Rút ngắn thời gian quay đầu máy bay để phục vụ 30/4, 1/5******
Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, các hãng bay đang phải khắc phục khó khăn để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 kéo dài 5 ngày.
Bước vào "mùa làm ăn" lớn nhất trong năm, đội máy bay của các hãng Việt Nam chỉ còn lại khoảng 165-170 chiếc, giảm 40-45 máy bay so với cùng kỳ năm 2023.
Theo kế hoạch, các hãng bay Việt vẫn sẽ cung ứng khoảng 900.000 ghế trên các đường bay nội địa. Trong đó, đường bay từ Hà Nội và TPHCM đi đến các địa phương là 657.000 ghế và 3.400 chuyến bay, tăng tương ứng 4,2% về số ghế và 5,5% về số lượng chuyến bay so với cùng kỳ năm 2023.
Trong bối cảnh máy bay bị thiếu hụt, Bộ GTVT và Cục Hàng không đã chỉ đạo các hãng tăng cường tải cung ứng vào giai đoạn nghỉ lễ 30/4-1/5. Cục cũng đã chỉ đạo tăng tần suất điều phối hạ, cất cánh (slot) tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Để đảm bảo có đủ máy bay phục vụ, các hãng đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị phục vụ mặt đất để rút ngắn thời gian quay đầu máy bay (ground time) từ 45 phút xuống khoảng 30-35 phút.
Ground times là thời gian từ lúc máy bay hạ cánh trả khách cho tới khi chuẩn bị sẵn sàng để đón chuyến tiếp theo. Trong thời gian này, máy bay sẽ được dọn dẹp vệ sinh, kiểm tra kỹ thuật, nạp nhiên liệu...
Các hãng cũng đang tìm kiếm, thuê ướt máy bay, đồng thời kéo dài thời gian khai thác trên mỗi máy bay, khai thác cả ban đêm để tối ưu năng suất.
Dự kiến, thời gian khai thác máy bay của Vietnam Airlines tăng từ 10 giờ/máy bay/ngày lên khoảng 11-12 giờ/máy bay/ngày. Vietjet Air tăng từ 12-13 giờ/máy bay/ngày lên khoảng 13-14 giờ/máy bay/ngày.
Cháy chung cư ở TPHCM lúc rạng sáng, cả nghìn người hoảng loạn tháo chạy******Khoảng 2h ngày 3/4, hỏa hoạn bất ngờ bùng lên tại căn hộ ở tầng 16, block 3, chung cư HQC Plaza trên đường Nguyễn Văn Linh, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh.
Khi chuông báo cháy vang lên, hàng nghìn cư dân đang ngủ đã thức giấc. Họ hoảng hốt ôm tài sản quan trọng tháo chạy theo cầu thang bộ thoát ra ngoài.
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an huyện Bình Chánh, Phòng PC07 đã đến hiện trường dập lửa, tìm kiếm người mắc kẹt và sơ tán cư dân.
Gần 3h, đám cháy được khống chế. Hỏa hoạn không gây thương vong về người nhưng khiến cư dân một phen hoảng loạn.
"Tôi đang ngủ nghe chuông vang lên. Tôi vội ôm con cùng chồng chạy ra ngoài. Tôi ngửi thấy mùi khói nhưng không biết cháy ở đâu, chỉ biết chạy. Lúc xuống được dưới đất, cả nhà tôi mệt muốn xỉu", chị Hương (31 tuổi, ngụ tầng 10 chung cư) chia sẻ.
Tại hiện trường, Thượng tá Đỗ Văn Kháng - Phó Trưởng phòng PC07 - đã trấn an cư dân: "Đám cháy đã dập tắt hoàn toàn, các cư dân chưa ra ngoài hãy ở yên trong căn hộ. Cảnh sát đang tập trung thổi khói ra ngoài để đảm bảo an toàn. Các cư dân bình tĩnh".
