Đèo Prenn Đà Lạt xuất hiện điểm sạt lở sau trận mưa đầu mùa******
Trước đó, khoảng 14h ngày 1/4, trên địa bàn TP Đà Lạt có một trận mưa kéo dài khoảng 45 phút.
Ngay sau đó, tại Km225+800 thuộc đèo Prenn, một khối lượng đá trên bờ taluy dương sạt lở, làm tràn xuống mặt đường gây cản trở các phương tiện lưu thông qua đèo.
Sau khi xuất hiện sạt lở, lực lượng chức năng TP Đà Lạt, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng đã bố trí lực lượng, khẩn trương khắc phục sạt lở.
Các đơn vị đặt biển báo, kéo dây cảnh báo ở hai đầu khu vực xảy ra sạt trượt, tiến hành phân luồng giao thông, cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên đèo Prenn.
Đèo Prenn được tỉnh Lâm Đồng đã đưa vào sử dụng đèo hôm 31/1, sau hơn 11 tháng nâng cấp, mở rộng.
Tuyến đường đèo nối huyện Đức Trọng với TP Đà Lạt có chiều dài 7,4km, với tổng mức đầu tư 553 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.
Đắk Lắk lý giải tách 2 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng ở dự án nghìn tỷ******Tách 2 hồ sơ đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng do tính cấp thiết của dự án
UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) giải trình ý kiến của các bộ, ngành về hồ sơ chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tại Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng (Dự án) giai đoạn 1.
Theo tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích rừng đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng toàn Dự án là trên 130ha. Trong đó, trên 73ha đã được Bộ NN&PTNT trình Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng và 57ha được Bộ NN&PTNT tổ chức thẩm định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (đợt 2).
Tỉnh Đắk Lắk cũng giải trình việc tách thành 2 hồ sơ đề nghị chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án này.
Đối với hồ sơ trình chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đợt 1 trên 73ha do diện tích này đã được điều chỉnh quy hoạch ngoài 3 loại rừng vào năm 2007 của tỉnh, đảm bảo đủ điều kiện trình Bộ NN&PTNT chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định.
Đối với diện tích 57ha rừng còn lại của Dự án, do tại thời điểm trình thẩm định 73ha rừng, diện tích rừng này chưa đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng nên UBND tỉnh phải tổ chức thực hiện điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng. Sau khi điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng, UBND tỉnh Đắk Lắk trình Bộ NN&PTNT hồ sơ chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định.
Tỉnh Đắk Lắk lý giải, việc tách diện tích 130ha thành 2 hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của Dự án nêu trên không phải tách thành 2 dự án độc lập, không thay đổi về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.
"Việc UBND tỉnh Đắk Lắk trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng giai đoạn 1 phù hợp với quy định pháp luật", UBND tỉnh Đắk Lắk nêu rõ.
Cũng theo UBND tỉnh Đắk Lắk, Dự án được Bộ NN&PTNT phê duyệt năm 2009 (trước khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công năm 2019).
Dự án được khởi công từ đầu năm 2010 và kế hoạch thực hiện Dự án là 5 năm, kể từ ngày khởi công xây dựng. Tuy nhiên, đến nay 15 năm triển khai xây dựng, còn các hạng mục công trình của Dự án chưa hoàn thiện, trong đó có liên quan đến thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án kéo dài. Điều này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân trong vùng Dự án (800 hộ tại địa bàn các huyện Ea Kar, M'Đrắk, Krông Bông, Krông Pắk).
Xuất phát từ tình hình thực tế, tính cấp thiết của Dự án và quy định pháp luật hiện hành, UBND tỉnh Đắk Lắk chủ động xây dựng hồ sơ chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng thành 2 đợt.
Mục đích nhằm khẩn trương giải phóng mặt bằng hoàn thành các hạng mục công trình để di dời dân, chặn dòng, tích nước, hạn chế lũ trong mùa mưa...; sớm đưa công trình vào vận hành, phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho các hộ dân tái định canh, định cư để ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.
