|
|
Dòng nước ngầm từ núi đá và đàn cá thần hàng nghìn con ở Thanh Hóa******
Nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 50km về phía bắc, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Đền Rồng - Đền Nước tọa lạc tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Hữu Ngọc, cán bộ Ban quản lý di tích cho biết, Đền Rồng - Đền Nước là hai ngôi đền linh thiêng thờ Thánh Mẫu. Trong đó, Đền Rồng thờ Mẫu Thượng Ngàn, đền Nước thờ Mẫu Thoải.
Theo ông Ngọc, Đền Rồng - Đền Nước được xây dựng từ thế kỷ XVI. Cả hai ngôi đền đều tựa lưng vào vách núi, hướng ra dòng Khe Năn xanh mát bốn mùa.
Ngoài những giá trị văn hóa tâm linh, vài năm trở lại đây, khu vực Đền Nước đang trở thành địa điểm tham quan lý thú đối với đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Điều đặc biệt, tại vách núi phía sau Đền Nước, có mạch nước ngầm chảy thẳng ra dòng Khe Năn, quanh năm không bao giờ cạn. Không chỉ vậy, tại đây còn xuất hiện một đàn cá thần với số lượng hàng nghìn con.
"Dòng nước này trong mát quanh năm và không bao giờ cạn. Theo các cụ cao niên, đàn cá thần ở Đền Nước có từ xa xưa, mỗi con cá to khoảng 8-9kg. Trong những năm tháng chiến tranh, trải qua nhiều trận đánh bom, số lượng cá ít đi. Năm 2017, địa phương đã khôi phục lại đàn cá thần", ông Ngọc chia sẻ.
Cũng theo ông Ngọc, cá thần ở Đền Nước là giống cá Giốc. Loài cá này có hình dáng giống hệt cá thần ở Khu di tích Suối Cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Đặc biệt, đàn cá rất dễ gần, khi có người đến xem, chúng thường bơi lại.
Ông Ngọc cho biết, mặc dù đàn cá với số lượng hàng nghìn con nhưng không ai dám bắt ăn thịt. Thậm chí, vào mùa mưa bão, người dân địa phương còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và ban quản lý di tích tập trung căng lưới bảo vệ quanh bờ suối để đàn cá không bị nước cuốn trôi.
Vào dịp lễ, Tết, đông đảo du khách thập phương tìm về đây vãn cảnh, chiêm bái và ngắm đàn cá thần.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (du khách thành phố Thanh Hóa) chia sẻ: "Vào dịp đầu năm và các ngày mùng 1, tôi và gia đình thường đi ra Đền Rồng - Đền Nước để thắp hương. Mấy năm nay, tại đây có đàn cá thần trông rất giống với đàn cá thần ở Cẩm Lương.
Khung cảnh ở đây rất đẹp, hy vọng chính quyền địa phương tăng cường quản lý, bảo vệ đàn cá để thu hút đông đảo hơn nữa du khách về đây tham quan".
Bà Phan Thị Lan, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Trung, cho biết năm 1993, Đền Rồng - Đền Nước, xã Hà Long được công nhận là Di tích danh thắng cấp tỉnh của Thanh Hóa.
Hằng năm, vào dịp 24/2 Âm lịch, nơi đây diễn ra lễ hội Đền Rồng - Đền Nước với nghi thức rước kiệu từ Đền Rồng sang Đền Nước.
"Đây là cụm di tích văn hóa linh thiêng, thu hút đông đảo người dân tham quan. Ngoài những giá trị văn hóa tâm linh, đàn cá thần ở khu di tích là một trong những điểm nhấn du lịch để thu hút du khách.
Địa phương thường xuyên tích cực kêu gọi người dân tham gia chăm sóc và bảo vệ đàn cá, để nơi đây trở thành điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách trong hành trình khám phá xứ Thanh", bà Lan thông tin.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê mẩn của rừng hoa đỗ quyên Fansipan******
Mỗi dịp tháng 4 về, núi rừng Hoàng Liên Sơn (Sa Pa) như được thắp sáng bởi những thảm hoa đỗ quyên bung nở rực rỡ.
Cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú, thời tiết mát mẻ và mùa hoa đỗ quyên rực rỡ cùng vô vàn trải nghiệm hấp dẫn đang chờ đón du khách đến trải nghiệm và khám phá Sa Pa vào dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 và những ngày hè sắp tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ ý nghĩa chuyến thăm Trung Quốc******
Chiều 9/4, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Gặp gỡ hữu nghị nhân dân Việt Nam - Trung Quốc, với sự tham dự của đông đảo đại biểu nhân sĩ trí thức, các cựu đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, các học giả, nhà nghiên cứu về Việt Nam cùng đại biểu doanh nghiệp, thanh thiếu niên...