Hỏa hoạn khiến một số tài sản trong căn hộ bị thiêu rụi. Cơ quan chức năng huyện Bình Chánh đang điều tra nguyên nhân vụ cháy.
Chung cư HQC Plaza, nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh.
Chung cư gồm 4 block, cao 23-24 tầng, được xây dựng trên diện tích 11.151m2. Chung cư có 1.735 căn hộ, mỗi có diện tích 54-69m2.
Chung cư được khởi công xây dựng vào năm 2013 và đưa vào sử dụng năm 2015.
Những người 'thầm lặng' làm việc dưới nắng nóng hơn 50 độ C trên đường băng Tân Sơn Nhất******12 giờ trưa, nhiệt độ mặt bê tông đường băng Tân Sơn Nhất hiển thị 51,4oC. Các tổ phục vụ mặt đất, kỹ thuật, an ninh sân bay vẫn miệt mài với công việc dù người đã mướt mồ hôi.
Giữa phi trường rộng lớn với hàng chục "chú chim sắt" khổng lồ, những người làm việc dưới đường băng nhìn từ xa chỉ còn là những chấm nhỏ nhòe mờ vì nắng nóng.
Khi ra sân đỗ bắt đầu công việc bảo dưỡng chiếc Airbus A350 trước giờ khởi hành, anh Đào Anh Tuấn (52 tuổi), kỹ sư cơ giới máy bay bịt khẩu trang, đeo găng tay chống nóng, mặc áo phản quang, đội nón lưỡi trai có dây cột, bịt tai và bắt đầu công việc.
Làm việc ở đường băng Tân Sơn Nhất: Hàng chục năm tập quen với cái nóng 50 độ C
Mặt trời chiếu thẳng đứng, bóng mát duy nhất khi đó chỉ là phần bụng dưới chiếc máy bay. Anh Tuấn tỉ mỉ kiểm tra tất cả các thông số theo yêu cầu từ phần đầu, lốp, cánh, đuôi, động cơ… nhiều vòng liên tục. Nắng mỗi lúc một gắt gao, mồ hôi bắt đầu lấm tấm trên gương mặt, người đàn ông 30 năm trong nghề vẫn tập trung từng chi tiết nhỏ của máy bay.
Anh Tuấn cho hay, ngày nào nhiệt độ dự báo 35, 36oC thì nhiệt độ trên sân đỗ luôn là trên 40oC, những thời điểm nắng nóng nhất trong ngày nhiệt độ cảm nhận có thể lên trên 50oC.
"Trên đường băng, sân đỗ không có một bóng mát nào để giảm nhiệt độ đi cả, toàn là bê tông và nhựa đường nên nhiệt độ cảm nhận tăng lên rất nhiều so với thực tế", anh chia sẻ.
30 năm làm việc trong đường băng sân bay, anh Tuấn nhận xét, năm nay nắng nóng đến sớm với cường độ nắng nóng không khác gì thời điểm cao điểm
Độc Lập
Theo người đàn ông 30 năm kinh nghiệm, mùa nắng nóng nhất với người làm việc ở đường băng sân bay là khoảng trước Tết Nguyên đán 1 tháng và sau tết từ 1,5 – 2 tháng. Tuy nhiên, năm nay, ngay trong cao điểm tết, nắng nóng đã ập đến.
Anh nhận xét, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm và cường độ nắng nóng không thua kém gì so với thời gian cao điểm của mọi năm. Làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt, anh và đồng nghiệp đều trang bị bảo hộ, uống nước mát để duy trì sức khỏe.
"Khoảng 1 tuần trở lại đây, buổi sáng nắng nóng có phần bớt gay gắt hơn, nhưng từ 10 giờ đến 15 – 16 giờ chẳng khác gì thời điểm nắng nóng gay gắt, rất nóng là đằng khác", anh nói.