Diện tích rừng của dự án giảm trên 224ha
Trước đó, trong quá trình lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của Dự án, tỉnh Đắk Lắk phải tạm dừng để rà soát báo cáo Bộ NN&PTNT. Qua đó, tổng diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của Dự án là hơn 370ha.
Qua rà soát diện tích rừng của Dự án bị giảm trên 244ha (là rừng non tái sinh chưa có trữ lượng) tại Khu tái định cư do các hộ dân xã Cư Elang, huyện Ea Kar quản lý bảo vệ.
Về nguyên nhân diện tích rừng bị suy giảm nêu trên, tỉnh Đắk Lắk cho rằng, do dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng là công trình lớn, khối lượng công việc nhiều, thời gian xây dựng dài; do hầu hết diện tích rừng tự nhiên là rừng non chưa có trữ lượng, dễ bị tổn hại khi có những tác động ngoại cảnh và do áp lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình.
Tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan rà soát, làm rõ nguyên nhân và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Qua đó, kiểm điểm đối với UBND huyện Ea Kar, UBND xã Cư Elang (huyện Ea Kar), Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar và Sở NN&PTNT.
Dự án hồ thủy lợi Krông Pách Thượng có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh trên 4.400 tỷ đồng.
Dự án khởi công từ năm 2009, nhằm cung cấp nước tưới cho khoảng 15.000ha đất nông nghiệp tại các huyện phía Đông tỉnh Đắk Lắk.
Dự án thuộc nhóm A và tách thành 2 Dự án thành phần, phân cho 2 chủ đầu tư riêng biệt.
Ban quản lý Đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8 (chủ đầu tư hợp phần cụm công trình đầu mối và hệ thống kênh cấp 1) và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (chủ đầu tư hợp phần bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và hệ thống kênh cấp 1 trở xuống).
Giám định cây sao đen trăm tuổi chết khô trên phố Lò Đúc******Ghi nhận của phóng viên Dân tríchiều 27/3, các cán bộ của quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cùng đơn vị chức năng tiến hành đo đạc, giám định cây sao đen trăm tuổi trước cửa nhà số 65 phố Lò Đúc.
Cây được xác định đã chết, không thể tiếp tục sinh trưởng và đã được chặt hạ để chuẩn bị bứng gốc bỏ đi.
Tuy nhiên, nhiều người dân xung quanh nghi ngờ cây bị "bức tử", tương tự vụ việc xảy ra với cây sao đen trước cửa nhà số 71 Lò Đúc vào năm 2019.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Đặng Thị Thanh (70 tuổi, trú tại ngõ 69 Lò Đúc) cho biết cây sao đen trước cửa nhà số 65 vẫn còn xanh tốt cho đến giữa năm 2023, ngay trước khi hộ dân ở số nhà này chuyển về và tiến hành xây dựng công trình nhà ở cao 6 tầng.
"Chúng tôi rất tiếc nuối khi nhìn thấy cây đang xanh tốt mà chết dần, vì hàng cây sao đen cả trăm năm tuổi trên phố Lò Đúc là có một không hai ở Hà Nội. Một cây chết đi mà không ai bị xử lý thì sẽ còn có cây thứ hai, thứ ba", bà Thanh nói và cho biết ở tuyến phố này từ khi sinh ra nên bà mang niềm tự hào về hàng cây xanh chạy dài thẳng tắp.
Người dân mong muốn chính quyền sớm làm rõ nguyên nhân cây chết, xác minh và xử lý nghiêm cá nhân cố tình xâm hại đến cây nếu có.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội, ngoài cây sao đen ở trước cửa nhà số 65 và số 71 đã chết khô, một cây khác trước cửa nhà số 34 cùng phố Lò Đúc cũng có dấu hiệu khô héo, không thể sinh trưởng. Đáng lưu ý, cả 3 cây này đều tồn tại trước cửa những ngôi nhà vừa xây mới.
