 70 triệu đồng. Hiện tại mình còn đang làm thủ tục thành lập công ty riêng, cho ra nhiều sản phẩm từ phân trùn quế như: viên nén, dạng chất dịch…", Nguyễn nói.
Bên cạnh đó, Hữu Nguyễn còn có thêm nguồn thu nhập từ những cây trồng tại gia như: cà phê, sầu riêng, chuối. "Mình cũng sử dụng phân trùn quế để bón cho cây trồng. Riêng cây chuối, ngoài lấy quả thì mình còn dùng phần thân để làm thức ăn cho gia súc. Chính vì vậy, vòng khép kín tuần hoàn trong mô hình nông nghiệp của mình đã tận dụng được mọi đầu vào, giảm chi phí nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao", Hữu Nguyễn kể.
"Bạn trẻ khởi đầu nuôi trùn quế thì không nên nghĩ đến lợi ích. Trước tiên, cần giảm tối đa chi phí đầu vào, tận dụng phế phẩm nông nghiệp từ gia đình, hàng xóm để làm thức ăn cho trùn quế. Như thế vừa tiết kiệm lại có thời gian học được kinh nghiệm…", Nguyễn nói thêm.
Bà Hồ Thị Bích Linh, Trưởng ban Kinh tế xã hội, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, đánh giá cao mô hình nuôi trùn quế của Nguyễn. "Nguyễn siêng năng, chịu khó học hỏi những điều mới mẻ. Thời gian đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự cố gắng, Nguyễn cũng thực hiện thành công mô hình nuôi trùn quế, tạo ra kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thời gian tiếp theo, Nguyễn sẽ liên kết với các hộ dân để thành lập hợp tác xã, đồng thời hướng dẫn cách nuôi trùn quế, tạo thêm thu nhập cho bà con địa phương", bà Hồ Thị Bích Linh nói.
Bỏ phố về quê làm du lịch cộng đồng******
Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2019, Trần Quốc Vinh (hiện 26 tuổi), ngụ tại ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh, H.Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, đã tham gia vào Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Cồn Chim với mong muốn được đóng góp sức trẻ cho sự phát triển của quê hương.
Thời gian đầu, Vinh được lãnh đạo địa phương cho đi học ở những lớp ngắn hạn, tham gia các khóa huấn luyện khởi nghiệp chuyên sâu để học hỏi, tích lũy kiến thức làm du lịch. Sau đó, Vinh hỗ trợ chia sẻ, truyền đạt lại kiến thức đã học được cho bà con.
Vinh cùng các thành viên trong tổ hợp tác xây dựng nên hệ thống du lịch tại Cồn Chim với tổng cộng hơn 10 địa điểm để du khách chọn lựa, khám phá.
Nhờ sinh ra ở Cồn Chim nên khi bắt tay làm du lịch cộng đồng, Vinh cũng gặp được nhiều thuận lợi. "Mình hiểu được khí hậu, thổ nhưỡng cảnh vật ở quê đẹp như thế nào nên có thể truyền tải hết thông tin cho khách. Ngược lại, mình cũng thu thập những ý kiến đóng góp của khách gửi tới các hộ dân để họ thay đổi, giúp sản phẩm du lịch ngày càng tốt hơn", Vinh chia sẻ.
Trung bình mỗi tháng, Vinh "kéo" hàng trăm khách đến với Cồn Chim. Cũng nhờ thế 13 hộ dân trong Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Cồn Chim cũng có thêm việc làm, tăng thu nhập.
Là hộ dân tham gia vào Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Cồn Chim, bà Nguyễn Thị Bích Vân, cũng chăm chút, sơn lại những mảng tường bong tróc, trồng thêm hoa tươi, cây xanh để khách lưu trú qua đêm. "Từ khi có hoạt động du lịch, không khí ở quê nhộn nhịp, bà con háo hức. Nhờ các bạn trẻ mà khách biết đến Cồn Chim, chúng tôi cũng có thêm thu nhập", bà Vân chia sẻ.
Để nét đẹp Cồn Chim được nhiều người biết đến, Vinh cùng các bạn trẻ ở quê còn quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch qua các trang mạng xã hội.
Là người đưa mô hình du lịch cộng đồng về Cồn Chim, tiến sĩ Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP.HCM, cho hay Vinh và các bạn trẻ khác ở đây tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng với nhiều vai trò khác nhau như: hướng dẫn viên du lịch, sáng tạo và triển khai các trải nghiệm du lịch...
"Các bạn trẻ tại Cồn Chim là nhân tố làm cho mô hình du lịch cộng đồng thêm sức sống và sinh động. Chính sự xuất hiện của họ đã gia tăng tính sáng tạo, trách nhiệm và tinh thần khởi nghiệp du lịch cho người dân địa phương", tiến sĩ Tạ Duy Linh nói.