Kỹ sư bảo dưỡng máy bay cho hay, thông thường, thời gian bảo dưỡng, kiểm tra mỗi chiếc máy bay trước giờ khởi hành tùy thuộc vào yêu cầu của từng hãng. Nhưng khi thời tiết nắng nóng, cường độ làm việc của kỹ sư sẽ được bố trí giãn cách để mỗi người có thêm thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe.
Xem nhanh 20h ngày 14.3: Làm việc ở đường băng Tân Sơn Nhất
Đi máy bay, trước khi khởi hành, hành khách có thể nhìn thấy tiếp viên, phi công hay nhân viên mặt đất ở cửa lên máy bay. Nhưng thực tế, từ trước khi hành khách bước lên máy bay, có rất nhiều bộ phận làm việc trực tiếp dưới đường băng để bảo đảm an toàn cho chuyến bay, bất kể nắng mưa.
Tiếp nhận bảo dưỡng chiếc máy bay chuẩn bị khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất đi sân bay Nội Bài lúc 13 giờ, anh Bùi Vĩnh Hưng (39 tuổi), kỹ sư điện và điện tử máy bay đã có mặt trước 2 tiếng để làm việc.
Làm việc dưới nắng gắt nhưng những người làm việc trên sân đỗ không được mang theo chai nước
Độc Lập
Dưới cái nắng chói chang buổi giữa trưa, anh Hưng chia sẻ, trang bị kỹ càng về thể lực, quần áo, trang bị bảo hộ, chế độ ăn uống rất quan trọng với người làm việc trực tiếp dưới nắng nóng gay gắt.
"Ra đường băng cần có giày bảo hộ chống trượt, chống tích điện và chống nóng; nón phải có dây tránh bị gió thổi bay; kính tránh chói nắng; bịt tai nhằm chống tiếng ồn… Đó là những đồ cơ bản nhất làm trên đường băng cũng phải có", anh tâm sự.
Làm việc dưới nắng gắt gao, cổ họng nhiều lúc khát khô, tuy nhiên, theo các kỹ sư, trên sân đỗ rất hạn chế uống nước vì liên quan đến FOD (tránh vật thể lạ trên đường băng). Vì vậy, mọi người vào làm việc không mang theo chai nước. Ngoài ra, người làm việc trên đường băng không được mang theo hộp quẹt. Đây cũng là 2 nguyên tắc chúng tôi được nhắc kỹ lưỡng trước khi vào khâu kiểm soát an ninh nghiêm ngặt để theo chân đội kỹ sư bảo dưỡng máy bay ra sân đỗ.
Anh Hưng kể: "2 năm trước là thời điểm nắng nóng gắt gao nhất. Mồ hôi nhiều lúc ướt hết đầu tóc, quần áo, tới tay chân. Khi đó, kỹ sư phải dùng khăn lau tay cho khỏi trơn rồi mới làm tiếp. Về đến nhà, tôi cũng chỉ kể cho mọi người nghe là công việc làm dưới nắng nóng, chứ không nói kỹ nắng nóng ra sao vì sợ cả nhà lại lo lắng".
Cùng ca phục vụ mặt đất trước giờ khởi hành chiếc chiếc Airbus A350 với anh Tuấn, anh Nguyễn Hùng Châu Kha (31 tuổi), đội phục vụ kỹ thuật cũng chia sẻ, dù có chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng ngày mới vào nghề anh cũng bị "sốc đột ngột" vì thời tiết trên đường băng quá "gắt gỏng" – lúc thì nắng chói chang, lúc lại mưa nặng hạt. Trong 8 năm làm nghề, đã vài lần anh hứng trọn cơn mưa, sau đó, nắng lên lại, bộ quần áo mặc trên người tự được hong khô ngay trong ca trực.