Phía công ty đã có văn bản đề nghị UBND phường Phạm Đình Hổ kiểm tra, xác minh việc những cây này có khả năng bị xâm hại. Trước mắt, công ty chờ thêm chỉ đạo để tiếp tục tiến hành loại bỏ cây ở trước cửa nhà số 65 và phối hợp với các đơn vị liên quan để giám định cây.
Trong khi đó, lãnh đạo phường Phạm Đình Hổ cho biết kết quả giám định cho thấy gốc cây có biểu hiện bị láng bê tông xung quanh. Tuy nhiên, thời điểm cây bị chết được xác định trước khi hộ dân ở số nhà 65 phố Lò Đúc chuyển về sinh sống vào giữa năm 2023.
"Khi xác định cây đã chết và có nguy cơ gãy đổ, chúng tôi đã lấy ý kiến xác nhận từ tổ dân phố về việc cây này chết trước khi hộ dân ở số 65 Lò Đúc chuyển đến và xây dựng công trình", vị cán bộ thông tin.
Theo biên bản kiểm tra hiện trường hôm 23/2, các đơn vị liên quan xác định cây sao đen có đường kính 80cm, cao 18m, đã bị chết khô, mục rỗng gốc. Do đó, các bên thống nhất đề nghị hoàn thiện thủ tục chặt hạ, đánh gốc, trồng cây thay thế theo đúng quy định.
Sau khi loại bỏ cây cũ, cây mới sẽ được thay thế ở vị trí này và vẫn là cây sao đen.
Thời gian tới, UBND phường Phạm Đình Hổ tiếp tục kiểm tra xử lý trường hợp cây xanh bị xâm hại (nếu có). Đồng thời, địa phương sẽ phối hợp với đơn vị liên quan rà soát lại các cây xanh trên địa bàn, tiến hành thay thế kịp thời những cây đã chết, bảo đảm an toàn cho người dân và mỹ quan đô thị.
Sao đen là loài thực vật thuộc chi Sao, họ Dầu, thường có ở vùng Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Cây gỗ lớn thân thẳng, thuôn dài, cao từ 20-30m, tán lá rậm hình chóp, cành nhánh to, dài, mọc thẳng đứng.
Gỗ sao đen nằm trong nhóm III danh mục gỗ quý của Việt Nam, với đặc tính nhẹ và mềm, nhưng sức bền cao, độ dẻo dai lớn, sức chịu lực cao. Hai hàng sao đen thẳng tắp được coi là điểm nhấn của phố Lò Đúc. Theo thống kê, tuyến phố này hiện có hơn 100 cây sao đen.
Năm 2019, người dân từng phản ánh việc cây sao đen trước cửa số 71 Lò Đúc bị đổ hóa chất vào gốc khiến cây chết dần. Người dân thậm chí ghi lại hình ảnh nhưng đến nay chính quyền vẫn chưa có kết quả xác minh, xử lý người liên quan đến vụ việc.
Giá vé xe, vé tàu từ TP.HCM đi các tỉnh kỳ nghỉ lễ 30.4******
Cụ thể, theo ghi nhận trên hệ thống đặt vé trực tuyến của hãng xe cũng Phương Trang trong ngày đầu tiên (27.4) của kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5, các chuyến xe khởi hành từ TP.HCM đến các địa điểm du lịch nổi tiếng như: Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng… trở nên nhộn nhịp.
Với loại vé giường nằm tuyến TP.HCM đi Đà Lạt có giá 400.000 đồng/vé; Phan Thiết là 250.000 – 265.000 đồng/vé; Phan Rang là 273.000 đồng/vé; Nha Trang là 410.000 đồng/vé; Quy Nhơn là 340.000 đồng/vé; Đà Nẵng là 410.000 đồng/vé…
Còn trên hệ thống đặt vé trực tuyến của hãng xe Chính Nghĩa, chuyên phục vụ tuyến về Quảng Ngãi khởi hành vào ngày 27.4 cũng công bố nhiều mức giá vé cho các loại xe. Cụ thể, với loại xe Limousine xuất phát từ TP.HCM đi Quảng Ngãi có mức giá là 895.000 đồng/vé; loại xe Luxury là 700.000 đồng/vé; loại xe giường nằm thông thường là 515.000 đồng/vé.