Ông Nguyễn Tấn Thành, Trưởng ấp Cồn Chim, cho hay từ khi có mô hình du lịch cộng đồng, bà con có nhiều khởi sắc từ tinh thần đến kinh tế.
"Nhờ mô hình du lịch cộng đồng mà bà con không còn tha hương cầu thực hay bị thương lái ép giá mỗi khi đến mùa thu hoạch. Bởi họ đã tận dụng những sản vật chính tay nuôi trồng như: lúa, tôm, gà, vịt, dừa... để chế biến thành nhiều món ngon đãi khách, từ đó giúp tăng thêm giá trị kinh tế. Trung bình mỗi hộ dân trong Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Cồn Chim kiếm được từ 10 - 15 triệu đồng/tháng", ông Thành nói và cho biết từ khi bà con được tiếp xúc, nói chuyện nhiều với khách, sẽ mở mang thêm kiến thức, giao tiếp cũng cải thiện, tự tin hơn.
Hai bạn trẻ Trần Đại Cương và Trần Thị Hằng (cùng 23 tuổi) cũng bỏ phố về quê xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại hồ Ghềnh Chè (xã Bình Sơn, TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên). Để có kinh phí thực hiện, Cương, Hằng cùng với 16 hộ dân tại địa phương thành lập hợp tác xã (HTX) du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè.
"Hồ Ghềnh Chè có cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, tiềm năng để phát triển du lịch xanh với các trải nghiệm sinh tồn", Cương cho biết.
Tận dụng mảnh đất tại gia có diện tích gần 1 ha cạnh hồ Ghềnh Chè, Cương dựng 2 nhà sàn, 5 homestay phục vụ khách đến lưu trú ăn uống, 5 chiếc thuyền chở khách đi tham quan cảnh đẹp, cùng nhiều chương trình team building như: chèo SUP, câu cá… ở hồ Ghềnh Chè. Cùng các tour hoạt động trải nghiệm cắm trại trên đảo hoang, tham quan và mua sắm trà hữu cơ ở các đồi chè do người bản địa sản xuất.
"Tất cả những dịch vụ trên đều do người dân là thành viên HTX đảm trách. Trước đó, mình cũng chỉ dẫn bà con cách đón tiếp khách và cải tạo cảnh quan, làm nhiều địa điểm check-in. Họ còn được đi tập huấn về du lịch cộng đồng và tham quan nhiều mô hình đã thành công trước đó để đúc kết kinh nghiệm…", Cương kể và cho biết trung bình mỗi tháng lượng khách đến hồ Ghềnh Chè hơn 1.000 lượt, người dân kiếm được gần 10 triệu đồng từ các dịch vụ du lịch.
Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, cho hay những bạn trẻ như Cương và Hằng đã tiên phong mở ra các chương trình du lịch tại hồ Ghềnh Chè. Từng là nơi không ai biết đến, nay hồ Ghềnh Chè thu hút hơn 1.000 lượt khách/tháng.
"Cách đây 3 năm không ai biết đến hồ Ghềnh Chè nhưng khi các bạn trẻ về thành lập HTX du lịch cộng đồng và sau bao khó khăn, gian nan thì giờ cũng hưởng được thành quả. Vào đầu tháng 10.2023, HTX du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè đã được UBND tỉnh Thái Nguyên ký quyết định công nhận là điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh", bà Hương nói.
Tiến sĩ Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, cho hay để phát triển du lịch cộng đồng cần chú trọng đến tính bản sắc và chuyển tải sinh động các giá trị văn hóa, sinh kế, nét đẹp hằng ngày một cách chân thật và gần gũi...Cũng theo tiến sĩ Linh sản phẩm du lịch cộng đồng tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng phải tinh tế và có điểm nhấn, để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách. Kết nối và tích hợp giá trị của các nguồn lực (tài nguyên, nhân lực, chính sách, thị trường, công nghệ) một cách nhịp nhàng, đồng bộ. Đồng thời tăng cường tinh thần tự lực, tự chủ của các hộ gia đình để xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch chất lượng, sáng tạo, hấp dẫn, độc đáo.