Công việc của anh Kha là vận hành xe thang, xe đặc chủng, xe chở trang thiết bị đặc biệt phục vụ cho các chuyến bay. Ca làm việc của đội phục vụ kỹ thuật kéo dài 8 tiếng, mỗi chuyến bay làm trên sân đỗ kéo dài khoảng 50 phút đối với tàu thân nhỏ và hơn 60 phút đối với tàu thân rộng.
"Ca làm việc ban đêm thì mát mẻ khá dễ chịu, còn với ca ban ngày như cả tháng qua thì chúng tôi luôn phải đối mặt với hơi nóng từ động cơ máy bay, bê tông bốc lên, nắng từ trên trời đổ xuống, nhiều ngày không một bóng mây. Giữa sân đỗ rộng lớn, tàu bay cũng rất to, trang thiết bị cồng kềnh, nhiều khi thấy mình thực sự nhỏ bé. Năm nay khác mọi năm, vừa qua tết nắng đã khắc nghiệt", anh nhìn nhận.
Giữa sân đỗ rộng lớn với các tàu bay to, những người làm việc trên sân trở nên thật nhỏ bé
Độc Lập
Theo anh Kha, từ 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều là thời điểm nắng nóng nhất trong ngày từ tết tới nay, đôi lúc có thể khiến anh hoa mắt, chóng mặt. Sau mỗi ca trực dưới thời tiết nắng nóng, mồ hôi tuôn như tắm, nhưng nhìn các tàu bay chở hàng trăm hành khách cất cánh an toàn, những người làm việc trên đường băng lại thở phào…
Giá USD hôm nay 2.4.2024: Thị trường tự do bật tăng trở lại******
Sáng 2.4, tỷ giá trung tâm giữa VND với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố duy trì ở mức 24.004 đồng. Giá USD tại ngân hàng Vietcombank cũng không thay đổi so với hôm qua khi mua vào 24.600 đồng, bán ra 24.970 đồng. Riêng BIDV giảm 20 đồng, đưa giá mua xuống 24.645 đồng và bán ra 24.955 đồng...
Trong khi đó, giá USD tự do tăng trở lại. Một số điểm thu đổi ngoại tệ tại TP.HCM mua vào 25.420 đồng và bán ra 25.520 đồng, tăng 40 đồng so với hôm qua. Giá USD tự do hiện cao hơn ngân hàng khoảng 550 đồng.
Giá USD thế giới tăng khi chỉ số USD-Index đạt 104,78 điểm, cao hơn 0,57 điểm so với hôm qua. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm cuối phiên 1.4 (giờ Mỹ) tăng gần 13 điểm cơ bản lên 4,319%. Điều này được cho là do thị trường phản ứng với số liệu chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi được công bố trong ngày thứ sáu vừa qua khi thị trường đóng cửa giao dịch vì nghỉ lễ. Chỉ số PCE cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, cho thấy lạm phát tháng 2 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, trùng khớp với dự báo.
Ngay sau đó, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng cho rằng thông tin PCE mới nhất không làm suy yếu triển vọng cơ bản của ngân hàng trung ương, nhưng cho biết với nền kinh tế đang trên nền tảng mạnh mẽ như bây giờ, điều này có nghĩa là không cần phải vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tuần này, Chủ tịch Fed sẽ có thêm bài phát biểu vào thứ tư tại Đại học Stanford. Các nhà kinh tế tại Deutsche Bank nhận định sự kiện này dự đoán sẽ có một thông điệp được diễn đạt cẩn thận hơn từ người đứng đầu ngân hàng trung ương liên quan đến triển vọng ngắn hạn về chính sách lãi suất. Nội dung có thể sẽ gần với thông điệp được đưa ra trong cuộc họp ngày 20.3 vừa rồi, cụ thể là Fed phụ thuộc vào dữ liệu và sẽ cần thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang trên đà đạt mức 2%...
Cô gái từng 3 lần thoát cảnh bắt vợ quyết học để làm luật sư******Cô gái trong câu chuyện trên là Sùng Thị Sơ, (22 tuổi, dân tộc Mông, ở xã Hồng Ca, H.Trấn Yên, Yên Bái). Cô đang là sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội.