Hãng xe Bình Tâm, chuyên phục vụ tuyến TP.HCM đi Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi cũng đưa ra giá vé cho ngày 27.4. Với tuyến đi Bình Định và Khánh Hòa có 3 mức giá từ 650.000 – 1.000.000 – 1.500.000 đồng/vé cho loại giường nằm, phòng đơn và phòng đôi.
Giá vé tàu, xe TP.HCM đi tỉnh dịp lễ tăng không quá 40%
Trong khi đó, hướng từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây, hãng Phương Trang cũng đưa ra nhiều mức giá như: về Cần Thơ là 230.000 đồng/vé; An Giang là 265.000 đồng/vé; Kiên Giang là 280.000 đồng/vé; Cà Mau là 365.000 đồng/vé…
Tuyến TP.HCM đi An Giang của hãng xe Huệ Nghĩa cũng có nhiều mức giá với nhiều điểm đến như: về Tri Tôn là 210.000 đồng/vé; Cựu Hội (Chợ Mới), H.Châu Thành và TP.Long Xuyên là 190.000 đồng/vé. Tuyến TP.HCM về Hà Tiên (Kiên Giang) từ 210.000 – 220.000 đồng/vé.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách vào dịp lễ 30.4, và 1.5, ngoài các chuyến tàu đang hoạt động hàng ngày sẽ tổ chức chạy thêm 34 đoàn tàu từ TP.HCM đến Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi và ngược lại.
Cụ thể lịch chạy tàu của tuyến TP.HCM - Quảng Ngãi sẽ là tàu SE26 vào các ngày 26, 29.4; SE25 xuất phát Quảng Ngãi ngày 30.4, 1.5. Tuyến TP.HCM – Quy Nhơn sẽ chạy thêm tàu SE30 vào các ngày 17, 19, 26 đến 29.4; tàu SE29 Quy Nhơn đi TP.HCM các ngày 18, 27, 28, 30.4; 1.5. Tuyến TP. HCM – Nha Trang sẽ chạy thêm tàu SNT4 chạy các ngày 17, 19, 26, 27.4; tàu SNT6, SNT8 chạy các ngày 26, 27.4. Ngược lại tuyến Nha Trang – TP.HCM sẽ chạy tàu SNT3 ngày 30.4, 1.5; SNT5 chạy ngày 18, 30.4, 1.5; tàu SNT7 chạy ngày 1.5. Tuyến TP. HCM - Phan Thiết sẽ chạy thêm tàu SPT4 các ngày 27, 28.4; tàu SPT3 Phan Thiết đi TP.HCM các ngày 27, 30.4; 1.5.
Theo khảo sát, giá vé tàu xuất phát đến các địa phương nằm gần TP.HCM vào ngày 27.4 như: từ ga Sài Gòn đi Nha Trang bằng tàu SE6, khởi hành lúc 8 giờ 30, dao động từ 557.000 – 1,1 triệu đồng/vé; đi Phan Thiết với tàu SPT2, khởi hành lúc 4 giờ 20 dao động từ 287.000 – 412.000 đồng/vé; đi ga Tháp Chàm (Ninh Thuận) với tàu SNT6 khởi hành lúc 7 giờ có giá dao động từ 572.000 – 1,1 triệu đồng/vé.
Đồng thời, với các tuyến tàu có hành trình dài hơn đi từ ga Sài Gòn đến Đà Nẵng với tàu SE8, khởi hành lúc 18 giờ 36 phút có mức giá dao động từ 892.000 – 1,5 triệu đồng/vé; tuyến ga Sài Gòn đi Tam Kỳ (Quảng Nam), tàu SE4 khởi hành lúc 16 giờ với mức vé dao động từ 958.000 - gần 1,6 triệu đồng; tuyến ga Sài Gòn đi Quy Nhơn, tàu SE30 khởi hành lúc 14 giờ 15 với mức vé dao động từ 682.000 – 1,3 triệu đồng/vé. Mức vé này bao gồm các loại ghế ngồi mềm có điều hòa, giường nằm khoang 4 và 6 có điều hòa (từ tầng 1 đến 3).