Đây là lần thứ hai chương trình ý nghĩa này được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, sau Chương trình Gặp gỡ nhân sỹ hữu nghị và thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Việt Nam hồi tháng 12/2023.
Hội trưởng Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc Dương Vạn Minh nhấn mạnh, tình hữu nghị nhân dân luôn là nền tảng quan trọng và nguồn động lực không ngừng của phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước.
Theo ông Dương Vạn Minh, các hoạt động giao lưu hữu nghị, thúc đẩy hợp tác của hai nước đóng góp tích cực cho việc xây dựng, kết nối lòng dân hai nước, tích cực phát triển quan hệ Trung - Việt.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông, sớm sớm cùng nghe tiếng gà gáy, nhân dân hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời.
Việt Nam luôn ghi nhớ tình đoàn kết gắn bó, sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Vui mừng trước sự phát triển rất tốt đẹp của quan hệ Việt - Trung những năm gần đây, ông Vương Đình Huệ cho biết hai bên đã xác lập định vị mới, nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược với nội hàm "6 hơn".
Nhấn mạnh một trong những phương hướng hợp tác cơ bản, quan trọng nhất của quan hệ Việt - Trung là củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Trung Quốc ngày 13/12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, "Những nguyện vọng thiết tha, sâu xa từ bao đời nay của nhân dân hai nước về hữu nghị, hòa bình, hợp tác và phát triển chính là nguồn sức mạnh to lớn và cơ sở vững chắc cho niềm tin về tương lai tươi sáng của quan hệ giữa hai nước".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng chia sẻ, "Gốc rễ của quan hệ hai nước Trung - Việt là ở nhân dân" và "làm sao để tình hữu nghị Trung - Việt ngấm vào trái tim, khối óc của nhân dân hai nước".
Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đại diện cho tiếng nói, ý chí và nguyện vọng của nhân dân mỗi nước, Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc luôn nỗ lực nắm bắt, phản ánh tâm tư, tình cảm của nhân dân, tăng cường định hướng, xây dựng đồng thuận xã hội, tạo dựng và củng cố nền tảng dân ý vững chắc cho quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt - Trung.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chuyến thăm Trung Quốc lần này và việc ký mới Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc nhằm mục đích duy trì trao đổi chiến lược cấp cao, cụ thể hóa và triển khai thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước.
Việc này cũng góp phần thiết thực làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đem lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Ông Vương Đình Huệ mong muốn tiếp tục thúc đẩy, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa các đoàn thể nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tổ chức tốt các hoạt động giao lưu truyền thống.
Bên cạnh đó, hai bên sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền tích cực về quan hệ hữu nghị Việt - Trung cũng như thành quả đổi mới, cải cách mở cửa của mỗi nước, củng cố nền tảng dân ý vững chắc hơn, định hướng xây dựng đồng thuận trong nhân dân về phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Mưa đá hiếm thấy xuất hiện ở Quảng Nam******
Chiều 18/4, thông tin từ UBND huyện Nam Trà My, Quảng Nam, khoảng 14h30 cùng ngày, một trận mưa đá lớn kèm giông lốc xảy ra tại trung tâm huyện Nam Trà My và xã Trà Mai.
Trận mưa kéo dài trong khoảng 30 phút. Theo lãnh đạo huyện Nam Trà My, chưa ghi nhận thiệt hại về người và động vật do trận mưa đá gây ra. Về thiệt hại hoa màu, huyện đang thống kê.
Theo hình ảnh người dân ghi lại, những hạt mưa đá có kích thước bằng đầu ngón tay người lớn, rơi trên mái tôn tạo tiếng động lớn, nhiều người phải đóng kín cửa và gia cố đồ đạc để tránh thiệt hại.
Theo UBND huyện Nam Trà My, hiện tượng mưa đá xuất hiện khá thường xuyên tại vùng trồng sâm Ngọc Linh, gồm các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Tập… gây hư hại hoa màu, dược liệu,
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, mưa đá xuất hiện tại các xã vùng thấp hơn, trong đó có khu trung tâm huyện Nam Trà My và xã Trà Mai.