Tục bắt hay kéo vợ của người H'Mông là nghi lễ trước khi kết hôn của các cặp đôi yêu nhau. Tuy nhiên, không ít người đã lợi dụng phong tục này để "bắt" cô gái về làm vợ khi chưa có sự đồng ý. Cô gái này đã 3 lần trở thành nạn nhân của tục lệ này.
Năm cô học lớp 8, khi đang đi chơi tết với em gái bỗng bị kéo về nhà người ta. Chuyện này xảy ra quá nhanh nên Sơ không kịp phản ứng. May mắn, em gái khóc lên nên mọi người xung quanh đã can ngăn.
Lần thứ hai, khi cô học lớp 10, cô tiếp tục bị bắt bởi một người không quen biết trước hôm nhập học một ngày.
Lần thứ ba, khi chuẩn bị thi THPT Quốc gia cũng là lúc nhiều địa phương giãn cách do dịch Covid-19. Do ôn thi nên Sơ đã ở nhà một mình thay vì đi làm nương cùng bố mẹ. Chiều tối, hai người lạ ở làng khác đã đến rủ đi chơi nhưng cô đã từ chối. Không được đồng ý, họ liền cưỡng chế kéo cô đi. Bị kẹp giữa trên xe, cô gái không thể vùng vẫy, phản kháng.
Ngay tối hôm đó, cô đã bị cưỡng ép, bắt ngủ với đối phương. Sơ biết rằng bị bắt rồi sẽ khó trốn về nhà nhưng vẫn quyết tâm trốn, không thể ở với người khác.
"Sáng hôm sau, mình lấy cớ gọi điện cho trường lấy lịch thi và lén gọi điện cầu cứu bố mẹ. May mắn, bố mình đã thuyết phục được người ta đưa về. Dù đã về nhà an toàn nhưng gia đình đối phương và những người xung quanh vẫn bàn tán, mong được cưới họ. Mình rất biết ơn bố mẹ vì đã mặc kệ những lời góp ý xung quanh", cô chia sẻ.
Từ nhỏ, Sơ đã chứng kiến nhiều gia đình không hạnh phúc. Khi lớn lên, cô chứng kiến nhiều bạn trẻ lấy chồng rất sớm đều bỏ chồng hoặc ngược lại. Nuôi thêm 2 - 3 người con khiến cuộc sống của những bạn đó rất cực khổ. Dù muốn tìm được sự giúp đỡ của người khác nhưng họ không có ai để chia sẻ, thậm chí không nói được tiếng phổ thông. Hành trình thoát khỏi cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc dường như không có lối thoát.
Cô quyết tâm trở thành luật sư vì bản thân muốn được bảo vệ chính mình. Cô từng 3 lần bị bắt vợ nên đủ nhận thức rằng đó không phải là mong muốn của mình. Cô sẽ không thể lay chuyển được ai nếu chính mình không thay đổi, không chịu học hỏi và không có ước mơ.
Hiện cô đã bảo vệ xong khóa luận và đang trong quá trình xét tốt nghiệp. Cô tin một khi đã trở thành luật sư, việc giúp mọi người nhận thức đầy đủ về việc được học tập và theo đuổi những gì mình muốn.
Bố mẹ Sơ là nông dân, chủ yếu trồng trọt chăn nuôi ở quê. Họ đều không được đi học. Cô là con thứ 2 trong gia đình có 5 chị em. Chị gái đã đi lấy chồng, em gái mới tốt nghiệp trung cấp còn hai em trai đang đi học. Gia đình không có thu nhập ổn định, phụ thuộc vào nương rẫy.
Dù gặp khó khăn về tài chính nhưng cô vẫn thuyết phục bố mẹ được đi học sau khi tốt nghiệp THPT và hứa sẽ tự lo học phí. Có lúc, gia đình khó khăn đến mức không có dép đi, không có áo ấm mặc lúc mùa đông dù phải đi bộ khoảng 3 km đi học.