Mẹ trẻ mắc ung thư truyền cảm hứng đến chị em đồng cảnh ngộ******
Tháng 10.2015, chị Phùng Thị Mai Ly (ngụ Hà Nội) phát hiện ung thư vú khi khối u đã to. Năm đó chị 30 tuổi, còn cậu con trai đầu lòng chuẩn bị đón thôi nôi. Không u sầu dù nhiều người nghĩ ung thư là "án tử", chị Ly hướng mình theo những suy nghĩ tích cực. "Mình còn trẻ, còn sức khỏe của thanh niên, đề kháng của mình tốt. Tích cực và tiêu cực chỉ cách nhau ở một ranh giới. Suy nghĩ theo hướng nào sẽ cho ta kết quả theo hướng đó", chị Ly nhớ lại.
Chị nói chuyện nghiêm túc với gia đình về việc không nên xem chị là người bệnh, nên để mọi việc trong cuộc sống diễn ra bình thường. Thấy mẹ ruột khóc nhiều, chị mạnh mẽ nói: "Nếu mẹ còn khóc, con sẽ không để mẹ đi viện cùng con nữa".
Thay vì sợ đủ thứ khi điều trị, chị nghĩ ngay đến việc "kiểu gì mình cũng hợp với hóa chất". Tuy nhiên, khi từng mũi kim truyền thuốc vào người, chị mới biết thế nào là những đau đớn mà ung thư mang đến. Cũng có lúc chị thấy chán nản, nhưng không bỏ cuộc. Cứ 3 tuần/lần chị nhập viện truyền hóa chất. Lần nào vào viện cũng với tâm trạng phơi phới lạc quan, vui vẻ vì nghĩ mình sắp khỏi bệnh. Sau 40 tháng, tháng 8.2019, chị Ly phát hiện di căn đa ổ ở xương, phổi và hạch trung thất. Cầm kết quả, chị lẻn vào một góc hành lang bệnh viện, rơi nước mắt. 5 phút sau, chị bừng tỉnh, nghĩ: "Khóc có khỏi bệnh không? Khóc có hết di căn không?", rồi gạt nước mắt và gọi chồng đến đón về. Người phụ nữ sẵn sàng tiếp tục chiến đấu với căn bệnh quái ác.
Cuối năm 2021, bệnh tiến triển nặng, vợ chồng chị quyết định đưa con từ quê xuống Hà Nội sống cùng. Biết sẽ khó khăn hơn, nhưng người mẹ muốn được gần con.
"Tôi không ngờ việc đón con sống cạnh mình lại khiến tôi thấy tinh thần tốt hơn. Tôi mạnh mẽ hơn, quyết tâm khỏe mạnh trở lại để có thêm những tháng ngày bên con", chị nói.
Năm ngoái, khi con trai vào lớp 3, chị Ly quyết định trở lại cơ quan làm việc. Lúc đó, chị gầy rộc, thường xuyên chuếnh choáng vì uống giảm đau nhiều. Đến tháng 8 vừa rồi, khối u cũng đã di căn sang bên vú còn lại. Dù bận rộn điều trị, việc nhà, chăm con, song chị thường chia sẻ những bài viết về quá trình điều trị bệnh của mình trong những hội nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư và luôn nhận được hàng nghìn lượt yêu thích, bình luận.
Tháng 4 năm ngoái, chị Ly giành giải nhất cuộc thi "Song hành" do Mạng lưới ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức, với bài thi tâm tình viết về cậu con trai cùng những chia sẻ truyền năng lượng tích cực đến cộng đồng.
Chị cho biết, chia sẻ cũng là cách để báo cho mọi người biết mình vẫn ổn và hy vọng ai đọc được sẽ thấy mình trong đó, có niềm tin để lạc quan chiến đấu với bệnh tật.
Chị Bảo Châu (ngụ TP.Huế) là một trong những người tìm được điểm tựa tinh thần từ những bài viết của chị Mai Ly. Cũng là bệnh nhân ung thư, di căn liên tục nên nhiều lần chị Châu mất phương hướng. Nhờ kết nối với chị Ly, chị Châu được tiếp thêm năng lượng. "Nếu như không đọc được những bài chia sẻ của Ly trên mạng xã hội và nghe trực tiếp tại diễn đàn, chắc tôi không có đủ động lực để tiếp tục chiến đấu", chị Châu tâm sự.
Tương tự, chị Thái Hà (ở Hà Nội) biết chị Mai Ly khi cùng sinh hoạt trong nhóm. Chị Hà còn nhớ thời điểm tháng 4.2021, mỗi lần đau hoặc có biểu hiện khác thường trong cơ thể lại tìm kiếm bài viết của chị Mai Ly để đọc. "Chia sẻ của Ly giúp tôi yên tâm rất nhiều trên hành trình chữa bệnh. Bản thân Ly là một phép màu. Tôi nghĩ rằng cứ tin tưởng vào y học, tin vào phúc phận của mình, lạc quan chiến đấu, biết đâu đó mình cũng như Ly", chị Hà nói.