Dự báo từ nay đến cuối tuần, trên địa bàn huyện Nam Trà My sẽ tiếp tục có mưa lớn kèm theo giông lốc. Chính quyền địa phương đã phát cảnh báo và chỉ đạo đơn vị, địa phương liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản nhân dân trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường.
Xe bọc thép chống bạo loạn diễu hành tại lễ kỷ niệm của lực lượng CSCĐ******
Sáng 5/4, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động cùng Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) tổ chức họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (15/4/1974-15/4/2024).
Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh (Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động), lực lượng cảnh sát cơ động được trang bị các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị, phương tiện đặc chủng hiện đại thực hiện nhiệm vụ vũ trang, bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Thiếu tướng Thanh nói đây là lực lượng công an nhưng "ăn ở tập trung, chiến đấu như quân đội".
Để phục vụ cho lễ kỷ niệm sắp tới, hơn 5.000 cán bộ chiến sĩ đại diện cho gần 33.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát cơ động toàn quốc đã nỗ lực luyện tập suốt 3 tháng qua.
25 khối đại diện cho từng đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh, các khối cơ quan, trung tâm huấn luyện, trung đoàn các vùng miền... sẽ diễu binh trong lễ kỷ niệm. Bên cạnh đó, các chiến sĩ sẽ biểu diễn võ thuật, trình diễn các kỹ năng, năng lực của cảnh sát cơ động.
"Hứa hẹn sẽ mang lại những màn biểu diễn đẹp mắt, nghiêm trang trong lễ kỷ niệm diễn ra vào sáng 14/4", Thiếu tướng Thanh nói.
Ngoài ra, lễ kỷ niệm lần này cũng huy động hơn 100 trang thiết bị, xe đặc chủng để diễu hành, biểu dương lực lượng, gồm xe chỉ huy, xe tác chiến chống bạo loạn, xe chống khủng bố, xe bọc thép chống đạn, xe phá sóng…
Lái tàu cao tốc có lỗi trong vụ tông phà du lịch trên sông Tiền******
Thông tin với phóng viên Dân trítối 20/4, nguồn tin từ UBND xã Vĩnh Xương (Tân Châu, An Giang) cho biết cơ quan chức năng tỉnh An Giang đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giữa hai phương tiện trên sông Tiền
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định cả tài công tàu Hàng Châu và lái phà đều không vi phạm nồng độ cồn trong hơi thở, âm tính với chất ma túy.
Lực lượng chức năng nhận định lỗi ban đầu là do ông Phan Thành Được (42 tuổi, ngụ Châu Phú, An Giang) đã điều khiển tàu Hàng Châu với tốc độ cao, không giữ khoảng cách an toàn. Khi vào khu vực bến thủy nội địa, tàu cố vượt nên va chạm với phà, khiến 3 người bị thương.
Trong đó, ông Ab Dol Ro Zak (36 tuổi, ngụ An Giang) là hướng dẫn viên du lịch, bị lìa cánh tay và gãy hai chân. Nạn nhân đang được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), riêng cánh tay bị đứt lìa không thể nối lại.
Ông Koehler Dietmar Heinz (67 tuổi, quốc tịch Đức) bị rách vùng cẳng chân và đầu gối trái, trầy ngực trái. Bà Kormann Pascale Aline (57 tuổi, quốc tịch Pháp) cũng bị rách cẳng chân trái, gãy 1/3 xương mác cẳng chân trái.
Hiện 2 hành khách quốc tịch nước ngoài đang điều trị tại Bệnh viện Việt - Pháp (TPHCM).
Đại diện hãng tàu Hàng Châu cho biết, trước mắt hãng cam kết thanh toán toàn bộ chi phí chữa trị cho các nạn nhân.
Chiều 20/4, tại TP Long Xuyên (tỉnh An Giang), ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, đã thăm hỏi động viên đoàn khách du lịch quốc tế vừa gặp nạn trong vụ việc.
Như Dân tríđã đưa tin, chiều 19/4, tại thủy phận sông Tiền thuộc xã Vĩnh Xương đã xảy ra vụ tai nạn giữa tàu Hàng Châu của Công ty tàu thủy Hàng Châu Tourist (Hang Chau Tourist Express Boat) và phà du lịch, làm 3 người bị thương nặng.
Ông Cao Bình, hướng dẫn viên của đoàn khách du lịch trên tàu Hàng Châu, cho biết thời điểm xảy ra tai nạn, trên tàu có 36 khách của hãng du lịch đang đi từ Campuchia về Việt Nam.