Thủ tướng chỉ đạo đầu tư sớm nhất các tuyến cao tốc 2 làn xe******Nhiệm vụ này được Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho Bộ trưởng GTVT tại Công điện số 27 vừa ban hành, việc khẩn trương hoàn thiện, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc và báo cáo kết quả nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh.
Theo người đứng đầu Chính phủ, việc sớm hoàn thành, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc là rất cần thiết và cấp bách.
"Đây là căn cứ pháp lý quan trọng trong quy hoạch, thiết kế, quản lý đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác các dự án đường bộ cao tốc mới, cũng như sớm triển khai nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã đầu tư theo quy mô phân kỳ", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông đặc biệt lưu ý yêu cầu này đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe, cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu công trình phụ trợ, trạm dừng nghỉ, các nút giao chưa phù hợp...
Để kịp thời khắc phục các tồn tại, bất cập tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác các tuyến đường bộ cao tốc, Thủ tướng yêu cầu ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc.
Trong đó, ông chỉ đạo Bộ trưởng GTVT khẩn trương hoàn thiện, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc.
Theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, Bộ GTVT cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và triển khai phù hợp với các điều kiện thực tế của Việt Nam.
Trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc, Thủ tướng nhấn mạnh cần quy định về số làn đường, mặt cắt ngang, dải phân cách, làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế, trạm dừng nghỉ…
Quy chuẩn này cũng phải có nguyên tắc bố trí, thiết kế, tổ chức các nút giao, phù hợp với yêu cầu khai thác thực tế, khoa học, hiệu quả, chiều rộng và tốc độ thiết kế của nút giao cho phù hợp với tốc độ của đường cao tốc.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tổ chức, quản lý khai thác vận hành các tuyến cao tốc bảo đảm thuận lợi, an toàn, hiệu quả… phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Đặc biệt, theo lãnh đạo Chính phủ, cần khai thác tối đa hiệu quả đầu tư của các tuyến đường bộ cao tốc, tạo ra không gian phát triển mới, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực.
Công việc này, Thủ tướng quán triệt hoàn thành trước 5/4.
Về nghiên cứu, triển khai đầu tư, nâng cấp ngay các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương khẩn trương gửi phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã và đang đầu tư theo quy mô phân kỳ đến Bộ GTVT.
Bộ trưởng GTVT được giao khẩn trương báo cáo Thủ tướng kết quả nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần có giải pháp cụ thể để đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe, cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu trạm dừng nghỉ...
Giải pháp hỗ trợ thực hiện chế độ ăn giảm muối tốt cho sức khỏe******Khi nấu ăn, chắc hẳn nhiều người nội trợ trong gia đình có thói quen sử dụng các loại gia vị để nêm cho các món ăn thêm đậm đà, dậy vị. Một trong số các loại gia vị không thể thiếu đó chính là Bột ngọt (mì chính).
Bột ngọt mang lại vị umami hay vị ngon, vị ngọt thịt, đồng thời có tác dụng làm hài hòa các vị cơ bản, ngọt, chua, mặn, đắng; có hậu vị kéo dài, giúp tạo cảm giác thỏa mãn sau khi ăn, từ đó, giúp nâng vị ngon tổng thể của món ăn.
Thành phần chính của bột ngọt là glutamate, là axit amin tạo nên chất đạm có trong cơ thể người, và có trong hầu hết các thực phẩm tự nhiên như các loại thịt, các loại thủy hải sản, rau củ quả, sữa… Bột ngọt được phát minh từ hơn 1 thế kỷ trước, khi giáo sư hóa sinh người Nhật Bản Kikunae Ikeda tìm ra cách chiết xuất glutamate từ rong biển kombu. Ông cũng là cha đẻ của thương hiệu nổi tiếng toàn cầu Ajinomoto.