Để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt ở thủ đô, Sơ thường làm giúp việc gia đình, phục vụ ở nhà hàng, quán ăn, quán cà phê và làm các công việc văn phòng khác. Có những thời điểm cô làm nhiều việc một lúc để có tiền ở lại Hà Nội và tiếp tục đi học.
"Đến tận năm 2020, mình cũng không mua nổi áo ấm. Lúc đó, mình từ Hà Nội lên Thái Nguyên thăm em gái ốm vì bạn ấy chỉ có một chiếc áo khoác mỏng nên đã nhường chiếc áo ấm duy nhất đó. Cả đoạn đường trở về Hà Nội, mình đã khóc rất nhiều. Khóc vì thương mình, thương em và thương cho sự vất vả của đấng sinh thành", cô gái xúc động.
Khác với những lời dị nghị, chê bai từ hàng xóm vì cho rằng: "Con gái chỉ là con gái thôi", bố mẹ Sơ luôn động viên con hết mình. Mỗi lần Sơ cầm giấy khen về nhà, ánh mắt của họ luôn chan chứa sự tự hào, sự tin tưởng và tình thương con vô bờ.
Với quyết tâm thay đổi cuộc sống của bản thân và những em gái xung quanh sau câu chuyện 3 lần là nạn nhân của tục bắt vợ, Sơ được lựa chọn là 1 trong 2 đại diện Việt Nam tại Hội thảo về phòng chống tảo hôn cấp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong tham luận trình bày tại hội thảo, cô đã nêu tình trạng tảo hôn chung tại Việt Nam và cộng đồng người H'mông nói riêng."Không có gì là không thể thay đổi cả, nếu mình sẽ có cơ hội để làm điều đó. Và mình tin sẽ có người sẵn sàng đứng lên để bảo vệ nên nếu gặp phải những trường hợp như vậy các em gái hãy kêu cứu. Chúng ta nên kết hôn khi đã đủ tuổi theo quy định của pháp luật, đủ lớn về cả nhận thức, có tri thức và có đủ sức để bảo vệ bản thân an toàn",cô viết trong bài tham luận.
Ngoài ra, cô cũng là một trong 15 thành viên thành viên quỹ Spark tại Đông Nam Á thuộc Quỹ Trẻ em toàn cầu. Tại đây, cô mong muốn sẽ có nhiều quyền lợi hơn cho những người yếu thế (người dân tộc thiểu số, người khuyết tật hay LGBT), không giới hạn ngôn ngữ để thêm nhiều cơ hội học tập cho các bạn trẻ, đặc biệt là vùng sâu vùng xa.
Ông Sùng Công Của (43 tuổi), bố của Sơ nói rằng rất tôn trọng quyết định của con. Khi nghe tin con bị kéo đi làm vợ, người đàn ông rất đau lòng vì luôn thấy khao khát được đi học của con.
"Tôi xem việc đứng ra bảo vệ con là trách nhiệm của đấng sinh thành. Tôi mất ngủ nhiều đêm vì thương con, lo con gái sẽ không chịu được sau nhiều lần bị bắt. Tôi luôn nói với con rằng: "Hình hài là bố mẹ cho con nhưng cuộc sống này là của con, con muốn làm gì hãy nỗ lực giành lấy". ông Của bày tỏ.
Người cha cũng rất tự hào vì con là người đầu tiên trong làng học đại học thậm chí còn được đi nhiều nước trong khu vực. Gia đình luôn mong Sơ khỏe mạnh, hạnh phúc và đạt được nhiều mục tiêu đề ra.
Anh Cháng A Vàng, Bí thư Đoàn xã Hồng Ca đánh giá cao thành tích học tập của Sơ. Đoàn xã xem cô là tấm gương điển hình trong việc vươn lên trong học tập, mong các đoàn viên khác noi gương.
"Đối với cộng đồng người H'Mông ở địa phương, tỷ lệ các bạn đi học sau chương trình phổ thông không nhiều. Ngoài ra, tục bắt vợ ở địa phương dù đã giảm hơn so với nhiều năm trước nhưng vẫn chưa hết hẳn. Mình tin với nhận thức và sự nỗ lực của Sơ, bạn ấy sẽ lan tỏa được đến với mọi người", anh Vàng chia sẻ.
- Nhận bằng khen của Ủy ban Dân Tộc tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2019 - 2020
- Giải Bạc cuộc thi viết "Tinh thần sắt - Phụ nữ sắt" và Giải Nhất cuộc thi viết "Nhà - Nơi trú tâm hồn"
- Phó ban nhân sự, thành viên quốc gia Ban tham vấn Thanh Niên của Tổ chức Plan International Việt Nam
- 1 trong 2 đại diện Việt Nam tại Hội thảo về phòng chống tảo hôn cấp khu vực châu Á – Thái Bình Dương
- 1 trong 15 thành viên thành viên quỹ Spark tại Đông Nam Á thuộc Quỹ Trẻ em toàn cầu
- Đại biểu các hội nghị như: Sáng kiến thanh niên tiên phong của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, bàn tròn Thanh Niên về phát triển số 16 của Liên Hợp Quốc
Sau cơn 'mưa nhẹ' buổi sáng, TP.HCM nắng nóng lên tới 43 độ C******Sáng sớm nay, trên địa bàn TP.HCM mưa rào nhẹ xuất hiện ở nhiều nơi như Q.3, 4, 7, 11, 12, Bình Thạnh, Nhà Bè, Gò Vấp… khiến nhiều người hy vọng, nhiệt độ trong ngày sẽ dịu xuống.
Thế nhưng, kỳ vọng này đã tan biến dù đến gần trưa, mây đen vẫn còn xuất hiện ở nhiều nơi nhưng lượng mây đã mỏng đi rất nhiều và nắng nóng gay gắt khó chịu. Khoảng 11 giờ nhiệt độ cảm nhận trên ứng dụng điện thoại đã báo đến 41 độ C và nhiệt độ cao nhất lên tới 43 độ C.
Thời tiết dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5: Đặc biệt nhất trong 10 năm qua
Trong khi đó, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo: Nhiệt độ cao nhất ngày 26.4 tại TP.HCM có thể đạt tới 38 độ C, nắng nóng gay gắt.
Tuy nhiên, nhiệt độ cao nhất ở Đông Nam bộ có thể lên đến 40 độ C xảy ra ở Bình Phước. Các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh có thể lên đến 38 - 39 độ C, nắng nóng đặc biệt gay gắt.
Các chuyên gia khí tượng thủy văn lưu ý, đây là trận mưa trái mùa do các đám mây giông nhiệt gây ra với lượng nhỏ và diện hẹp. Việc mưa xuất hiện như vậy càng làm cho không khí thêm oi bức khó chịu, chưa thể giải nhiệt.
Hiện nay, áp thấp nóng phía tây tiếp tục tăng cường nên từ nay đến ngày 30.4 nắng nóng vẫn tiếp tục gia tăng cường độ trên khu vực Nam bộ và Tây nguyên. Với TP.HCM, nơi có mức độ đô thị hóa cao nhất cả nước nhiệt độ cảm nhận thường cao hơn 5 - 6 độ C so với nhiệt độ khí tượng, người dân cần chủ động phòng tránh nắng nóng trong giờ cao điểm từ 11 - 15 giờ chiều.
Tại miền Tây, nhiệt độ ở Vĩnh Long có thể lên đến 38 độ C. Ở các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang có thể đến 37 độ C và các nơi khác cũng đạt mức nhiệt 36 độ C.