Hiện nay, bột ngọt được sản xuất bằng phương pháp lên men tự nhiên từ các nguyên liệu từ thiên nhiên như mía, khoai mì, ngô (bắp), củ cải đường... và được sử dụng phổ biến trên khắp thế giới.
Không chỉ giúp món ăn thêm đậm đà, dậy vị, bột ngọt còn có khả năng làm giảm lượng natri tiêu thụ mà vẫn duy trì được vị ngon cho món ăn. Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn - Trung tâm Khám Tư vấn, phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát béo phì - Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia), bột ngọt giúp điều hòa các vị cơ bản, có hậu vị kéo dài, giúp tạo cảm giác thỏa mãn sau khi ăn, từ đó nâng vị ngon tổng thể của món ăn. Lượng natri trong bột ngọt rất thấp.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng hướng dẫn, bạn có thể nêm 4g muối và 4,8g bột ngọt, từ đó có thể giảm đến 31% lượng natri tiêu thụ, nhưng món ăn vẫn ngon và vừa miệng.
Một số người lo ngại bột ngọt khi nêm vào món ăn trong quá trình chế biến gặp nhiệt độ cao có thể biến đổi thành chất có hại cho cơ thể. Trên thực tế nhiệt độ đun nấu hằng ngày chỉ ở ngưỡng dưới 270°C, ở nhiệt độ này, bột ngọt không bị biến đổi thành chất không tốt cho sức khỏe. Do đó, có thể nêm bột ngọt vào bất kỳ lúc nào trong quá trình chế biến.
Bột ngọt cũng được các tổ chức y tế, sức khỏe uy tín trên thế giới khẳng định là gia vị cho mọi đối tượng, bao gồm: JECFA (Ủy ban các Chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm thuộc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới); EC/SCF (Ủy ban Khoa học về Thực phẩm của Cộng đồng chung Châu Âu); FDA (Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ); Bộ Y tế, Lao động, Phúc lợi Nhật Bản. Tại Việt Nam, Bộ Y tế Việt Nam cũng đưa bột ngọt vào danh mục các phụ gia được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Bột ngọt cũng là thành phần lành tính với trẻ em ở tất cả các giai đoạn. Ở tuần thai 16, em bé đã phát triển các thụ thể vị giác trên lưỡi cho phép nếm các vị khác nhau bao gồm vị "umami" từ nước ối của người mẹ. Sữa mẹ chứa một hàm lượng cân đối các axit amin, trong đó có glutamate chiếm một tỷ lệ cao vượt trội. Như vậy, một cách tự nhiên trẻ được cung cấp một hàm lượng đáng kể glutamate thông qua sữa mẹ. Hội Nhi khoa Hoa Kỳ chỉ ra việc sử dụng mì chính ở người mẹ trong thời kỳ cho con bú không ảnh hưởng tới trẻ bú sữa mẹ hoặc tác động đến việc tiết sữa mẹ. Ủy ban các Chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm thuộc Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra kết luận: "Quá trình chuyển hóa bột ngọt trong cơ thể trẻ em và người lớn là như nhau và không có bất kỳ mối nguy nào đối với trẻ em được chỉ ra khi sử dụng bột ngọt".
Ngoài ra, đối với tin đồn bột ngọt có thể gây tổn hại cho trí não, gây mất trí nhớ, bác sĩ Hưng đã phân tích: Hầu hết glutamate từ bột ngọt được tiêu thụ qua đường tiêu hóa sẽ được sử dụng để chuyển hóa thành năng lượng cho hoạt động của ruột. Hơn nữa hàng rào máu-não trong não bộ con người có khả năng ngăn sự di chuyển của glutamate sẵn có trong máu đi vào não. Vì vậy bột ngọt không gây ảnh hưởng đến trí não.